Hoàn thiện thể chế vì mục tiêu phát triển bền vững
Trong bối cảnh phát triển bền vững đang trở thành mục tiêu then chốt của mọi quốc gia, việc xây dựng và hoàn thiện năng lực thể chế đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo hiệu quả thực hiện các mục tiêu này.
Đặc biệt, đối với Việt Nam, việc gắn kết giữa chính sách pháp luật với thực tiễn tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và an sinh xã hội là nền tảng để đạt được sự phát triển bền vững.
Để làm rõ những hạn chế hiện tại và đề xuất các giải pháp cụ thể cho việc nâng cao năng lực thể chế đảm bảo thực hiện hiệu quả các mục tiêu của phát triển bền vững, trường Đại học Thủy Lợi phối hợp cùng Tạp chí Pháp luật và Phát triển (Hội Luật gia Việt Nam), trường Đại học Luật Hà Nội, Viện Nhà nước và Pháp luật (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam) và Công ty Luật TNHH Sen Vàng tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia với chủ đề: “Xây dựng và hoàn thiện năng lực thể chế đảm bảo thực hiện hiệu quả các mục tiêu của phát triển bền vững”.
GS.TS Nguyễn Trung Việt, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thủy lợi |
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Nguyễn Trung Việt, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thủy lợi nhấn mạnh: Đây là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và các giảng viên trao đổi, thảo luận về những vấn đề chính sách pháp luật liên quan đến các trụ cột của phát triển bền vững, qua đó góp phần xây dựng và hoàn thiện năng lực thể chế cho mục tiêu phát triển lâu dài của đất nước.
Chương trình hội thảo gồm 2 phiên thảo luận chính: “Chính sách pháp luật về môi trường, thị trường lao động và an sinh xã hội thúc đẩy phát triển bền vững” và “Chính sách pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước hướng tới mục tiêu phát triển bền vững”.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhấn mạnh: “Đối với những người làm quản lý Nhà nước như chúng tôi, thể chế là câu chuyện liên tục đặt ra và liên tục được hoàn thiện vì đó là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển, sự thành bại của một quốc gia nói chung cũng như một hệ thống, tổ chức nói riêng".
“Thông qua hội thảo này với những kết quả nghiên cứu của các giáo sư, chuyên gia cũng như những ý kiến, kiến nghị, hy vọng chúng ta sẽ có một hệ thống thể chế hoàn thiện trong thời gian tới để quản lý hiệu quả tài nguyên nước, phát triển tối đa hiệu quả các công trình thủy lợi”, ông Nguyễn Hồng Khanh kỳ vọng.
GS.TS Lê Hồng Hạnh, Tổng Biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) |
Phát biểu bế mạc hội thảo, GS.TS Lê Hồng Hạnh, Tổng biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết: Những ý kiến chia sẻ và khuyến nghị của các chuyên gia trong Hội thảo hôm nay không chỉ mang lại giá trị khoa học mà còn có ý nghĩa thực tiễn to lớn, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường, kinh tế và xã hội.
Những kết quả mà hội thảo đạt được sẽ là cơ sở quan trọng để các nhà nghiên cứu, nhà quản lý tiếp tục triển khai các giải pháp cải thiện hệ thống thể chế, hướng tới sự phát triển bền vững của Việt Nam.