Khởi nghiệp để tự chủ kinh tế, tránh ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng toàn cầu
Anh Lê Công Thành - CEO của Công ty công nghệ InfoRe Technology, đơn vị đạt Giải Nhất cuộc thi Nhân tài Đất Việt năm 2016 phát biểu tại buổi thảo luận "Con đường khởi nghiệp- Những góc nhìn".
Bài liên quan
Ngày hội phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp sáng tạo
Chuyến hành trình của các nhà khởi nghiệp trẻ về du lịch đã bắt đầu
Các start-up đưa hàng Việt ra nước ngoài nhờ thương mại điện tử
Xuất quân Hành trình thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Ý tưởng khởi nghiệp bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu
Rời trường THPT chuyên Ngoại ngữ năm 2001, anh Lê Công Thành học Đại học Thủy lợi và được giữ lại trường làm giảng viên. Từ 2007-2010 anh theo học sau đại học ngành Công nghệ Thông tin tại Trường Đại học Paris 11 (Cộng hòa Pháp).
Nói về con đường khởi nghiệp của mình tại buổi thảo luận Con đường khởi nghiệp, anh Lê Công Thành cho biết: "Trong thời gian học tiến sĩ tại Pháp, cách đây khoảng 10 năm, vào khoảng năm 2009, khoảng 200 người đã tự sát vì ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Cuộc khủng hoảng đã ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế châu Âu. Khi đó, tôi đang làm việc tại công ty France Telecom Orange, không khí đi làm luôn nặng nề và căng thẳng, ngột ngạt...".
Anh Thành đánh giá, nếu thế giới đón nhận một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tiếp theo, Việt Nam sẽ là nước bị ảnh hưởng nặng nề, bởi Việt Nam đang hoà nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế toàn cầu.
Do đó, anh Thành đã nghĩ đến việc khởi nghiệp như là một con đường để tự chủ kinh tế, tránh sự phụ thuộc vào sự đầu tư của nước ngoài, qua đó cũng tránh được những ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tiếp theo.
Sau nhiều trăn trở, năm 2009, anh Lê Công Thành quyết định dừng việc học tiến sĩ, về nước bắt tay vào nghiên cứu xử lý ngôn ngữ, trí tuệ nhân tạo, một lĩnh vực còn rất mới mẻ ở Việt Nam.
Ý tưởng đầu tiên được nhóm khởi nghiệp của anh Thành triển khai là một dự án xã hội, phi lợi nhuận - dự án lietsi.com. Anh Thành chia sẻ, ở miền Bắc, hầu hết các gia đình đều có người thân ngã xuống, gia đình mình có, gia đình các bạn mình cũng có. Các gia đình thường mất nhiều thời gian để biết người nhà đang nằm đâu.
Trong khi đó, Việt Nam có hơn 3.000 nghĩa trang với hàng trăm nghìn các bia mộ liệt sỹ nhưng chưa được số hóa. Ðiều đó khiến cho nhiều liệt sỹ đang nằm ở nghĩa trang nào đó rồi mà người nhà không biết.
Vì vậy, anh Thành và các cộng sự số hóa toàn bộ thông tin liệt sỹ đang nằm tại các nghĩa trang giúp người nhà dễ dàng tìm kiếm. Ðể làm việc đó, nhóm của anh xây dựng một mạng lưới tình nguyện viên, có khi lên đến hàng nghìn người, đi chụp ảnh các bia mộ trong nghĩa trang liệt sỹ.
Những bức ảnh được một phần mềm nhận diện hình ảnh do anh và các đồng sự lập trình. Các thông tin trên hình ảnh được số hóa và đưa vào kho dữ liệu. Dự án bắt đầu từ năm 2011, đến 2015 đã số hóa được 95% nghĩa trang liệt sỹ ở Việt Nam với thông tin của hơn 750 nghìn liệt sỹ.
Cơ hội khởi nghiệp về ngành Công nghệ thông tin
Giới công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp biết đến nhiều đến Lê Công Thành khi anh đoạt giải nhất Công nghệ thông tin triển vọng Nhân tài Đất Việt 2016, với sản phẩm Hệ thống phân tích ngữ nghĩa và quản trị tương tác mạng xã hội (SMCC) do anh và các cộng sự khởi nghiệp phát triển từ năm 2010.
Khi Lê Công Thành và những người bạn xây dựng SMCC (Social Media Command Center), họ đã xử lý ngôn ngữ tiếng Việt từ hàng chục triệu thông tin được quét từ internet mỗi ngày, từ đài phát thanh, truyền hình, báo giấy, báo điện tử, cho đến mạng xã hội.
Những file âm thanh, hình ảnh được xử lý thành văn bản, báo giấy được scan tự động và nhận dạng nội dung… Từ thông tin có được, hệ thống phân tích các nội dung đang được nhiều người quan tâm trên mạng xã hội và đưa ra gợi ý sớm nhất cho người sử dụng hệ thống.
SMCC là hệ thống phân tích thống kê thông tin trên mạng xã hội có đầy đủ chức năng của một hệ thống phần mềm dịch vụ SaaS (Software as a Service). Hệ thống sử dụng các kỹ thuật Deep Learning tiên tiến để xử lý văn bản tiếng Việt.
Hàng ngày, SMCC quét các thông tin trên internet Việt Nam, như thông tin báo chí (phát thanh, truyền hình, báo giấy, báo điện tử), mạng xã hội, thông tin trên các diễn đàn, blog. Trung bình mỗi ngày có khoảng 40 triệu lượt thông tin được quét, trong đó 95% đến từ mạng xã hội. Sau đó, với những bộ dữ liệu đã có, máy tính sẽ hiểu ngữ nghĩa nội dung, phân tích, tổng hợp thống kê và đưa ra báo cáo tuỳ theo yêu cầu của người sử dụng.
Hệ thống được anh Lê Công Thành đánh giá là hữu ích với các tập đoàn lớn, để phát hiện sớm các khủng hoảng, hay lắng nghe thông tin phản hồi từ khách hàng, đo hiệu quả của các chiến dịch truyền thông.
Bên cạnh đó, những người hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nội dung, bán hàng online, cũng có thể sử dụng SMCC như một công cụ để tìm kiếm nội dung đang được quan tâm, xu hướng hàng hoá đang được nhiều người lựa chọn.
So với các hệ thống SMCC tương tự của nước ngoài, lợi thế của SMCC made in Vietnam, là phân tích và quét dữ liệu bằng tiếng Việt. Hệ thống có thể đáp ứng cho 10.000 tài khoản truy cập cùng lúc khi cần thiết.
Đi xa hơn nữa, anh Lê Công Thành đã hướng tới việc giúp đỡ các start-up non trẻ khởi nghiệp. Hiện anh đã mở 10 start-up vệ sinh về trí tuệ nhân tạo với đa dạng các ngành nghề từ nông nghiệp, thể thao, du lịch... Anh Thành mong muốn đưa trí tuệ nhân tạo vào các ngành của cuộc sống.
Chia sẻ những kinh nghiệm khởi nghiệp cho các bạn trẻ, anh Thành chia sẻ: “Thời đại khởi nghiệp cần nhìn nhận sâu hơn về công nghệ. Công nghệ do con người tạo ra để thích nghi với cuộc sống, để cuộc sống tốt đẹp hơn. Ví dụ hòn đá ở thời tiền sử để tạo ra lửa, đấy cũng là “công nghệ”.... Muốn khởi nghiệp chúng ta phải bám vào công nghệ. Tuy nhiên, khi chúng ta dùng công nghệ cũ, lạc hậu thì việc khởi nghiệp chúng ta sẽ lâm vào khó khăn. Nếu chúng ta tiếp cận công nghệ mới, nâng khả năng cạnh tranh thì việc khởi nghiệp sẽ dễ dàng thành công hơn".
Anh Thành đánh giá "Trên thế giới hiện đang có rất nhiều loại công nghệ, ví dụ như công nghệ gien chữa nhiều loại bệnh, tạo ra nhiều loài mới; công nghệ nano chế ra nhiều cỡ máy siêu nhỏ ở cấp độ phân tử; công nghệ năng lượng mới, Bill Gate đang đầu tư rất lớn vào việc chế tạo những lò phản ứng hat nhân an toàn…Công nghệ lượng tử, nhiều công ty tạo ra máy tính giải bài toán trong 200s… Tuy nhiên, Việt Nam chưa có điều kiện để tiếp nhận các công nghệ này".
Tuy nhiên, Việt Nam lại đang có lợi thế về các công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo. Các bạn học sinh, sinh viên hiện đang được tiếp cận máy tính rất dễ dàng, có thể tiếp xúc các công nghệ mới nhất của thế giới thông qua mạng internet toàn cầu. Khởi nghiệp là ứng dụng công nghệ mới để giải quyết nhu cầu của xã hội, đó chính là cơ hội của các nhóm khởi nghiệp. Ở Việt Nam, cơ hội hiện nay là tận dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, đưa trí tuệ nhân tạo vào tất cả các ngành. Nhà nước cũng đang có nhiều chính sách để khuyến khích khởi nghiệp".