Hoạt động của CLB Tình người có dấu hiệu tuyên truyền mê tín dị đoan, trục lợi
Mới đây nhiều “hội viên” Câu lạc bộ (CLB) Tình người có đơn tập thể gửi tới các cơ quan báo chí, cơ quan công an tố cáo về những hành vi, cách thức của CLB có rất nhiều biểu hiện không minh bạch, có dấu hiệu lừa đảo với số tiền lên tới nhiều tỷ đồng đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội.
Nhiều hội viên tố cáo hoạt động của CLB Tình người có biểu hiện mê tín, dị đoan nhằm trục lợi |
Liên quan tới sự việc trên, ngày 27/3, lãnh đạo Thành uỷ, UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, xử lý vi phạm các quy định pháp luật, báo cáo kết quả với Thường trực Thành ủy. Tiếp đến, ngày 29/3, tại Ban Tôn giáo Chính phủ đã tổ chức họp nhằm xác minh, thẩm định thông tin liên quan đến hoạt động của CLB Tình người; Đưa ra đánh giá, nhận định về tổ chức, hoạt động của CLB Tình người và các biểu hiện vi phạm pháp luật; định hướng công tác phối hợp với các ban, ngành chức năng liên quan để tập hợp thông tin và đề xuất xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.
Qua báo cáo kết quả thu thập thông tin và các ý kiến tại cuộc họp, các đại biểu thống nhất nhận định, CLB Tình người trực thuộc Công ty TNHH Phát triển trí tuệ cộng đồng không phải là tổ chức tôn giáo, không có mối liên hệ với bất kỳ tổ chức tôn giáo nào, người đứng đầu CLB cũng không phải là chức sắc tôn giáo. Chiếu theo khoản 5, Điều 5 của Luật tín ngưỡng, tôn giáo, hoạt động của CLB Tình người có dấu hiệu vi phạm Luật ở hai khía cạnh: lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để tuyên truyền mê tín dị đoan và có biểu hiện trục lợi.
Các buổi rao giảng của CLB Tình người có sự góp mặt của hàng trăm người. Ảnh: Báo Đại đoàn kết. |
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về vụ việc trên dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Pháp luật Việt Nam ghi nhận quyền tự do tín ngưỡng của mọi công dân. Tuy nhiên hoạt động tín ngưỡng cũng phải trên cơ sở các quy định của pháp luật để đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo an ninh quốc gia, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân. Pháp luật nghiêm cấm việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hành nghề mê tín dị đoan, tuyên truyền những điều nhảm nhí, xuyên tạc, bịa đặt gây hoang mang trong dư luận.
Theo Luật tín ngưỡng tôn giáo thì “Tôn giáo là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức”.
Tổ chức tôn giáo là tập hợp tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành của một tôn giáo được tổ chức theo một cơ cấu nhất định được Nhà nước công nhận nhằm thực hiện các hoạt động tôn giáo.
Tổ chức tôn giáo trực thuộc là tổ chức thuộc tổ chức tôn giáo, được thành lập theo hiến chương, điều lệ, quy định của tổ chức tôn giáo. Hoạt động tôn giáo là hoạt động truyền bá tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo và quản lý tổ chức của tôn giáo.
Luật sư Đặng Văn Cường trao đổi về vụ việc CLB Tình người bị tố hoạt động mê tính dị đoan, lừa đảo chiếm đoạt tài sản |
Điều 3 Luật tín ngưỡng tôn giáo quy định: Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; Bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của Nhân dân. Nhà nước bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo.
Điều 5 Luật tín ngưỡng, tôn giáo cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm như sau: Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo; Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo.
Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; Xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; Chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau; Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi…
Lực lượng chức năng tiến hành điều tra hoạt động của CLB Tình người |
Căn cứ các quy định trên cho thấy một doanh nghiệp khác với một cơ sở tôn giáo, hoạt động trong câu lạc bộ của tổ chức xã hội khác với hoạt động của doanh nghiệp. Bởi vậy trường hợp cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở hoạt động tôn giáo này mà xác định chưa được đăng ký theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp cũng không có chức năng nhiệm vụ thẩm quyền tổ chức thực hiện các hoạt động này thì cần phải xem xét trách nhiệm pháp lý.
Theo quy định của Luật doanh nghiệp thì doanh nghiệp là Pháp nhân hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp. Doanh nghiệp hoạt động ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh nào thì phải theo nội dung đăng ký kinh doanh. Việc một doanh nghiệp hoạt động tôn giáo trái phép thì có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, với các doanh nghiệp hoạt động vi phạm pháp luật thì có thể bị đình chỉ hoạt động, tước giấy phép…
Bởi vậy cơ quan chức năng sẽ kiểm tra hoạt động đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp này sẽ xem xét hoạt động kinh doanh có đúng quy định của pháp luật không, có kê khai nộp thuế không. Đồng thời xác định hoạt động tụ tập đông người tuyên truyền các tư tưởng tôn giáo có được thực hiện theo quy định của luật tín ngưỡng tôn giáo hay không. Trường hợp vi phạm luật tín ngưỡng tôn giáo, luật doanh nghiệp thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy theo hậu quả xảy ra mà hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.
Trường hợp phát hiện có căn cứ cho thấy có đối tượng đã đưa ra thông tin gian dối để chiếm đoạt tài sản của người nhẹ dạ cả tin, những người tin theo, nghe theo nhóm đối tượng đó mà số tiền chiếm đoạt từ 2triệu đồng trở lên thì có thể xem xét xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 174 bộ luật hình sự năm 2015.
Trường hợp người nào tổ chức để tuyên truyền những hoạt động mê tín dị đoan gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì có thể bị xử lý hình sự về tội hành nghề mê tín dị đoan theo điều 320 bộ luật hình sự năm 2015.
Cũng theo luật sư Đặng Văn Cường, để đáp ứng nhu cầu của nhiều người dân hiện nay về thành lập, tổ chức và hoạt động của câu lạc bộ, pháp luật Việt Nam đã ban hành những quy định về việc tổ chức, hoạt động và quản lí hội nói chung và việc tổ chức, hoạt động câu lạc bộ nói riêng.
Cụ thể, Nghị định số 45/2010/NĐ-CP Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội; Nghị định 33/2012/NĐ-CP ngày 13/4/2012 sửa đổi bổ sung Nghị định 45/2010/NĐ-CP về thành lập hội; Thông tư 03/2013/TT-BNV hướng dẫn Nghị định 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Nghị định 33/2012/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 45/2010/NĐ-CP do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành.
Người nào vi phạm quyền lập hội, lợi dụng danh nghĩa hội để hoạt động trái pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; trường hợp gây thiệt hại về vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Điều 320. Tội hành nghề mê tín, dị đoan1. Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm: a) Làm chết người; b) Thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng. |