Khởi công dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa
Phê duyệt khung bồi thường tái định cư dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa |
Dự án này có tổng chiều dài gần 73km (không bao gồm cầu vượt và nút giao với Quốc lộ 22 đã được đầu tư giai đoạn trước), đi qua các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, và Long An. Đây là 4 trong 8 tỉnh và thành phố của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, bao gồm TP Hồ Chí Minh.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cùng lãnh đạo các địa phương, đơn vị nhấn nút triển khai thi công |
Dự án được khởi công từ năm 2009 bằng vốn Nhà nước nhưng đến năm 2011 phải tạm dừng do kinh tế khó khăn. Đến năm 2016, Bộ Giao thông vận tải phê duyệt điều chỉnh dự án với quy mô 2 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng. Năm 2018, sau khi có chủ trương làm cao tốc quy mô 4 làn xe thì tổng mức đầu tư tăng lên khoảng 7.000 tỷ đồng khiến dự án không thể thực hiện do không khả thi về tài chính.
Sau 12 năm gặp khó khăn về nguồn vốn, đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hoà chính thức được thi công lại. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 2.292 tỉ đồng, được cấp từ ngân sách. Tuyến đường này đóng vai trò đặc biệt quan trọng kết nối Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
![]() |
Thứ Trưởng Nguyễn Duy Lâm, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Ban quản lý dự án, các nhà thầu phải tập trung nhân lực, thiết bị để thi công ngay sau lễ triển khai, vượt các khó khăn để đưa dự án về đích đúng tiến độ |
Phát biểu tại lễ khởi công, Thứ Trưởng Nguyễn Duy Lâm, yêu cầu Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh (chủ đầu tư), các đơn vị tư vấn, nhà thầu với trách nhiệm cao nhất, vượt qua các khó khăn, huy động đầy đủ nhân lực, máy móc, thiết bị để tập trung triển khai thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn và vệ sinh môi trường. Các đơn vị tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật, chỉ dẫn kỹ thuật của dự án, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, sai phạm; hoàn thành dự án đúng thời hạn hợp đồng đã ký.
Thứ trưởng cũng đề nghị các tỉnh Long An, Tây Ninh và Bình Dương tiếp tục quan tâm chỉ đạo sớm hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các khu tái định cư và di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật; bố trí bãi đổ thải, ưu tiên cung cấp đủ nguồn nguyên vật liệu cho dự án.
Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho Ban QLDA Đường Hồ Chí Minh và các đơn vị thi công trong suốt quá trình triển khai xây dựng công trình; tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông tại khu vực triển khai dự án.
Với trách nhiệm của mình, Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND các địa phương, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc; quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ đã đề ra.
![]() |
Dự án kết nối các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. |
Về phía lãnh đạo tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, đường Hồ Chí Minh đoạn từ Chơn Thành - Đức Hòa sau khi hoàn thành sẽ nối thông đường Hồ Chí Minh từ Chơn Thành đến Đức Hòa, kết nối với tuyến đường N2 đi về Đồng Tháp.
Đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương dài khoảng 31,6km, đã được giải phóng mặt bằng với quy mô nền đường rộng 40m và xây dựng một số hạng mục trên tuyến. Dự án khởi động lại đã đáp ứng mong mỏi của bà con trên địa bàn các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh và Long An, giúp việc kết nối giao thông từ các tỉnh miền Tây Nam bộ, miền Đông Nam bộ với các tỉnh Tây Nguyên thuận lợi.
Đối với tỉnh Bình Dương, tuyến đường giúp hoàn thiện hệ thống đường phía Tây Bắc của tỉnh, mở ra hướng kết nối mới để tỉnh Bình Dương với các tỉnh xung quanh. Đặc biệt là kết nối các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh với vùng nguyên liệu ở Tây Nguyên và Tây Nam Bộ; đẩy nhanh việc hình thành, phát triển các khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng, khu công nghiệp Cây Trường sớm trở thành khu công nghệ cao, vùng đổi mới sáng tạo theo định hướng quy hoạch kinh tế xã hội của tỉnh Bình Dương đến năm 2040, định hướng đến năm 2050.
Tại buổi lễ, đại diện nhà thầu, ông Khương Văn Cương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cam kết sẽ huy động tổng lực nhân lực, thiết bị để tập trung vào thi công ngay sau lễ phát động, đưa dự án về đích đúng thời hạn.
![]() |
Ông Khương Văn Cương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả phát biểu cam kết đưa dự án về đích đúng tiến độ. |
Theo quy hoạch, đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hoà sẽ trở thành một tuyến cao tốc 6 làn xe, vận tốc 100km/h. Giai đoạn đầu sẽ xây dựng đường với quy mô 2 làn xe, tương lai sẽ tiếp tục mở rộng theo nhu cầu phát triển vùng.
Dự án đi qua địa bàn 4 tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh và Long An. Nơi bắt đầu của dự án là xã Trừ Văn Thố (huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương), và điểm kết thúc là tại nút giao với quốc lộ N2 (hiện nay là đường Hồ Chí Minh), thuộc huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Ngoài kết nối với các địa phương, dự án có tính chất liên kết mạnh mẽ với nhiều tuyến đường quan trọng khác, như: Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đường Mỹ Phước - Tân Vạn, quốc lộ 13, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài và đường vành đai 4 TP Hồ Chí Minh.
![]() |
Gói thầu XL1 sẽ được triển khai từ ngày 18/11 |
Trong phạm vi của dự án, sẽ xây dựng 14 cây cầu, trong đó có cầu Thanh An vượt sông Sài Gòn, kết nối giữa Bình Dương và Tây Ninh. Ngoài ra, còn có cầu vượt và nút giao giữa đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 22, đã hoàn thành xây dựng từ nhiều năm trước, nhưng hiện đang "đợi đường" để đưa vào sử dụng.
Về gói thầu XL1 sẽ được triển khai từ ngày 18/11, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho hay, đơn vị trúng thầu gói thầu xây lắp XL1 thuộc dự án Chơn Thành - Đức Hoà là Tập đoàn Đèo Cả.
Dự án có tổng mức đầu tư 2.292,776 tỷ đồng, gồm 12 gói thầu do Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh làm Chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu.
Trong 3 gói thầu xây lắp chính, Ban Quản lý dự án đã lựa chọn nhà thầu cho gói XL1 Thi công xây dựng đoạn Km10+000 - Km41+150. Gói XL1 có giá 690,351 tỷ đồng. Tập đoàn Đèo Cả trúng thầu với giá 681,843 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 730 ngày.
Hai gói thầu đang chuẩn bị lựa chọn nhà thầu là gói XL2 Thi công xây dựng đoạn Km41+150 - Km62+454 trị giá 709,671 tỷ đồng; và gói XL3 Thi công xây dựng đoạn Km62+454 - Km82+750 trị giá 521,382 tỷ đồng.
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp: Sẽ phạt gấp đôi!

Động lực phát triển Thủ đô qua các cây cầu bắc qua sông Hồng

Hải Phòng có 50 xã, phường, đặc khu sau sắp xếp

Hà Nội ra quân chỉnh trang hệ thống hạ tầng giao thông đô thị

Đầu tư đường kết nối cầu Tứ Liên hơn 5 nghìn tỷ đồng

Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án cầu Ngọc Hồi

Quảng Nam: Điểm mặt 27 dự án, công trình đang ì ạch thi công

Lâm Đồng thông qua đề án sáp nhập với Bình Thuận và Đắk Nông

Phân luồng giao thông phục vụ Chương trình “Vang mãi khúc khải hoàn”
