Làng nghề gìn giữ hồn thiêng sông núi
Hà Nội rực rỡ cờ hoa chào mừng Quốc khánh Linh thiêng lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên biển TP Hồ Chí Minh rực rỡ sắc cờ đỏ chào mừng Quốc khánh |
Thiêng liêng nghề may cờ Tổ quốc
“Từng đường kim, mũi chỉ như gắn kết tình yêu đất nước của những con người nơi đây”, anh Nguyễn Quang Phục, xã Lê Lợi (huyện Thường Tín, Hà Nội) tự hào khi kể về công việc của mình. Là thế hệ thứ tư làm nghề may cờ Tổ quốc, anh Phục vẫn tiếp tục duy trì và phát huy truyền thống của gia đình.
Làng Từ Vân từ xưa luôn tự hào khi được đóng góp những lá cờ vào các sự kiện lịch sử, ngày lễ lớn của đất nước |
Mỗi năm, cứ đến dịp Quốc khánh, cơ sở sản xuất của anh Phục lại phải tuyển thêm nhân công để kịp tiến độ sản xuất cung ứng những lá cờ ra thị trường. “Hiện gia đình tôi không còn làm cờ thêu truyền thống mà tập trung vào việc in cờ Tổ quốc, cờ dây và cờ vẫy. Trung bình mỗi gia đình may hàng nghìn chiếc cờ. Phần lớn khách hàng gửi đơn hàng qua email, sau đó, tôi sẽ thiết kế cho phù hợp và tiến hàng in ấn”, anh Phục kể.
Theo anh Phục, để có được một lá cờ đẹp phải trải qua nhiều công đoạn như pha vải, đo, cắt, chèn sao, khâu thêu... Sau khi cắt cờ xong, những người thợ sẽ dùng sơn vàng để in màu. Tùy nội dung mà mỗi lá cờ có các câu chữ khác nhau. Cờ sau khi in chữ được mang đi phơi khô. Vào những ngày trời mưa, phải dùng máy sấy. Cực nhất trong giai đoạn này là người thợ không được ngồi quạt hay điều hòa vì sẽ làm bay cờ, in chữ không chính xác.
Dù lá cờ, băng rôn, khẩu hiệu với kích thước lớn hay nhỏ đều có các mẫu khuôn hình, chữ… tương đương, để việc sản xuất được nhanh chóng và sắc nét |
Các hộ sản xuất quy mô lớn tại Từ Vân hiện nay cũng đều trang bị máy móc hiện đại, lập trình tự động trên máy tính nên độ chính xác cao, tốc độ cắt vải nhanh mà chi tiết lại sắc nét hơn và cũng đáp ứng kịp các nhóm hàng lớn. Tuy nhiên, họ cũng không hoàn toàn phụ thuộc vào máy móc, bởi một số công đoạn như in sao vàng trên cờ vẫn sử dụng kĩ thuật thủ công.
Mặc dù không khí sản xuất tấp nập nhưng những lá cờ, băng rôn, khẩu hiệu vẫn phải được làm tỉ mỉ từng công đoạn, đúng tiêu chuẩn. Bởi mỗi sản phẩm được hoàn thiện chứa đựng niềm tin, niềm hi vọng và niềm tự hào của người dân Việt Nam.
Chăm chút từng đường kim, mũi chỉ
Anh Nguyễn Quang Phục là thế hệ thứ tư trong gia đình có truyền thống làm nghề may cờ Tổ quốc |
Nếu như trước đây, làng Từ Vân có vài chục hộ may cờ thì nay chỉ còn gần 10 hộ lành nghề nhất với hơn 100 nhân công. Động lực cho họ tiếp tục giữ gìn nghề truyền thống này đơn giản chính là niềm tự hào khi đã dệt nên một phần linh hồn của dân tộc.
Gia đình chị Vương Thị Nhung ở xã Lê Lợi (huyện Thường Tín, Hà Nội) là một trong số ít những hộ thực hiện công việc may và thêu cờ theo cách thủ công. Với chị tất cả các khâu từ chọn vải, chỉ may, thêu, làm logo, huy hiệu trên mỗi lá cờ đều không được phép chênh lệch.
Hàng chục nghìn lá cờ đủ kích cỡ đều đang được gấp rút hoàn thành vào dịp Quốc khánh |
Bước vào khoảng sân nhỏ, 4 khung thêu được bày dọc sân. Tấm vải đỏ kéo căng hết cỡ, hai bên, mọi người chụm đầu tỉ mẩn thêu ngôi sao 5 cánh từ những sợi chỉ vàng. Người lớn tuổi nhất đã hơn 70 tuổi, người nhỏ nhất sắp lên 9, ai nấy đều cặm cụi với đường chỉ để cho ra những sản phẩm cờ đỏ sao vàng.
“Dù trong làng nhiều hộ đã dùng máy, gia đình tôi vẫn cần mẫn từng mũi kim, sợi chỉ tự tay thêu bởi công nghệ có thể thay được nhiều bước nhưng trong việc tạo hình ngôi sao vàng 5 cánh thì không. Dù vất vả nhưng khi được tự tay thêu lên lá cờ, tôi cảm thấy ý nghĩa hơn rất nhiều.
Những là cờ Tổ quốc được thêu tay thủ công |
Trong gia đình tôi, con cháu cứ tới tuổi là biết xỏ kim, tỉ mẩn ngồi khâu đính. Qua thời gian, khách hàng tìm tới đặt hàng đều do tin tưởng chất lượng. Các sản phẩm may, thêu được khách đặt làm dày đặc, các lá cờ cỡ lớn phải báo làm trước cả năm”, chị Nhung kể.
Được biết, vải may cờ phải là vải sa mua từ làng La Khê (Hà Đông). Chỉ thêu phải đúng loại lấy ở làng Triều Khúc (Thanh Trì). Đây đều là những nguyên liệu chất lượng cao để tạo nên một lá cờ bền đẹp, tinh tế. Chính vì vậy, cờ của gia đình chị Nhung không chỉ thu hút các cơ quan trong TP Hà Nội, mà còn trải dài từ Bắc vào Nam với số lượng đơn hàng lớn.
Các em nhỏ trong làng cũng vô cùng thích thú khi được người lớn dạy làm cờ |
Trung bình, một lá cờ Tổ quốc, Quân kỳ thêu mất khoảng 2 - 3 ngày để hoàn thành, những người chưa thạo nghề có khi mất đến cả tuần. Từng đường kim mũi chỉ được thêu nên cờ phải đạt độ chính xác rất cao. Chính vì vậy, giá thành của một lá cờ thêu tay từ 600.000 - 1 triệu đồng, tùy kích cỡ, cao hơn nhiều lần so với cờ được may bằng máy. Tuy nhiên, đây lại là sản phẩm được nhiều người ưa thích bởi độ bền về chất liệu và sắc nét về vẻ đẹp.
"Tự tay thêu cũng vất lắm, ngồi nhiều cũng đau lưng, mỏi mắt nhưng mỗi lá cờ thêu xong lại thấy ý nghĩa vô cùng, không yêu nghề không làm được đâu", chị Nguyễn Thị Xếp, thợ thêu đã gắn bó với nghề 30 năm chia sẻ.
Hiện nay nhiều người trẻ lựa chọn theo nghề truyền thống của làng |
Dạy những đứa trẻ trong làng biết đến thêu từ sớm và trả lương để chúng hiểu về giá trị của làng nghề là cách chị Nhung giữ lửa nghề cho các thế hệ. Khéo léo đâm mũi kim lên xuống, em Đặng Thị Yến cho biết: "Cứ mỗi dịp lễ, bọn em lại qua đây giúp bác Nhung may cờ. Ngày nào cũng thêu từ sáng đến tối, tầm 3 ngày mới xong một sản phẩm. Vì là ngày nghỉ nên em cũng có nhiều thời gian rảnh và cũng muốn được rèn nghề cho quen tay để tiếp nối nghề truyền thống".
Cờ đỏ sao vàng rực rỡ phố phường
Ông Nguyễn Văn Kỳ (ở thôn Từ Vân, xã Lê Lợi) cho biết, hiện nay, những sản phẩm cờ của làng Từ Vân không chỉ cung cấp cho hầu hết các cửa hàng ở Thủ đô Hà Nội mà còn xuất đi nhiều địa phương trên cả nước với số lượng lớn.
“Trong những năm kháng chiến, lá cờ tung bay cùng với giai điệu của khúc hành quân đã cổ vũ tinh thần toàn quân, toàn dân ta làm nên những chiến thắng vẻ vang. Sau này, cờ đỏ sao vàng vẫn mãi là hình ảnh thiêng liêng mang hồn đất nước. Những lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió có mặt ở mọi miền Tổ quốc, khẳng định nền độc lập, chủ quyền của Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Kỳ bồi hồi nhớ lại.
Những là cờ Tổ quốc rực rỡ tung bay hoà chung trong không khí chào mừng kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 |
Trong không khí rộn ràng của ngày Quốc khánh, Thủ đô Hà Nội như khoác lên mình tấm áo mới rực rỡ sắc màu. Đâu đâu cũng thấy những lá cờ Tổ quốc tung bay phấp phới. Đặc biệt, những lá cờ mang đậm dấu ấn của Từ Vân - làng nghề may cờ truyền thống, lại càng trở nên nổi bật.
Dù bằng cách ứng dụng máy móc hay sản xuất thủ công trong các sản phẩm, những lá cờ của làng Từ Vân vẫn chứa đựng bao sự tỉ mỉ, cần mẫn, tài hoa và lòng yêu nghề, yêu Tổ quốc của những người thợ trẻ mang trong mình tình yêu, niềm tự hào và cả ý thức giữ gìn văn hoá truyền thống, trách nhiệm với đất nước trong thời đại mới.