Huyện Phú Xuyên hướng tới mục tiêu phát triển Nông thôn mới bền vững
Phát huy nội lực để bảo đảm các mục tiêu đề ra
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng nhất trí và đóng góp của người dân, đến nay huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội đã được công nhận là huyện Nông thôn mới. Tuy nhiên, để củng cố nâng cao các tiêu chí đã đạt, hướng đến xây dựng Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu, huyện tiếp tục phát huy nội lực để bảo đảm các mục tiêu đề ra.
Trước khi xây dựng Nông thôn mới, huyện có xuất phát điểm thấp, trung bình các xã mới đạt từ 5 - 6 tiêu chí, các tiêu chí chưa đạt đều liên quan đến đầu tư nguồn lực lớn, hạ tầng sản xuất, hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ; thu nhập bình quân/người thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, thành phố Hà Nội; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, toàn huyện đã triển khai thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XV, XVI) và Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) chủ động, sáng tạo, với nhiều giải pháp đột phá, nhiều mô hình mới và cách làm hay, mang lại hiệu quả thiết thực.
Cụ thể, người dân đã đóng góp hàng chục nghìn ngày công lao động, số tiền tự nguyện đóng góp, công trình quy ra tiền hơn 276 tỷ đồng và hiến hàng chục nghìn mét đất nông nghiệp, đất ở để mở rộng đường giao thông nông thôn.
Sản phẩm thủ công của làng nghề Phú Túc (Phú Xuyên, Hà Nội) |
Nhờ sự đóng góp trên, đến nay huyện đã hoàn thành xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội từng bước hiện đại phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Đến nay, huyện Phú Xuyên đã hoàn thành xây dựng 100% hệ thống đường trục xã, liên xã, trục thôn, liên thôn, xóm… bảo đảm kiên cố, khang trang; 100% tuyến đường trục chính giao thông nội đồng được cứng hóa, thuận lợi cho việc đi lại vận chuyển hàng hóa của người dân; hệ thống trường học và thiết bị dạy học được đầu tư nâng cấp, không còn phòng học tạm hay phòng học bị dột nát.
Cũng trong những năm qua, huyện đã dồn đổi được 9.060ha đất nông nghiệp, trong đó có 2.830ha đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất tập trung lúa chất lượng cao 400ha, thủy sản 300ha, rau an toàn xã Minh Tân 159ha, rau cần Khai Thái 30ha, bưởi thồ Bạch Hạ 40ha…
Bên cạnh đó, huyện Phú Xuyên có 43 làng nghề được thành phố công nhận là làng nghề truyền thống; 546 doanh nghiệp, hợp tác xã và 17.600 hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; đã thành lập được 3 cụm công nghiệp, hiện đã khởi công xây dựng 2 cụm công nghiệp làng nghề Đại Thắng và Phú Túc.
Toàn huyện hiện có 222 sản phẩm OCOP (156 sản phẩm được công nhận 4 sao, 62 sản phẩm 3 sao và 4 sản phẩm đã hết hạn không tham gia đánh giá lại). Nhờ có sự phát triển kinh tế làng nghề giúp đời sống người dân từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 65 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 0,9%...
Xây dựng Nông thôn mới tạo thành phong trào lan tỏa
Ngay sau khi về đích huyện Nông thôn mới, huyện Phú Xuyên đã bắt tay ngay vào chương trình xây dựng Nông thôn mới nâng cao. Đơn cử tại xã Tri Trung, trong 2 năm qua, địa phương đã huy động được 131 tỷ đồng triển khai xây dựng Nông thôn mới nâng cao, trong đó, có 8,2 tỷ đồng vốn xã hội hóa. Hiện, xã đã có cơ sở hạ tầng khang trang với trường học 3 cấp đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trong đó có Trường Tiểu học Tri Trung đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Quá trình triển khai xây dựng Nông thôn mới nâng cao, xã không để nợ xây dựng cơ bản.
Tương tự tại xã Đại Thắng - xã điểm xây dựng Nông thôn mới của huyện, các thôn đều có những mô hình nông nghiệp đem lại giá trị kinh tế, tạo thu nhập ổn định cho người dân. Hạ tầng điện, đường trường trạm trên địa bàn xã cũng được xây dựng khang trang, kiên cố. Sau hơn 10 năm xây dựng, xã Đại Thắng trở thành điểm sáng của thành phố về xây dựng Nông thôn mới.
Phong trào luyên tập thể dục thể thao luôn được cán bộ và Nhân dân xã Đại Thắng (Phú Xuyên, Hà Nội) quan tâm |
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh khẳng định, kết quả đạt được là nhờ đội ngũ cán bộ chuyên môn từ huyện đến cơ sở được trang bị kiến thức lý luận và thực tiễn. Vai trò của người dân trong xây dựng Nông thôn mới từng bước được xác định rõ, qua đó khuyến khích người dân tích cực tham gia xây dựng Nông thôn mới cũng như Nông thôn mới nâng cao và Nông thôn mới kiểu mẫu.
Phú Xuyên đang duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với huyện, xã Nông thôn mới để tiến tới xây dựng huyện, xã Nông thôn mới nâng cao, xã Nông thôn mới kiểu mẫu. Xem việc xây dựng Nông thôn mới là quá trình thực hiện thường xuyên, liên tục, hướng tới mục tiêu phát triển Nông thôn mới bền vững.
Trên cơ sở đó, Phú Xuyên sẽ tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, Nhân dân, tạo sự thống nhất và đồng thuận trong thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới. Tăng cường vận động doanh nghiệp, Nhân dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng Nông thôn mới tạo thành phong trào lan tỏa.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng Nông thôn mới, trong đó ưu tiên cho phát triển sản xuất. Tiếp tục đầu tư cho các mô hình sản xuất nông nghiệp, đầu tư giống cây trồng phục vụ sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy việc liên kết, hợp tác hình thành chuỗi để nâng cao giá trị sản xuất.
Năm 2024, Phú Xuyên đặt ra mục tiêu sẽ có thêm 4 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao và 2 xã đạt Nông thôn mới kiểu mẫu. Đánh giá, phân hạng thêm 40 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Có 4 làng nghề truyền thống được hỗ trợ xây dựng thương hiệu. Thu nhập bình quân đầu người đạt 70 - 72 triệu đồng/người/năm.