"Hò hẹn với Đoàn" và nhiều chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm cho thanh niên
Buổi giao lưu kết nối việc làm cho thanh niên
Bài liên quan
Xem xét, quyết định Bộ Thanh niên vào thời điểm thích hợp
Đoàn viên, thanh niên Quảng Ninh: Lan tỏa hành động đẹp vì cộng đồng
Cơ hội nhận hỗ trợ vay vốn 1 tỷ đồng để thanh niên nông thôn khởi nghiệp
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nặng nề đến nền kinh tế, thị trường lao động trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Tính đến hết quý I/2020, khoảng 1,1 triệu người thất nghiệp. Đáng chú ý, số thanh niên thất nghiệp (tuổi từ 15 - 24) có gần 493 nghìn người. Như vậy, vấn đề đặt ra là ngay tại thời điểm này cơ hội công việc cũng bị hạn chế hơn, các doanh nghiệp sẽ chọn lựa ứng viên rất kỹ.
Đoàn thanh niên TP Hải Phòng thời gian qua đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối việc làm như chương trình Hò hẹn với Đoàn, cuộc thi Dự án Khởi nghiệp, talk show "Ứng viên chuyên nghiệp"... mong muốn hỗ trợ thanh niên nhanh chóng tìm việc sau đại dịch, đồng thời thúc đẩy các hoạt động kinh doanh trở lại cho các doanh nghiệp trẻ.
Buổi giao lưu kết nối việc làm cho thanh niên (Nguồn ảnh: Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) |
Ông Phạm Văn Hiệu, Chánh Văn phòng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hải Phòng cho biết, trong thời gian cách ly xã hội, Trung tâm Giới thiệu Việc làm Hải Phòng không tổ chức các phiên giao dịch mà chỉ kết nối việc làm trực tuyến giữa người tìm việc và doanh nghiệp có nhu cầu thông qua các website và mạng xã hội Facebook.
"Ngày 10/6, trung tâm tổ chức phiên giao dịch việc làm để các phục vụ các doanh nghiệp và người lao động có nhu cầu. Đây là phiên giao dịch việc làm đầu tiên sau khi hết thời gian cách ly xã hội", ông Hiệu nói.
Tính đến ngày 10/6/2020, Trung tâm Giới thiệu Việc làm Hải Phòng đã mở 3 phiên giao dịch việc làm. Đặc biệt, phiên việc làm tháng 6/2020 lần 3 thu hút hơn 20 công ty tham gia với các vị trí nhân viên nhà hàng, khách sạn, cơ khí, kim loại, chế biến thực phẩm, giàn giáo cốp pha, điều dưỡng, nhân viên thị trường...
Phiên việc làm đầu tiên sau dịch Covid-19 với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp địa phương |
Trong khi đó, Công ty Cổ phần HTM Logistics có nhu cầu tuyển dụng 50 lao động làm việc ở các vị trí lái xe nâng, nhân viên kiểm đếm, công nhân bốc xếp... Hay như Công ty Cổ phần Phát triển xây dựng Liên Việt cần tuyển hơn 20 lao động tại các vị trí như lao động phổ thông, công nhân điện, công nhân hàn, kế toán.
Ông Ko Tae Yoeon, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Heesung Electronics - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Tràng Duệ cho biết, trong thời gian từ tháng 2/2020 đến nay, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Các doanh nghiệp chủ yếu sản xuất mặt hàng xuất sang thị trường Châu Âu và Mỹ nên khi dịch Covid-19 bùng phát ở những quốc gia, châu lục này, đơn hàng của các doanh nghiệp giảm từ 20 - 80%, nhất là trong tháng 4/2020. Tuy nhiên, để giữ chân người lao động, các doanh nghiệp lựa chọn phương án cho người lao động nghỉ việc luân phiên, nghỉ chờ việc (hưởng 70% lương)...
Thực tế hiện nay, việc giao thương với nước ngoài vẫn chưa được mở cửa hoàn toàn khiến không có đơn hàng hoặc không có nguyên liệu đầu vào nên nhiều doanh nghiệp phải lựa chọn hoặc cho người lao động nghỉ việc hoặc thực hiện tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc cho người lao động làm việc luân phiên chia sẻ cùng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, do nhu cầu mở rộng sản xuất hoặc kịp hoàn thành tiến độ giao hàng, vẫn có doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn như Công ty LG Display cần tuyển khoảng trên 2.000 lao động hoặc một số doanh nghiệp tuyển dụng lao động bổ sung, lao động thay thế từ 30 đến dưới 100 lao động.
Để chủ động hỗ trợ người lao động sau dịch bệnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có một số phương án hỗ trợ như tạo mọi điều kiện nhanh chóng, thuận lợi cho người lao động đến làm thủ tục đăng ký bảo hiểm thất nghiệp; Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, dạy nghề cho người lao động; Chỉ đạo, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển dụng lao động tại các địa phương; Cung cấp, chia sẻ thông tin về tình hình tuyển dụng lao động, số lao động nghỉ việc của các doanh nghiệp, số lao động đăng ký hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp …
Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành công nghiệp thành phố ước tăng 13,01% so với cùng kỳ, đây là tốc độ tăng 5 tháng so cùng kỳ thấp nhất trong 3 năm gần đây (năm 2017 tăng 21,49%; năm 2018 tăng 24,03%; năm 2019 tăng 22,8%).