Hội chợ Làng nghề Việt Nam: Hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc
Đây là hoạt động thường niên, có ý nghĩa quan trọng nhằm quảng bá, tuyên dương các làng nghề, phố nghề truyền thống; các nghệ nhân, thợ giỏi có các sản phẩm tiêu biểu, giới thiệu các mô hình làng nghề, phố nghề độc đáo khắp cả nước; kết nối tiêu thụ các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP. Tạo môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức về sản xuất kinh doanh các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và kết nối các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ sản phẩm.
Các đại biểu lễ khai mạc "Hội chợ Làng nghề Việt Nam lần thứ 20 năm 2024" |
Phát biểu tại buổi lễ khai mạc ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp cho biết: Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có khoảng hơn 5.400 làng nghề, số lượng làng nghề ở miền bắc chiếm gần 40%, tập trung nhiều nhất ở Vùng đồng bằng sông Hồng với khoảng 1.500 làng; trong đó khoảng 300 làng đã được công nhận là làng nghề truyền thống.
Trải qua lịch sử hình thành hàng trăm năm, đây là nơi sản sinh và lưu giữ nghề truyền thống với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc, cùng với đó là những giá trị về cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc, di sản... mang đến tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế và du lịch nông thôn Việt Nam. Việc phát triển các ngành nghề ở nông thôn một cách bền vững sẽ tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lao động nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp phát biểu tại lễ khai mạc |
Hội chợ lần này sẽ diễn ra từ ngày 3 - 6/10, tại Trung tâm Triển lãm Nông nghiệp (số 489 đường Hoàng Quốc Việt, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Hội chợ với quy mô 100 gian hàng, được trưng bày, giới thiệu sản phẩm được thiết kế, trang trí đặc biệt với sự tham gia của gần 100 đơn vị, doanh nghiệp cả nước, trong đó có 31 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Giang, Thanh Hóa, Phú Thọ, Nghệ An; các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng, Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ…
Các sản phẩm mang tới Hội chợ gồm nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng của các làng nghề, phố nghề truyền thống như: Gốm sứ Bát Tràng, tơ tằm Mỹ Đức, thêu ren Thường Tín, đồ gỗ Canh Nậu, tò he Xuân La, mây tre đan Phú Vinh, nón lá làng Chuông, sơn mài Hạ Thái, khảm trai Chuôn Ngọ...
Ngoài ra, Hội chợ còn trưng bày nhiều sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, hữu cơ, tiêu biểu, chủ lực và các sản phẩm tiềm năng của địa phương trong cả nước.
Ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phát biểu tại lễ khai mạc |
Đặc biệt, hội chợ còn bố trí khu thao diễn nghề thủ công mỹ nghệ tiêu biểu với 8 gian hàng đặc biệt bằng chất liệu tre với 8 nghệ nhân đại diện cho 8 nhóm ngành hàng thủ công mỹ nghệ tham gia thao diễn trực tiếp tại hội chợ: Nghề chạm khắc bạc, thêu, dệt thổ cẩm, dệt lụa, đục tượng gỗ, nghề mây tre đan, khảm trai, nặn tò he.
Nhằm đa dạng hoá các hình thức xúc tiến thương mại, mở ra thị trường mới, gia tăng cơ hội tiếp cận khách hàng và mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội cho các địa phương, điểm nhấn tại Hội chợ là hoạt động livestream bán sản phẩm Làng nghề và các nông sản đặc sản, sản phẩm OCOP trên nền tảng TikTok.
Người dân, du khách tham quan và mua sắm tại các gian hàng |
Cũng trong khuôn khổ hội chợ, Ban tổ chức sẽ hỗ trợ kinh phí tổ chức đưa các đoàn nghệ nhân, thợ thủ công, cán bộ nông nghiệp các địa phương đến tham quan và học tập tại Hội chợ. Thông qua các hoạt động tiếp cận với các doanh nghiệp, các thợ thủ công, cán bộ nông nghiệp tại các địa phương sẽ học hỏi, tìm hiểu thông tin về ngành nông nghiệp, các liên kết chuỗi giá trị, nhu cầu của thị trường, các xu hướng mới trong sản xuất nông nghiệp bền vững.
Ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, sau gần 6 tháng triển khai, phát động, Hội thi sản phẩm làng nghề thành phố Hà Nội năm 2024 (lần thứ 2) đã thu hút hơn 287 tác phẩm, bộ tác phẩm của 133 tổ chức, cá nhân, nghệ nhân, thợ giỏi ở 23 quận, huyện, thị xã tham gia. Theo quy chế, Hội đồng giám khảo đánh giá, lựa chọn, phân hạng, tôn vinh và trao tặng 61 giải thưởng cho các tác phẩm dự thi, bao gồm: 1 giải đặc biệt, 5 giải nhất, 10 giải nhì, 15 giải ba và 30 giải khuyến khích cho 5 nhóm sản phẩm làng nghề.
"Hội chợ Làng nghề Việt Nam lần thứ 20 năm 2024" là nơi kết nối tiêu thụ các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP |
Cũng theo Phó Giám đốc Nguyễn Đình Hoa, năm 2024 này ghi nhận các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tham dự đều có tính sáng tạo, tiêu biểu, tinh hoa, thẩm mỹ, mang giá trị truyền thống, có tính thương mại...
Đặc biệt, có tính thân thiện với môi trường, ưu tiên sử dụng nguyên liệu tái chế, sản phẩm có thiết kế kiểu dáng đẹp, độc đáo, có giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ tốt, có hoa văn họa tiết và màu sắc độc đáo và tính văn hóa truyền thống. Xuất hiện nhiều các sản phẩm nhỏ, gọn, tinh xảo để làm quà tặng, quà biếu và đồ lưu niệm cho khách du lịch; sản phẩm mang đậm nét truyền thống truyền tải và thể hiện được nét văn hóa riêng của Hà Nội.
Hiện, cả nước có trên 5.000 làng nghề và làng có nghề đang hoạt động; trong đó số làng nghề truyền thống được công nhận theo tiêu chí làng nghề hiện nay của Chính phủ là trên 2.000, thu hút khoảng 1,58 triệu lao động với thu nhập bình quân khoảng 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Có nhiều làng tồn tại từ 500 - 1.000 năm lại đây, trở thành những làng nghề tiêu biểu, được cả nước và thế giới biết đến, như lụa Vạn Phúc, tranh Đông Hồ, gốm sứ Bát Tràng... |