Khát vọng làm giàu trên quê hương
Giúp nông dân làm giàu, bắt nhịp với nông nghiệp 4.0 |
Ngay từ khi còn là sinh viên ngành thiết kế đồ họa một trường cao đẳng ở Hà Nội, Hòa đã yêu thích việc kinh doanh nhưng khi đó chàng trẻ chỉ coi là việc phụ, kiếm thêm thu nhập phục vụ nhu cầu của bản thân. Ra trường, Hòa làm việc ở một số nơi đúng chuyên ngành đã học nhưng không thấy phù hợp.
“Dù được làm việc đúng chuyên ngành đã học nhưng mình nhận thấy mức thu nhập không ổn định trong tình hình xã hội ngày một phát triển. Vì thế, sau gần 2 năm đi làm mình quyết định chuyển hướng, tập trung hoàn toàn vào việc kinh doanh đồng hồ, cũng là mặt hàng mình rất yêu thích. Tuy nhiên, quyết định của mình khiến cả gia đình phản đối, đặc biệt là bố. Từ sự quan tâm, thương yêu ông đã xin được cho mình công việc ổn định và có nhiều khả năng thăng tiến nhưng mình đã từ bỏ”, Hòa chia sẻ.
Trần Đình Hòa (giữa) giới thiệu sản phẩm đến khách hàng |
Nghỉ việc để chuyển sang kinh doanh nhưng trong tay Hòa không có vốn. Đây cũng là khoảng thời gian áp lực nhất với chàng trai trẻ bởi phải tự mày mò, sắp xếp mọi thứ từ thuê cửa hàng đến tìm nguồn hàng uy tín, chất lượng trong khi thu nhập chưa có… May mắn, khi đó Hòa đang là Bí thư Chi đoàn thôn Lạc Thị nên được tiếp cận với nguồn vay vốn của Đoàn Thanh niên dễ dàng hơn.
Từ nguồn vốn vay của Đoàn Thanh niên xã Ngọc Hồi, Hòa có thêm động lực nhập, kinh doanh đồng hồ chính hãng. Anh cũng dành thời gian tham gia giao lưu, học hỏi từ những người có kinh nghiệm để mở rộng mối quan hệ. Đặc biệt, anh tận dụng ưu điểm của người trẻ tiếp cận nhiều với mạng xã hội nên đẩy mạnh bán hàng online cũng như qua các sàn thương mại điện tử.
Dần dần việc kinh doanh của Hòa ổn định, khách hàng mở rộng khắp cả nước và ngày càng tăng. Hòa chia sẻ: “Muốn kinh doanh tốt việc đầu tiên phải là chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, người bán phải biết viết “content” hay để thu hút khách hàng và có chính sách chăm sóc tốt các “thượng đế””.
Trần Đình Hòa (ngoài cùng bên phải) cùng các bạn trẻ thăm, tặng quà gia đình chính sách |
Hòa cho biết thêm, việc kinh doanh của chàng trai trẻ chậm nhưng chắc. Sau sáu năm, chàng trai trẻ đã tích lũy cho bản thân kinh nghiệm và lượng khách hàng khắp cả nước. Ngoài ra, với vai trò là Bí thư Chi đoàn, thông qua các buổi sinh hoạt Đoàn, chàng trai trẻ còn tuyên truyền định hướng cho đoàn viên, thanh niên tiếp cận công nghệ mới về khởi nghiệp, lập nghiệp. Hòa tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ các kỹ năng kinh doanh trực tuyến (online) cho nhiều bạn trẻ khác trong xã để cùng phát triển, làm giàu trên quê hương.
Ngoài đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp, lập nghiệp trên quê hương, Hòa cũng tích cực tổ chức các hoạt động thu hút thanh niên trên địa bàn thôn đến với hoạt động của Đoàn như: Ra quân vệ sinh môi trường, xã hội hóa nguồn lực tổ chức thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, thương binh liệt sĩ, tổ chức sinh hoạt hè cho thiếu nhi…
“Mình mong muốn thông qua các hoạt động của Đoàn, các bạn trẻ có cơ hội, giao lưu, học hỏi, mở rộng mối quan hệ. Đặc biệt, các bạn trẻ sẽ học và rèn luyện được kỹ năng mềm để phục vụ công việc cũng như lập thân, lập nghiệp”, Hòa tâm sự.
Theo Phó Bí thư Huyện đoàn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam huyện Thanh Trì Hoàng Minh Hằng, mô hình phát triển kinh tế của Bí thư Chi đoàn thôn Lạc Thị Trần Đình Hòa nhận được sự đánh giá cao. Đồng hành cùng thanh niên, trong nhiệm kỳ 2017-2022, Huyện đoàn tổ chức 12 lớp tập huấn hỗ trợ khởi nghiệp cho trên 2.000 đoàn viên thanh niên; Duy trì có hiệu quả hoạt động vay vốn của Đoàn Thanh niên, các tổ tiết kiệm và vay vốn với 11 cơ sở khối xã, thị trấn tham gia, tổng dư nợ vay vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội hiện là hơn 35 tỷ đồng. Nhiều mô hình khởi nghiệp của bạn trẻ đang góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương. |