Học viện Nông nghiệp Việt Nam đồng hành với địa phương phát triển nền nông nghiệp bền vững
Kết nối chuỗi giá trị hướng tới nền nông nghiệp xanh, bền vững TTTĐ - Với chủ đề: “Kết nối chuỗi giá trị - Hướng tới nền Nông nghiệp xanh và phát triển bền vững”, Hội chợ Triển ... |
Thúc đầy nền nông nghiệp bền vững
Ngày 17/3, tại Mộc Châu - Sơn La, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức Hội nghị “Học viện Nông nghiệp Việt Nam đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân vì một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn: Chủ đề 2: Chuyển giao công nghệ - Dịch vụ xã hội – Đào tạo nhân lực nông nghiệp trong thời kỳ 4.0.
Các đại biểu tham dự Hội nghị |
Phát biểu tại chương trình, GS.TS. Nguyễn Thị Lan, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Học viện cho biết: “Tây Bắc là vùng miền núi phía Bắc Việt Nam còn nhiều khó khăn trong phát triển hạ tầng, đặc biệt là giao thông. Song, đây lại là vùng có nhiều tiềm năng cho phát triển một nền nông nghiệp đặc hữu…
Những năm gần đây, các tỉnh trong vùng đã tập trung khai thác những tiềm năng, lợi thế cho hai Chương trình lớn bao trùm: Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Xây dựng nông thôn mới. Các kết quả đạt được đã làm thay đổi hẳn diện mạo của tỉnh.
Tuy vậy, về tổng thể nền nông nghiệp trong vùng vẫn dựa trên cơ cấu quy mô hộ nhỏ lẻ là chính. Theo GS.TS. Nguyễn Thị Lan, một số vấn đề mà tình Sơn La cần tháo gỡ trong việc ứng dụng khoa học vào nông nghiệp là: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông nghiệp làm cơ sở vững chắc cho sự phát triển quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất theo hướng hiện đại, tập trung; Ứng dựng khoa học và công nghệ trong tất cả các khâu của chu trình sản xuất, nhằm tạo ra chuỗi giá trị nông sản có giá trị cao nhất mà vẫn đảm bảo tính bền vững trong phát triển.
GS.TS. Nguyễn Thị Lan, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Học viện phát biểu tại Hội nghị |
Đây chính là nội dung mà Học viện Nông nghiệp Việt Nam mong muốn được đồng hành cùng các địa phương, bà con nông dân, các thành phần kinh tế để thúc đẩy một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn và hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh uỷ, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, Tỉnh luôn chú trọng nguồn nhân lực và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Để xây dựng tỉnh Sơn La phát triển nhanh và bền vững; trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm chế biến nông sản của vùng Tây Bắc, tỉnh đã và đang triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại các hợp tác xã nông nghiệp theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó có nhiệm vụ trọng tâm là: Nâng cao năng lực, nhận thức cho khu vực kinh tế tập thể; Hỗ trợ đưa lao động trẻ về làm việc tại tổ chức kinh tế tập thể: Hỗ trợ lương cho người lao động tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học về làm việc tại các tổ chức kinh tế tập thể; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học công nghệ, có chính sách trọng dụng và phát triển đối với lực lượng nghiên cứu khoa học…;
Bí thư Tỉnh uỷ Sơn La cũng đề nghị Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với tỉnh Sơn La: Triển khai các phương án để tuyển sinh học sinh của tỉnh Sơn La vào học tập tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam…; Hợp tác nghiên cứu, chuyển giao, liên kết ứng dụng các công nghệ sinh học, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, nông nghiệp chính xác, nông nghiệp số, vật liệu mới…; Tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng chuyên sâu về công nghệ thông tin, sử dụng dịch vụ số an toàn trên không gian mạng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế ở khu vực nông thôn…
Mong được tiếp cận công nghệ hiện đại
Tại hội nghị, người nông dân ở nhiều tỉnh thành đã bày tỏ băn khoăn về các bệnh của cây trồng và kiến nghị cơ quan chức năng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, ứng dung công nghệ cao trong việc nuôi trồng và sản xuất nông sản.
Đại diện hợp tác xã cam cao phong, tỉnh Hoà Bình chia sẻ: Cam Cao Phong đang ở cuối vụ thu hoạch nên có nhiều bệnh, mong Học viện Nông nghiệp hướng dẫn cách để cải tạo bệnh của cây cam; Hàng năm Học viện cử cán bộ và sinh viên thực tập về hợp tác xã cam cao phong để các bạn trẻ có thể đưa những công nghệ hiện đại về ứng dụng vào nuôi trồng và thu hoạch cây cam.
Tại Hội nghị, nhu cầu nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao, các thành tựu khoa học công nghệ, cùng hàng trăm chỉ tiêu phân tích đạt chứng nhận Vilas của 6 phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO 17025:2017 đã được thảo luận và giới thiệu gồm: Phòng thí nghiệm (PTN) trọng điểm Công nghệ sinh học Thú y; Phòng thí nghiệm trung tâm về Khoa học và Công nghệ thực phẩm; Phòng thí nghiệm đánh giá chất lượng Đất và Phân bón; Phòng thí nghiệm Môi trường; Phòng thí nghiệm trung tâm khoa Chăn nuôi; Phòng phân tích kiểm nghiệm – Viện nghiên cứu Tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, năng lực nghiên cứu và dịch vụ xã hội của 2 mô hình: bệnh viện cây trồng và bệnh viện thú y cũng được ra mắt.
Các viện nghiên cứu, PTN này không chỉ phục vụ cho nghiên cứu chuyên sâu, tạo công nghệ mới mà còn là địa chỉ tin cậy, được hàng trăm doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tin tưởng hợp tác trong đánh giá, phân tích chất lượng nông sản, thực phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm; phân tích chất lượng đất, phân bón và môi trường, hay các dịch vụ phân tích, chẩn đoán bệnh trên cây trồng vật nuôi, nghiên cứu sản xuất vaccine, chế phẩm sinh học phòng ngừa bệnh tật trên trên gia súc, gia cầm…
Hội nghị cũng diễn ra lễ Ký kết hợp tác giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam và các Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La, Sở GD&ĐT Sơn La, sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Sơn La cùng công ty CP giống bò sữa Mộc Châu, Công ty Du lịch 26 Mộc Châu.