Khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống cho hội viên nông dân
Tiếp tục thực hiện Công điện số 12/CĐ-UBND, ngày 8/9/2024 của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về việc tập trung khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của bão số 3 và chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới, Hội Nông dân thành phố Hà Nội chỉ đạo và hướng dẫn Hội Nông dân các huyện, thị xã triển khai nhiều giải pháp để ứng phó với những thiệt hại do bão số 3 gây ra.
Theo đó, các cấp hội nông dân phối hợp với cấp ủy, chính quyền triển khai công tác ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ" một cách linh hoạt, thực chất theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, không để bị động, bất ngờ với các tình huống, đảm bảo hiệu quả kịp thời để giảm thiểu thiệt hại cho hội viên nông dân và Nhân dân.
Các cấp hội nông dân hỗ trợ hội viên di dời vật nuôi đến nơi an toàn |
Các cấp Hội Nông dân phối hợp với các ngành chức năng sẵn sàng triển khai các phương án tiêu úng, tiêu thoát nước, khu dân cư; các khu vực sản xuất nông nghiệp (lúa, hoa màu, chăn nuôi,…) khi xảy ra bão, mưa lớn kéo dài, để hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra; chỉ đạo rà soát, khơi thông ngay hệ thống kênh thoát nước; kiểm tra các trạm bơm, xử lý bơm nước đệm theo quy định và các công trình điện, bảo đảm an toàn khi bão xảy ra.
Hội Nông dân thành phố cũng yêu cầu hội nông dân các cấp tăng cường rà soát, nắm bắt, báo cáo về tình hình ngập úng; những thiệt hại do bão gây ra đối với đời sống, các hoạt động sản xuất - kinh doanh của hội viên nông dân trên địa bàn để đề xuất với cấp ủy, chính quyền có biện pháp hỗ trợ kịp thời và khắc phục những thiệt hại.
Hỗ trợ hội viên nông dân di dời đàn vật nuôi ra khỏi vùng ngập lụt |
Đối với diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại, ảnh hưởng, các cấp hội bám sát các văn bản triển khai của ngành Nông nghiệp, tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp khắc phục phù hợp, hiệu quả; phối hợp với các đoàn thể tham gia thu dọn, dựng trồng lại cây xanh bị đổ để đảm bảo an toàn đi lại cho Nhân dân.
Đồng thời, hội nông dân các cấp cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền thăm hỏi, động viên hội viên nông dân bị thiệt hại vượt qua khó khăn tiếp tục sản xuất. Chủ động các hoạt động đoàn kết, tương trợ trong nông dân; các biện pháp ổn định cuộc sống cho hội viên nông dân; hộ nông dân già, yếu, neo đơn, người tàn tật; các biện pháp hỗ trợ về kinh phí, giống, vốn, vật tư, thức ăn chăn nuôi… giúp nông dân khôi phục phát triển sản xuất nông nghiệp.
Di dời đàn vật nuôi đến nơi an toàn |
Triển khai rà soát, đánh giá các hộ nông dân vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân bị thiệt hại nặng nề do bão,đồng thời thiết lập hồ sơ pháp lý xem xét xử lý nợ bị rủi ro cho các hộ vay vốn theo quy định.
Chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng nắm sát tình hình địa bàn cơ sở theo sự phân công; triển khai nghiêm, hiệu quả, chặt chẽ tập trung bảo vệ những mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, những địa bàn xung yếu, những nơi có nguy cơ mất an toàn đối với người dân, như có thể xảy ra lũ quét, sạt lở đất, nhà cửa có nguy cơ sụt lún, đổ sập; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giúp đỡ người dân tránh trú an toàn; kiên quyết di dời người dân ra khỏi vùng ngập sâu dọc theo các bờ sông như: Sông Hồng, Sông Tích, Sông Bùi…
Các hội viên nông dân đắp đê tạm để ngăn ngập lụt |
Trước đó, Hội Nông dân thành phố Hà Nội cũng có báo cáo tình hình ứng phó với bão số 3, theo phản ánh tình hình nắm bắt dư luận nhanh của Hội Nông dân các huyện, thị xã, tại các địa phương công tác khắc phục hậu quả sau bão tiêp tục phối hợp triển khai kịp thời, chưa có các sự việc, sự cố nghiêm trọng xảy ra.
Về tình hình cung cấp lương thực, thực phẩm, rau xanh tại các chợ các địa phương diễn ra bình thường giá cả cao hơn so với ngày bình thường do ảnh hưởng của bão số 3 gây ra. Các siêu thị tiện ích, các cửa hàng tạp hóa, các chợ dân sinh các địa phương hoạt động trở lại đảm bảo đảm bảo nhu yếu phẩm, đồ dùng sinh hoạt hàng ngày cho nhân dân sinh hoạt bình thường.
Hồ trợ hội viên nông dân thu hoạch lúa mùa |
Hiện Hội Nông dân các cấp phối hợp với cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động người dân kiểm tra hệ thống và an toàn khi sử dụng điện; đặc biệt đảm bảo điện phục vụ cho các công trình tiêu úng, thoát lũ và đảm bảo dự trữ, cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu của người dân; triển khai các biện pháp bảo vệ hồ đập, đê điều, nhất là khu vực các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thạch Thất...
Huy động các lực lượng tham gia các hoạt động hỗ trợ, để phòng chống úng ngập; chằng chống, cắt tỉa, giải tỏa các cây có nguy cơ gẫy, đổ, ứng phó mưa to, gió lớn; xây dựng phương án kịp thời và kiên quyết sơ tán người dân trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi mưa, lũ. Vận động, tuyên truyền nông dân thu hoạch nhanh lúa, rau màu và cây ăn quả, hướng dẫn chằng, chống cây ăn quả và áp dụng các biện pháp bảo vệ rau màu, diện tích thủy sản, vật nuôi.