Tag

Hơi thở nghệ thuật truyền thống của pho tượng Thánh tổ Hoàng đế An Dương

Người Hà Nội 31/01/2023 12:45
aa
TTTĐ - Trong 27 bảo vật quốc gia vừa được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 30/1/2023 công nhận, Pho tượng Thánh tổ Hoàng đế An Dương là biểu hiện sinh động giữa nghệ thuật tượng thờ danh nhân với tượng thờ thánh, thần. Tác phẩm vừa gần gũi, vừa tôn nghiêm, vừa linh thiêng, vừa huyền bí, đậm chất tôn vinh, được lồng ghép với tín ngưỡng và tôn giáo, mang sức sống và hơi thở của nghệ thuật truyền thống.
Chương trình nghệ thuật "Ngọn Chung Linh” - khơi dậy hào khí Thăng Long

Phong thái ung dung, đường bệ, uy nghi

Theo Ban quản lý Khu di tích Cổ Loa, Pho tượng Thánh tổ Hoàng đế An Dương được đúc bằng hợp kim đồng với kỹ thuật đúc bằng khuôn sáp (sáp ong). Tượng lòng rỗng, trong tư thế ngồi trên bệ, liền khối, hình trụ, hai tay cầm hốt với phong thái ung dung, đường bệ, uy nghi.

Vua đội mũ bình thiên hai cấp, trang trí "lưỡng long chầu nhật". Khuôn mặt vua vuông chữ "điền", mang phong cách của nghệ thuật tượng chân dung.

Pho tượng Thánh tổ Hoàng đế An Dương
Pho tượng Thánh tổ Hoàng đế An Dương

Vua mặc áo long bào cổ cao, hai tay cầm hốt để trước ngực, diềm áo chảy xuống tới tận mũi hài; Thân đeo đai ngọc to bản trễ xuống, chân đi hài mũi cong.

Hoa văn trang trí trên long bào được sắp đặt theo bố cục đăng đối, ở mặt trước và sau, bên phải, bên trái. Điểm nhấn của hoa văn trang trí trên long bào được phân thành các chủ đề khác nhau như: Lưỡng long chầu nhật, rồng cuộn, mây hóa, trăng, sao, rồng hóa, chim phượng, chim công, cỏ cây, hoa lá, sóng nước, và những biểu tượng thiêng khác...

Các dòng minh văn chữ Hán được khắc và dát vàng: 聖祖安陽皇帝 "Thánh tổ An Dương Hoàng đế" (Thánh tổ Hoàng đế An Dương) ở vị trí hộ tâm tròn, mài nhẵn dưới bụng; 丁酉年五月十六日鑄 "Đinh Dậu niên, ngũ nguyệt thập lục nhật chú", tức đúc ngày 16 tháng 5 năm Đinh Dậu (1897), 銅像二百五十五斤 "Đồng tượng nhị bách ngũ thập ngũ cân" (nghĩa là: Tượng đồng nặng 255 cân) ở hai “lưỡi xén” sau lưng pho tượng.

Hiện vật gốc, độc bản, có tính độc đáo cao

Năm 1893, trong lần trùng tu đền Thượng, các cụ làng Cổ Loa có đào được tại đền Thượng một kho đồng, Nhân dân cho rằng, đó là kho đồng thiêng của nhà vua nên đã đem đúc tượng, phục vụ cho việc thờ cúng, tế lễ tại đền. Đến năm 1897 thì đúc xong nên đây là hiện vật gốc.

Tượng Đức vua An Dương Vương được đúc bằng đồng là pho tượng duy nhất, chưa từng thấy ở bất cứ di tích thờ An Dương Vương nào trên đất nước ta, kể từ xưa cho đến nay nên là hiện vật độc bản.

Hình thức độc đáo ở đây thể hiện qua kỹ thuật đúc tượng, hình thức trang trí hoa văn, diễn tả được đầy đủ, toàn diện hình thể của một bức tượng chân dung và thể hiện được phong thái, cốt cách của một vị thần chủ - vua An Dương Vương.

Khu di tích Cổ Loa
Khu di tích Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội)

Trên hoa văn của mũ tượng biểu hiện về thế lực tầng trên. Ở thành đứng 2 bên của cấp trên có đôi rồng nhỏ chầu vào chính giữa là 3 hoa cúc, mỗi hoa đều thể hiện 3 lớp cánh lồng nhau. Phía sau mũ đúc nổi chính tâm là hoa cúc lồng 3 lớp cánh - biểu tượng của mặt trời, 4 góc là rồng chầu về bông cúc này, có ý nghĩa như "rồng chầu mặt trời", chính là biểu tượng cho vương quyền.

Trong tạo hình, người ta đã chú ý đến khoảng không cần thiết để tạo nên tính linh thiêng tối đa. Hình tượng này như muốn nói về Thánh tổ luôn nghĩ tới hạnh phúc của thế gian và chúng sinh. Thành mũ ở tầng dưới là đôi rồng chầu về phía mặt trời.

Khuôn mặt Thánh tổ được tạo tác khá cẩn trọng, theo những quy chuẩn đầy tính biểu tượng, với đôi mắt tuy mở rõ, nhưng vẫn như nhìn xuống, có đôi chút ảnh hưởng của triết học Phật giáo, để soi rọi nội tâm và hướng con người tới thiện tâm. Đỉnh tai của tượng cao hơn lông mày chút ít, mũi đầy đặn cân đối, biểu hiện của người có trí tuệ cao của bậc chính nhân quân tử. Đặc biệt miệng hơi mỉm cười mà ở góc độ nhân tướng học, đó là nụ cười cảm thông và cứu độ.

Trên hai đầu gối của tượng Thánh tổ Hoàng đế An Dương, được trang trí bốn vòng tròn trên to, dưới nhỏ, đúc nổi chữ Á 亞 theo kiểu triện và hoa văn rồng ổ. Đó là chữ thể hiện người phò tá cho Phật. Hoàng đế An Dương vẫn là vị vua có công lao với đất nước trong con mắt của cộng đồng.

Thánh tổ đi hài, mũi cong, đầu mũi hài có đúc hình hoa cúc mãn khai nổi. Nhiều nhà nghiên cứu tôn giáo gọi đây là "vân xảo", nhờ nó mà thần có thể bay xa. Bệ tượng hình gần trụ, được đúc rỗng và trổ thủng ở 2 bên hình mây cách điệu. Lối đúc tượng ngồi trên bệ, không trên long ngai là một hiện tượng hiếm gặp, khi nhà vua đã hóa thân thành thần và Phật.

Như vậy, ngoài nghệ thuật tạo tượng mang phong cách chân dung, pho tượng Thánh tổ Hoàng đế An Dương còn vương vấn những yếu tố của tinh thần Phật - Đạo, khiến cho tác phẩm vừa gần gũi, vừa tôn nghiêm, vừa linh thiêng trong mối giao hòa giữa đời và đạo.

Nghệ thuật trên pho tượng Thánh tổ Hoàng đế An Dương tại đền Thượng xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội có niên đại cuối thời Nguyễn, nhưng gắn với nghệ thuật tạc tượng, nghệ thuật trang trí, nghệ thuật đúc tượng đã tạo nên một tác phẩm đầy sức sống tại chính ngôi đền thờ phụng Thánh tổ Hoàng đế An Dương, tại chính ngôi thành - nơi cố đô của Nhà nước Âu Lạc.

Pho tượng là biểu hiện sinh động giữa nghệ thuật tượng thờ danh nhân với tượng thờ Thánh, Thần, thông qua những ngôn ngữ ẩn chứa từ những họa tiết hoa văn trang trí, khiến cho tác phẩm vừa gần gũi, vừa tôn nghiêm, vừa linh thiêng, vừa huyền bí, đậm chất tôn vinh, được lồng ghép với tín ngưỡng và tôn giáo.

Bức tượng mang sức sống và hơi thở của nghệ thuật truyền thống, được tiếp nối qua hàng nghìn năm lịch sử, do đó, được Nhân dân cả nước tôn vinh như một niềm tự hào kiêu hãnh.

Giá trị biểu tượng của pho tượng Thánh tổ Hoàng đế An Dương, tại một ngôi đền linh thiêng như đền Thượng, trong Di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa, phải được tôn vinh hàng đầu, bên cạnh những giá trị nghệ thuật được gửi gắm từ tiền nhân qua pho tượng độc đáo này.

Có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học của dân tộc

Pho tượng Đức vua An Dương Vương là hiện thân của vị vua lập nên Nhà nước Âu Lạc (thế kỷ III TCN), định đô ở Cổ Loa, lãnh đạo Nhân dân đắp thành kiên cố, chống giặc và phát triển nền sản xuất, đặc biệt có nhiều thành tựu trong nghệ thuật quân sự, kỹ thuật luyện kim đúc đồng, chế tạo nông cụ và nông nghiệp lúa nước nên có giá trị lịch sử cao.

Lễ hội đền Cổ Loa
Lễ hội đền Cổ Loa

Tượng ngài gắn với lễ hội đền Cổ Loa - lễ hội Bát xã Loa thành, mang giá trị biểu tượng, biểu hiện của truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, thờ những người có công với đất nước như một hằng số của người Việt nên mang giá trị văn hóa cao.

Tượng Đức vua được đúc bằng phương pháp thủ công truyền thống, với kỹ thuật đúc bằng khuôn sáp. Các công đoạn, quy trình đúc phức tạp, tỉ mỉ, từ lúc tạo mẫu, dùng sáp ong tạo hoa văn cho đến khi nung khuôn, sửa nguội.

Điều khác lạ của pho tượng Đức vua An Dương Vương là người xưa đã đúc ngài trong tư thế ngồi trên bệ, hình trụ, không phải trên long ngai như những pho tượng thờ khác, thể hiện sự gần gũi với cộng đồng vì thế mang giá trị tiêu biểu về khoa học phản ánh kỹ thuật và nghệ thuật đúc đồng truyền thống của người Việt.

Với tất cả những lý do đó, Pho tượng Đức vua An Dương Vương đã được công nhận là bảo vật quốc gia.

Đọc thêm

Tài năng trẻ góp công sức và tình yêu sáng tạo cho thành phố Nhịp điệu cuộc sống

Tài năng trẻ góp công sức và tình yêu sáng tạo cho thành phố

TTTĐ - Tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm nay, các tài năng trẻ có mặt ở khắp các nhóm từ nghệ sĩ, kiến trúc sư, giám tuyển đến điều phối viên... đang ngày đêm miệt mài làm việc, cống hiến sức lực cho sự thành công của sự kiện. Thông qua đó, tinh thần sáng tạo trẻ được khơi dậy, lan tỏa, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.
Tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng khu dân cư phát triển Người Hà Nội

Tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng khu dân cư phát triển

TTTĐ - Chiều 16/11, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại liên khu dân cư xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm.
Thích thú trải nghiệm “những lần đầu tiên” hiếm có của Hà Nội Người Hà Nội

Thích thú trải nghiệm “những lần đầu tiên” hiếm có của Hà Nội

TTTĐ - Diễn ra trong 9 ngày (từ 9/11 - 17/11), Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội mở ra những cơ hội khám phá những di tích lịch sử, công trình di sản cũng như không gian sáng tạo chưa từng có.
Bài toán về xây dựng Công viên văn hóa ven sông Hồng Người Hà Nội

Bài toán về xây dựng Công viên văn hóa ven sông Hồng

TTTĐ - Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đã có quy định tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống phù hợp với Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô. TP Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch. Song, hiện tại, để “giấc mơ” Công viên văn hóa đa chức năng ven sông Hồng thành hiện thực, rất nhiều vấn đề đặt ra cần phải giải quyết.
Văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Thủ đô có ý nghĩa quan trọng Người Hà Nội

Văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Thủ đô có ý nghĩa quan trọng

TTTĐ - Việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Thủ đô đóng vai trò quan trọng trong quá trình tổ chức thực thi luật, giúp các quy định pháp luật thực sự đi vào đời sống.
Tỏa sáng tinh thần hiếu học, đề cao tri thức và đạo làm người Người Hà Nội

Tỏa sáng tinh thần hiếu học, đề cao tri thức và đạo làm người

TTTĐ - “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, truyền thống tôn sư trọng đạo ngàn đời của cha ông ta trong thời hiện đại càng được người Hà Nội phát huy, tỏa sáng, thể hiện tinh thần hiếu học, đề cao tri thức và đạo làm người.
Thầy nêu gương, trò chuẩn mực Người Hà Nội

Thầy nêu gương, trò chuẩn mực

TTTĐ - Trong những mái trường tại Hà Nội, văn hóa ứng xử có nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo để nhân lên những việc làm tốt, hành động đẹp, giáo dục nếp sống cho thế hệ trẻ, góp phần xây dựng hình ảnh con người Thủ đô đẹp và văn minh hơn.
Đường sắt tốc độ cao: Cần tăng cường nguồn lực tư nhân Giao thông

Đường sắt tốc độ cao: Cần tăng cường nguồn lực tư nhân

TTTĐ - Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, bên cạnh nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn Nhà nước huy động thì cần tăng cường nguồn lực đầu tư tư nhân để làm dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Phát huy tinh thần đoàn kết, xây dựng Thanh Trì văn minh, hiện đại Người Hà Nội

Phát huy tinh thần đoàn kết, xây dựng Thanh Trì văn minh, hiện đại

TTTĐ - Tối 12/11, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải đã đến dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cùng cộng đồng dân cư Thôn 1, xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì. Cùng dự có đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội và lãnh đạo huyện Thanh Trì.
Chuyển biến rõ nét từ nghị quyết “5 có, 3 không” Người Hà Nội

Chuyển biến rõ nét từ nghị quyết “5 có, 3 không”

TTTĐ - Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, huyện Đông Anh đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Huyện ban hành những nghị quyết chuyên đề như nghị quyết "5 có, 3 không", nhờ đó, đời sống văn hóa cơ sở được nâng cao, các thiết chế văn hóa được đầu tư và phát huy hiệu quả.
Xem thêm