Không nới trần nợ công, bội chi thì không có nguồn lực để phục hồi kinh tế
Chính phủ sẽ trình kế hoạch phục hồi kinh tế vào kỳ họp tới của Quốc hội Dự kiến 5 nhóm giải pháp phục hồi kinh tế |
Sáng 12/11, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư đối với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển tranh luận |
Trong phần tranh luận, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) đưa ý kiến đồng tình với nhiều quan điểm Bộ trưởng KH&ĐT đã nêu về kế hoạch xây dựng gói hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên, đại biểu cho biết câu hỏi của ông là theo các chuyên gia, để hỗ trợ an sinh xã hội và phục hồi kinh tế sau đại dịch, Việt Nam cần một gói hỗ trợ tài khóa đủ lớn quy mô khoảng 3-4% GDP, trong đó phải có gói hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt, chứ không phải cần gói hỗ trợ 3-4% GDP bằng tiền mặt.
Vấn đề đặt ra là nếu làm như vậy sẽ dẫn đến thâm hụt ngân sách và sẽ phải vượt bội chi ngân sách, tăng nợ công, nợ Chính phủ. Nếu gói hỗ trợ không đủ lớn sẽ khiến nền kinh tế chậm phục hồi so với các nước và kéo theo nhiều hệ lụy.
Ông cũng đánh giá trong báo cáo kinh tế, xã hội của Chính phủ hiện nay cũng không thể hiện rõ một kế hoạch tổng thể và một mức chi cho gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ để phục hồi nền kinh tế. Trên từng lĩnh vực thì đã có báo cáo về các gói hỗ trợ này tuy nhiên còn rất riêng lẻ, đại biểu Hiển cho biết mong muốn ở đây là cần có một kế hoạch tổng thể, thống kê, tổng hợp và dự báo đầy đủ.
Ngoài nguồn lực của ngân sách thì cần có chương trình để huy động cả nguồn lực bên ngoài ngân sách để phục hồi và phát triển kinh tế. Ông Nguyễn Văn Hiển đề nghị Bộ KH&ĐT và Chính phủ làm rõ các vấn đề này.
Trả lời phần tranh luận trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết với các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, việc quan trọng đặt ra nếu không nới trần nợ công và trần bội chi thì sẽ không có nguồn lực để phục hồi và phát triển.
Tuy nhiên, nếu nới các chỉ tiêu này mà thực hiện không hiệu quả sẽ dẫn tới hệ lụy cho nền kinh tế, mất cân đối vĩ mô, cân đối lớn.
“Vậy nới bao nhiêu là đủ, 1-2% hay nhiều hơn, nới ra rồi thì huy động bằng cách nào, xử lý vào đâu cho hiệu quả”, Bộ trưởng KH&ĐT chia sẻ.
Theo Bộ trưởng, hiện nay các vấn đề này đang được các Bộ, ngành tính toán và chưa đưa ra kịch bản một cách cụ thể. Các kịch bản đã được xây dựng nhưng tạm thời chưa báo cáo Quốc hội tại kỳ họp này mà phải cần thời gian để tính toán kỹ lưỡng và báo cáo các cấp thẩm quyền trước khi đưa ra trình Quốc hội.
Tuy nhiên, Bộ trưởng KHĐT nhấn mạnh sẽ lưu ý các vấn đề đại biểu Hiển chia sẻ trong quá trình xây dựng chương trình.