Khi cầu bộ hành không dành cho người đi bộ...
Sẽ tháo dỡ Cầu bộ hành Gami Hội An nếu có nguy cơ mất an toàn giao thông |
Tại Hà Nội hiện nay ngày càng có nhiều cầu vượt được xây dựng, mục đích là để người đi bộ được an toàn khi qua được mà giao thông lại không bị ảnh hưởng. Mỗi cây cầu có chi phí xây dựng xấp xỉ 7 tới10 tỷ đồng, tùy vào quy mô và thiết kế của cầu. Các công trình này góp phần giải quyết nhu cầu đi lại và giảm rủi ro cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên, phần lớn vẫn chưa được sử dụng một cách hiệu quả.
Những vị khách “không mời”
21 giờ tối, từng đôi bạn trẻ hay thậm chí là nhiều tốp sinh viên bắt đầu tụ tập tại một số cây cầu gần các trường đại học. Tại những cầu bộ hành: gần cổng Học viện An ninh Nhân dân (Hà Đông), cầu bộ hành ngã tư Mai Dịch - Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy), cầu bộ hành đoạn qua Đại học Hà Nội (đoạn giao cắt ngã ba đường Triều Khúc, quận Thanh Xuân),… cứ mỗi buổi tối lại la liệt các nhóm bạn trẻ tụ tập “chém gió” và mang theo nhiều loại đồ ăn, thức uống.
Các bạn trẻ hồn nhiên tụ tập, ăn uống trên cầu bộ hành ở đường Hồ tùng Mậu |
Càng về khuya, lượng bạn trẻ có mặt trên cầu càng đông. 22 giờ 30 phút, đi đến giữa cầu thang lối lên cầu bộ hành đầu đường Hồ Tùng Mậu, nhóm phóng viên phần nào cảm thấy khó thở bởi mùi thuốc lá trộn lẫn cùng mùi bia. So với xe cộ đi phía dưới, không khí trên cầu lúc này nhộn nhịp hơn rất nhiều. Tiếng nói có, tiếng cười có, tiếng hát cũng có và âm thanh lớn nhất có lẽ là những tiếng nói tục.
Khi được hỏi có thường xuyên lên cầu chơi hay không, một bạn sinh viên hồn nhiên đáp: “Trên này vừa thoáng, vừa mát, vừa được ngắm đường phố, lại cũng gần nhà trọ. Tiện lợi trăm đường nên nhóm mình thường xuyên chọn cầu này để gặp gỡ, nói chuyện”.
Liệu có tiện lợi với tất cả mọi người
Nhiều nhóm bạn vô tư ngồi dàn ngang trên cầu |
Là một người dân sinh sống gần cây cầu được nhiều bạn trẻ ưa thích này, anh Đinh Hoàng Mạnh đùa vui: “Cứ những hôm cuối tuần hay những ngày thời tiết “trăng thanh gió mát”, mọi người đi qua đây, hướng mắt lên cầu có khi dễ nhầm là địa điểm tổ chức biểu diễn ca nhạc hoặc lễ hội ẩm thực nào đó”.
Theo quan sát của chúng tôi, ở hai bên chân cầu đi bộ đều chật kín xe máy của những vị khách đang mải ngồi “chém gió” trên cầu. Điều này khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn, đặc biệt là chiếm nhiều diện tích. Một cư dân sống tại đường Hồ Tùng Mậu bức xúc: “Bây giờ, 2 chân cầu vô hình trung trở thành nơi để xe bất dắc dĩ của những bạn trẻ. Trên cầu, các bạn cũng đã giành phần đường của người đi bộ rồi. Giờ ở dưới, các bạn cũng để tràn xe ra vỉa hè của người đi bộ”.
20 giờ tối cầu đã vô cùng đông đúc |
Còn đối với những vị khách chân chính của cây cầu, sự xuất hiện của quá đông các bạn trẻ khiến họ có phần “e rè” khi có nhu cầu sang đường. “Từ lúc xây dựng những cây cầu sang đường, mỗi khi đi tập thể dục hay có việc phải đi bộ sang đường, tôi luôn ưu tiên chọn lên cầu, trước là an toàn cho mình, sau là để giao thông ổn định. Nhưng dạo gần đây, lên cầu thấy đông các em quá, việc đi lại phần nào khó khăn nên nhiều lúc, tôi chọn việc đi tắt sang bên đường bên kia mặc dù biết như thế là vi phạm quy định về an toàn giao thông cho các phương tiện qua lại”, chị Mai Anh, người dân sinh sống tại Mộ Lao (Hà Đông) chia sẻ.
Còn lại gì sau mỗi cuộc vui?
Đồ ăn, thức uống được các bạn trẻ mang lên để có sức “buôn chuyện” xuyên lục địa nhưng khi cuộc vui kết thúc, rác lại được họ gửi lại trên cầu. Vỏ bim bim, cốc nước dùng 1 lần, rồi cả vỏ bia, bao thuốc,… ngập tràn trên một số cây cầu.
Rác tràn lan trên mặt cầu bộ hành đường Nguyễn Trãi |
Bà Nguyễn Thị Hiền, người dân trên đường Nguyễn Trãi bức xúc: “Nhìn thì toàn nam thanh nữ tú nhưng lại thiếu ý thức. Hôm trước người ta vừa dọn dẹp. Hôm sau lại như thế. Các cháu lại vứt rác bừa bãi.
Những hành vi, hành động thiếu ý thức như tụ tập, chiếm dụng cầu đi bộ, ăn uống mất vệ sinh … gây rất nhiều khó khăn cho người qua lại, mất mỹ quan, văn minh đô thị. Tôi mong muốn, phường đặt thêm biển cấm phía dưới hai đầu cầu. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng cần thường xuyên kiểm tra để những biến cấm này được phát huy tác dụng”, bà Hiền đề xuất.
Những hành vi vi phạm như này cần phải chấm dứt. Chỉ khi đó, cầu vượt bộ hành mới thực sự được sử dụng đúng mục đích, đúng công năng, làm đẹp thêm bức tranh giao thông Thủ đô.