Khai thác "kho vàng ròng" từ nhà khoa học để phát triển Thủ đô
Giáo dục thế hệ trẻ hiểu biết, yêu mến Thủ đô Xác định khâu đột phá gắn với định hướng phát triển của Thủ đô Nhà khoa học trẻ với khát vọng cống hiến vì cộng đồng |
Hội nghị diễn ra sáng 14/5 tại Hà Nội với sự tham dự của các đồng chí là lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, lãnh đạo thành phố Hà Nội.
Về phía Trung ương có các đồng chí: TS Bùi Trường Giang - Phó Chủ tịch chuyên trách kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Hoàng Giang - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Dũng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam.
Tiết mục văn nghệ chào mừng hội nghị |
Về phía lãnh đạo thành phố Hà Nội có các đồng chí: Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Lê Hồng Sơn - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội.
Về dự hội nghị còn có các chuyên gia, nhà khoa học: TS Lê Xuân Rao - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Hà Nội; GS.TS Phùng Hữu Phú - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội; TS Nguyễn Quân - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Tham dự hội nghị cũng có đại diện 9 Ban Chủ nhiệm chương trình khoa học và công nghệ cấp thành phố; đại diện một số trường đại học, học viện, viện nghiên cứu, Ban Thường vụ Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội và các hội trực thuộc; các nhà khoa học, chuyên gia...
Tiếp tục phát huy tài năng, nhiệt huyết xây dựng Thủ đô
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định cùng với các nguồn lực về lao động, vốn, tài nguyên thiên nhiên… khoa học và công nghệ là nguồn lực quan trọng, có tác động lớn đối với phát triển kinh tế.
Khoa học và công nghệ (KH&CN) có vai trò quan trọng trong việc tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, góp phần phát triển và tăng trưởng kinh tế.
Khoa học xã hội đã góp phần nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, dự báo xu hướng phát triển, cung cấp luận cứ cho việc xây dựng và hoàn thiện đường lối, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các thành phần kinh tế.
Đồng chí Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phát biểu khai mạc hội nghị |
Đồng chí Trần Sỹ Thanh cho biết hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) Thủ đô thời gian qua đã có những đóng góp hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Cụ thể, mức đóng góp của yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP của thành phố Hà Nội liên tục tăng (năm 2023 là 62,86%).
Số lượng đơn đăng ký, bằng chứng nhận sở hữu công nghiệp, số công bố quốc tế trên địa bàn Hà Nội luôn ở vị trí dẫn đầu toàn quốc. Năm 2023, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII).
Trên địa bàn thành phố hiện có gần 300 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tập trung ở các huyện như: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng…
Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế Hà Nội và đang khẳng định được vai trong trong thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cho các địa phương nói riêng và thành phố nói chung.
Đồng chí Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, tặng hoa chuyên gia, nhà khoa học |
Từ năm 2021 đến nay, thành phố đã, đang triển khai thực hiện gần 300 nhiệm vụ thuộc 9 Chương trình KH&CN cấp thành phố và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ.
Kết quả nghiên cứu được áp dụng vào thực tiễn với tỷ lệ rất cao, các dự án sản xuất thử nghiệm được áp dụng 100%, các đề tài, đề án được áp dụng khoảng 90%, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, đem lại hiệu quả tốt nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố.
"Để đạt được những kết quả nêu trên, không thể không nhắc tới vai trò và những đóng góp của đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học sinh sống, làm việc tại Thủ đô, với hàng nghìn giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và thạc sĩ.
Trong đó, nhiều nhà khoa học đầu ngành có uy tín ở trong và ngoài nước về các ngành, chuyên môn khác nhau thuộc hầu hết các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, ngoại ngữ, công nghệ, kinh tế, y tế…
Đây là lực lượng đi đầu trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ, hội nhập quốc tế và đóng góp tích cực, quan trọng vào sự phát triển chung của thành phố, nguồn lực đặc biệt trong phát triển kinh tế tri thức, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; là nhân tố quan trọng trong nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nâng tầm trí tuệ, đóng góp to lớn cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô xứng tầm với khu vực và thế giới", đồng chí Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Đồng chí Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, tặng hoa các chuyên gia, nhà khoa học |
Đặc biệt, trong quá trình triển khai lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, xây dựng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), thành phố Hà Nội đã nhận được rất nhiều ý kiến góp ý, tư vấn, phản biện hết sức trí tuệ, đầy tâm huyết và trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.
Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị đã đặt ra mục tiêu: Đến năm 2030 Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 07-CTr/TU với các nhiệm vụ quan trọng đặt ra là đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực với hạt nhân là Khu công nghệ cao Hòa Lạc, các viện nghiên cứu, trường đại học.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Giang - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại Hội nghị |
"Để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trên, thành phố Hà Nội luôn xác định cần có sự ủng hộ, tham gia, vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và Nhân dân, trước hết là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô, trong đó, đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học giữ vai trò đặc biệt quan trọng.
Với tinh thần đó, tôi mong muốn và trân trọng đề nghị trong thời gian tới, các viện nghiên cứu, trường đại học, các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục phát huy tài năng, trí tuệ, tinh thần năng động, sáng tạo, nhiệt huyết và trách nhiệm với Thủ đô; nghiên cứu đề xuất nhiều ý tưởng, giải pháp, sáng tạo kỹ thuật và công nghệ đột phá, góp phần đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô nhanh và bền vững", Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội bày tỏ.
Tạo đồng cảm mang đến chuyển biến lớn
Hội nghị cũng là dịp để lãnh đạo thành phố lắng nghe các ý kiến đóng góp, trao đổi, đề xuất của các chuyên gia, nhà khoa học đối với thành phố Hà Nội.
TS Lê Xuân Rao - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Hà Nội đề xuất: Thành phố giao Liên hiệp Hội tập hợp đội ngũ trí thức cả trong nước và nước ngoài tham gia vào các hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội, cơ chế chính sách, các nghị quyết của thành phố và đề xuất các ý kiến, giải pháp xử lý những lĩnh vực nóng, cấp thiết.
Ví dụ như, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để tăng giá trị gia tăng, lĩnh vực giao thông đô thị, chống ùn tắc, xử lý ô nhiễm môi trường, vấn đề về quy hoạch phát triển đô thị, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, nghiên cứu đề xuất khai thác những cơ chế đặc thù vượt trội của Luật Thủ đô sửa đổi.
TS Lê Xuân Rao - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Hà Nội phát biểu tại Hội nghị |
Hà Nội chỉ đạo các Sở, ban, ngành đặt hàng tư vấn phản biện, giám định xã hội cho những chương trình, dự án của mình như Quyết định 25/QĐ-UBND của thành phố đã ban hành.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Hà Nội đề nghị thành phố quan tâm tạo điều kiện để Liên hiệp Hội được mở rộng quan hệ với các nước trong khu vực và quốc tế: Cử các chuyên gia tham dự các hội thảo quốc tế và cho phép Liên hiệp Hội được tổ chức các đoàn trao đổi, học tập nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ tiên tiến ở nước ngoài...
TS Nguyễn Quân đóng góp ý kiến về cơ chế đặt hàng với các nhà khoa học cống hiến cho Hà Nội |
Tại Hội nghị, TS Nguyễn Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ bày tỏ mong muốn lãnh đạo Hà Nội đặt hàng các nhà khoa học một số nhiệm vụ trọng điểm.
"Một khi thành phố đặt hàng các đề tài cụ thể, đầu tư và bảo vệ những người "dám nghĩ dám làm" thì sẽ có những sản phẩm khoa học tốt phục vụ cho Hà Nội", TS Nguyễn Quân nhấn mạnh.
GS.TS Phùng Hữu Phú - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Chủ tịch HĐND thành phố đánh giá cao việc lãnh đạo Hà Nội ngày càng quan tâm hơn đến hoạt động khoa học, thu hút, phát huy trí tuệ và tâm huyết các chuyên gia tham gia vào giải quyết các công việc quan trọng của Hà Nội. Đó là điều rất quý.
GS. TS Phùng Hữu Phú bày tỏ vui mừng về việc lãnh đạo thành phố Hà Nội ngày càng lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học |
"Qua việc thu hút, phát huy trí tuệ đó, thể hiện thái độ trân trọng, cầu thị, tiếp thu ý kiến chuyên gia của lãnh đạo thành phố để hoàn thiện và nâng cao các việc quan trọng của Thủ đô, báo hiệu bước chuyển lớn, tạo tiền đề Hà Nội phát triển mạnh mẽ hơn", đồng chí Phùng Hữu Phú khẳng định.
Đồng chí mong muốn thời gian tới lãnh đạo thành phố thường xuyên tham vấn, lắng nghe, trao đổi ý kiến các chuyên gia hơn nữa trước những vấn đề hệ trọng của thành phố để tăng hàm lượng chất xám phục vụ Thủ đô.
"Phải tạo dựng được sự đồng cảm, cộng cảm, cộng đồng trách nhiệm giữa lãnh đạo với các chuyên gia, văn nghệ sĩ. Nhà khoa học, văn nghệ sĩ rất yêu Hà Nội, mong muốn đóng góp cho Thủ đô nên nếu có sự đồng cảm, gắn bó mật thiết thì họ sẽ lo việc lãnh đạo Hà Nội đang lo; đồng cảm những trăn trở vướng mắc của lãnh đạo Hà Nội đang trăn trở; chia sẻ những ý tưởng đang thai nghén để phục vụ mục tiêu phát triển Thủ đô. Có điều đó, Hà Nội sẽ mạnh lên rất nhiều.
Không thấy hết được những tâm huyết, những khó khăn, những ý tưởng để xây dựng thành phố này thì nhà khoa học, chuyên gia, văn nghệ sĩ chưa thể cống hiến hết mình cho Thủ đô. Nếu tập hợp được các chuyên gia cùng đóng góp trí tuệ thì tiếp tục làm việc, có đóng góp, cống hiến cho Hà Nội nhiều hơn nữa. Khi đó chính là chúng ta đang khai thác được "kho vàng ròng" mà chúng ta sở hữu", đồng chí Phùng Hữu Phú bày tỏ.
Toàn cảnh hội nghị |
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND thành phố ghi nhận những đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia. Đồng chí khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến để báo cáo lại Thường trực, Thường vụ để có các hướng triển khai về cơ chế phối hợp, thường xuyên lắng nghe lẫn nhau, đưa ra cách sử dụng tối đa nguồn lực tri thức, kinh nghiệm của các chuyên gia, nhà khoa học.
Đây là vấn đề đau đáu của lãnh đạo thành phố nên những cuộc gặp gỡ, tham vấn ý kiến, thu hút sự đóng góp của chuyên gia, trí thức sẽ được thành phố tổ chức thường xuyên hơn.
Thành phố lắng nghe rất kĩ và luôn luôn trân trọng các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để đưa ra những chính sách thấu đáo hơn.
Khẳng định không thể phát triển được thành phố nếu không dựa trên văn hóa, đồng chí Trần Sỹ Thanh mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học cùng với tình yêu Hà Nội sẽ đóng góp nhiều hơn nữa cho Thủ đô nói riêng và đất nước nói chung.