Hướng tới trung tâm logistics của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Ga Sóng Thần sẽ thành trung tâm logistics, kết nối Bình Dương với các nước Bình Dương: “Đất lành” cho nhà đầu tư Thành phố thông minh Bình Dương: “Đất lành” để sống |
Thời gian vừa qua, Bình Dương đã khởi công hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm để hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm logistics của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cụ thể, tỉnh đã và đang triển khai hàng loạt các công trình giao thông trọng điểm như Quốc lộ 13, cao tốc Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, nút giao Sóng Thần (phường An Bình, TP Dĩ An)...
Các dự án này sau khi hoàn thành sẽ giải quyết các “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, giúp giảm chi phí logistics.
Bình Dương đã khởi công hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm để hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm logistics của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam |
Bên cạnh hệ thống đường bộ kết nối liên vùng, Bình Dương có nhiều lợi thế để phát triển dịch vụ logistics như luôn nằm trong top đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian qua. Với việc phát triển nhanh các khu công nghiệp, Bình Dương được coi là mảnh đất rất “màu mỡ” cho doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực logistics.
Rất nhiều doanh nghiệp FDI quan tâm đầu tư vào logistics tại Bình Dương. Các dự án đầu tư logistics vào tỉnh ngày càng có quy mô lớn, mức độ chuyên môn hóa cao, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển.
Một trong những dự án nổi bật là Trung tâm Thương mại điện tử xuyên biên giới (75ha), do Tập đoàn Warburg Pincus (Mỹ) và đối tác liên doanh Becamex IDC đầu tư tại Thành phố mới Bình Dương, bao gồm các khu nhà xưởng công nghệ cao, kho chứa hàng vận chuyển bằng đường hàng không, kho thương mại điện tử xuyên biên giới, kho ngoại quan…
Bên cạnh đó, tỉnh còn có nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư các dự án hạ tầng logistics vào Bình Dương như: Tập đoàn Schenker - Gemadept Logistics, Kerry Interrated Logistics, Yusen Logistics, FM Logistics, Lazada Logistics…
Tập đoàn Warburg Pincus (Mỹ) và đối tác liên doanh Becamex IDC đầu tư Trung tâm Thương mại điện tử xuyên biên giới (75 ha) tại Thành phố mới |
Xác định rõ tầm quan trọng của việc phát triển logistics đối với sự phát triển kinh tế, những năm qua, tỉnh Bình Dương đã hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển lĩnh vực này. Bình Dương đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển các phương thức vận tải xuyên biên giới, tham gia chuỗi cung ứng bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp logistics nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ, kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu…
Ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, Bình Dương quyết tâm trở thành trung tâm logistics vệ tinh của vùng Đông Nam bộ. Tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển các phương thức vận tải xanh, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Giữa tháng 5/2023, Bình Dương làm việc với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để bàn về kế hoạch xây dựng ga Sóng Thần thành trung tâm logistics của tỉnh và vùng Đông Nam bộ. Ngày 27/9, tỉnh Bình Dương chính thức xuất khẩu lô hàng hóa đầu tiên bằng đường sắt đi Trung Quốc từ ga Sóng Thần (TP Dĩ An). Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, nhằm tăng cường năng lực xuất nhập khẩu hàng hóa không chỉ với Bình Dương mà cho cả khu vực phía Nam, thông qua ga liên vận quôc tế Sóng Thần.
Ga Sóng Thần chính thức xuất khẩu hàng hóa bằng đường sắt đi Trung Quốc |
Ông Nguyễn Đình Hiệu, Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương, ga liên vận quôc tế Sóng Thần mở ra phương thức vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu mới hiệu quả hơn, an toàn hơn, tiết kiệm chi phí, có thể dễ dàng tiếp cận đến các trung tâm công nghiệp, sản xuất hàng hóa, nguyên liệu phụ trợ của Trung Quốc như Quảng Châu, Côn Minh... Việc hướng doanh nghiệp mở rộng thêm phương thức vận chuyển bằng đường sắt sẽ giúp tiết giảm chi phí vận chuyển, rút ngắn thời gian giao nhận hàng hóa.
Với thế mạnh về phát triển công nghiệp, Bình Dương xác định, đẩy mạnh dịch vụ logistics là nền tảng để thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy liên kết, hội nhập kinh tế quốc tế, trở thành trung tâm logistics của khu vực phía Nam.
UBND tỉnh Bình Dương đang hoàn thiện dự thảo kế hoạch phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn đến năm 2025, định hướng 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa từ nhà sản xuất đến các thị trường tiêu thụ trong nước và nước ngoài, thúc đẩy phân phối đến các tỉnh/thành phố trong khu vực cũng như xuất khẩu ra nước ngoài.
Cảng sông An Tây có công suất 7 triệu tấn/năm sẽ được Bình Dương vận hành năm 2027 (Ảnh minh họa) |
Giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh có 100% trung tâm lớn sẽ đạt cấp độ trên mức 5PL (ELogistics - Logistics trên nền thương mại điện tử); Hình thành hệ thống các cảng trên sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Thị Tính kết nối với các tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4, gồm: Cảng An Sơn, An Tây, An Điền; nâng cấp cảng Bình Dương đáp ứng tiêu chuẩn cảng container cửa khẩu quốc tế.
Giai đoạn 2026 - 2030, Bình Dương trở thành trung tâm vệ tinh của khu vực Đông Nam Bộ, là nơi tập kết hàng, tập trung các dịch vụ logistics phục vụ các hoạt động sản xuất hàng hóa tại các khu, cụm công nghiệp; Hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa từ nhà sản xuất đến các thị trường tiêu thụ trong nước và nước ngoài. Để thực hiện mục tiêu này, Bình Dương sẽ phát triển mới các trung tâm logistics, cảng cạn ICD hiện đại, chuyên nghiệp, đạt tiêu chuẩn quốc tế, gồm ICD Bàu Bàng, ICD Hòa Phú, ICD Vĩnh Tân, ICD An Điền, ICD Thạnh Phước.
Giai đoạn 2035-2040, các khu, cụm công nghiệp tại thành phố Thuận An định hướng chuyển đổi mô hình sang khu vực kinh doanh dịch vụ logistics, dịch vụ đô thị, nhà ở xã hội và nhà ở thương mại. Đến năm 2045, dịch vụ logistics trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn, là yếu tố động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương.