Khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII
Dự Đại hội về phía lãnh đạo Trung ương có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Ngô Văn Dụ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Hồ Đức Phớc, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước; Lê Minh Trí, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; Sơn Minh Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Cùng lãnh đạo các Ban xây dựng Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội; Lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, đoàn thể, lãnh đạo một số tỉnh, thành.
UVBCT, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ và Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội Chính Trung ương Phan Đình Trạc đến dự Đại hội |
Phát biểu khai mạc Đại hội, đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã nhấn mạnh đến những nỗ lực, bứt phá và kết quả nổi bật tỉnh Vĩnh Phúc đạt được trên tất cả các lĩnh vực trong nhiệm kỳ 2015-2020, nhất là thành công của tỉnh trong năm 2020 khi Vĩnh Phúc là địa phương đầu tiên trong cả nước chịu tác động của dịch bệnh Covid-19 và đã khống chế, kiểm soát, ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh để tập trung thực hiện “mục tiêu kép” là vừa phòng chống dịch bệnh, vừa đẩy mạnh khôi phục, phát triển kinh tế.
Phương châm của Đại hội lần này là “Đoàn kết - dân chủ - kỷ cương - sáng tạo - phát triển”, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan cho biết, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 có nhiệm vụ tổng kết thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 và xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của nhiệm kỳ 2020-2025; Thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng; Bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và bầu đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan phát biểu khai mạc Đại hội |
Để thực hiện tốt trọng trách trước Đảng bộ và Nhân dân, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đề nghị các đại biểu dự Đại hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, phát huy cao nhất vai trò đại diện ý chí, nguyện vọng của các cấp ủy Đảng và gần 70.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ, thực hiện tốt nội dung, chương trình đề ra. Đặc biệt là thực hiện tốt ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: "Trong thời khắc quan trọng này, chúng ta hãy khắc sâu lời dạy của Bác Hồ kính yêu. “Đại hội Đảng rất quan hệ với tương lai cách mạng của Đảng ta và của Nhân dân ta. Đại hội sẽ làm cho Đảng ta đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, tư tưởng và hành động đã nhất trí, càng nhất trí hơn nữa"".
Trình bày Báo cáo chính trị, đồng chí Nguyễn Văn Trì, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định: Nhiệm kỳ vừa qua, với sự linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt trong công tác chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự đồng thuận, nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, toàn thể Nhân dân, Vĩnh Phúc đã đạt được những thành tựu quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.
Ông Nguyễn Văn Trì, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trình bày dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc |
Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 7,1%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước; Quy mô nền kinh tế không ngừng tăng lên, năm 2020 ước đạt trên 122,68 nghìn tỷ đồng, gấp 1,56 lần so với năm 2015. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 104,48 triệu đồng/người. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động tăng bình quân hơn 8,38%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trong đó, công nghiệp tiếp tục khẳng định là nền tảng của nền kinh tế. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung được hình thành, nâng cao giá trị thu nhập, bước đầu thực hiện dồn thửa đổi ruộng, tích tụ ruộng đất.
Thu ngân sách nhà nước, thu hút đầu tư tăng cao, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhiều công trình, dự án lớn được đầu tư và đi vào hoạt động tạo diện mạo mới cho đô thị và khu vực nông thôn.
Ông Phạm Hoàng Anh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vĩnh Yên tham luận với chủ đề: Các giải pháp xây dựng, phát triển thành phố trung tâm của tỉnh, gắn với văn hóa, văn minh đô thị, góp phần xây dựng đô thị Vĩnh Phúc ngày càng phát triển. |
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm đầu tư, phát triển; Xây dựng Nông thôn mới đạt kết quả toàn diện, nổi bật. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được cải thiện, nâng cao. Giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển, Vĩnh Phúc đứng thứ nhất cả nước về chất lượng giáo dục mũi nhọn và đứng thứ 5 cả nước về chất lượng giáo dục toàn diện. Công tác quân sự quốc phòng được củng cố, tăng cường. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị các cấp được quan tâm thường xuyên. Công tác phát triển Đảng được chú trọng, bình quân hằng năm kết nạp được 2.389 đảng viên. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đổi mới theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, không có “vùng cấm”.
Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí được chỉ đạo triển khai quyết liệt, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị các cấp trong sạch vững mạnh. Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố, mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước được giữ vững và tăng cường.
Đặc biệt, Đảng bộ Vĩnh Phúc đã gương mẫu, thực hiện tốt Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016 - 2020. Trong nhiệm kỳ, Vĩnh Phúc đã sáp nhập 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, giải thể 100% chi bộ Đảng cơ quan xã và 126/137 chi bộ Đảng quân sự xã, phường, thị trấn. Các chỉ tiêu về xây dựng Đảng đều vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra.
Quang cảnh đại hội |
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh Vĩnh Phúc xác định 28 chỉ tiêu chủ yếu, 4 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá gồm: Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước; Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao, khai thông điểm nghẽn, thu hút đầu tư, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp; Xây dựng nền văn hóa, nghệ thuật phát triển, để văn hóa thực sự trở thành nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Vĩnh Phúc tập trung xây dựng cơ chế chính sách đặc thù để thu hút, giải phóng nguồn lực; Đẩy mạnh đô thị hóa cùng với xây dựng nông thôn mới nâng cao; Tạo bước đột phá trong công tác cán bộ và tổ chức bộ máy; Bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ cả về bản lĩnh chính trị, kiến thức chuyên môn và năng lực thực tiễn.
Tỉnh phấn đấu tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên bình quân hằng năm đạt 80%; Tỷ lệ chính quyền cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 80%/năm; Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 8,5-9,0%/năm; Thu ngân sách nhà nước tăng 6-8%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 130 - 150 triệu đồng/người/năm; Tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều theo chuẩn mới còn dưới 1%. Hằng năm giải quyết việc làm cho từ 16.000 - 17.000 người...