Khu vực kinh tế tập thể: Tạo động lực để phát triển năng động
Nhiều loại hình, mô hình kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế bền vững, xây dựng Nông thôn mới, tạo việc làm, xoá đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng của khu vực KTTT trong nền kinh tế quốc dân.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất
KTTT, nòng cốt là HTX - một trong 4 thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Nhận thức rõ được vai trò của khu vực KTTT, giai đoạn 2016-2020, mô hình KTTT, HTX tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng. Loại hình này đã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định giá cả và kiềm chế lạm phát; Tăng kim ngạch xuất khẩu, tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Tính đến nay, cả nước có 26.040 HTX, thu hút hơn 8,1 triệu thành viên. Trong đó, chủ yếu là đại diện hộ cá thể, cá nhân ở địa bàn nông thôn tham gia HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác (chiếm 31% tổng số hộ cá thể, cá nhân của cả nước). Khu vực kinh tế hợp tác, HTX đóng góp trực tiếp khoảng 4,8% GDP cả nước và gián tiếp hơn 30% GDP thông qua giá trị gia tăng của kinh tế hộ thành viên.
Hiện nay, các mô hình KTTT, HTX hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế bền vững |
Để duy trì phát triển KTTT có hiệu quả, thời gian qua, các mô hình HTX đã chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động. Cụ thể, tính riêng trong giai đoạn năm 2020 - 2021, có đến 96% HTX được chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động; Quy mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng lên. Tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả đạt 56%, tổng doanh thu đạt hơn 30.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.900 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động 4,3 triệu đồng/người/tháng.
Đặc biệt, số lượng HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của quốc gia, vùng, địa phương ngày càng tăng. Liên kết sản xuất giữa các HTX với nhau, với tổ hợp tác và với doanh nghiệp ngày càng mở rộng và phát triển.
Đến nay, cả nước có 1.700 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, 3.219 HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, tăng 6,8 lần so với năm 2015. Số lượng HTX, liên hiệp HTX có quy mô vừa và lớn ngày càng tăng. Đến cuối năm 2021, cả nước có hơn 500 HTX, liên hiệp HTX có quy hơn 300 thành viên, tổng nguồn vốn từ 5 tỷ đồng trở lên (tăng 4 lần so với giai đoạn 2011 - 2015).
Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động
Nhấn mạnh về vai trò của các mô hình KTTT, HTX trong việc phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX cho biết: Trong giai đoạn vừa qua, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam đã triển khai đồng bộ và hiệu quả, cơ bản hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao theo chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, quy định của Điều lệ.
Tuy nhiên, đứng trước những khó khăn chưa từng có do đại dịch COVID-19 gây ra, các HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác cũng đang gặp phải rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, 90% HTX bị giảm doanh thu, lợi nhuận sụt giảm, thu nhập của người lao động và thành viên gặp nhiều khó khăn.
Nhiều HTX đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm |
“Trước những khó khăn đang hiện hữu, các HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác đã và đang huy động mọi nguồn lực để chống chịu, giảm thiệt hại duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại, số lượng HTX ngừng hoạt động...
Các đơn vị tiếp tục phát triển đa dạng về loại hình, hình thức hợp tác trong các ngành nghề, lĩnh vực, thành phần kinh tế và địa bàn, nhất là khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, sản xuất gắn với chuỗi giá trị; Củng cố, tổ chức lại hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác hiện nay và khi đại dịch COVID-19 được ngăn chặn và đầy lùi”, đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, chiến lược của Liên minh HTX Việt Nam là phấn đấu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140 nghìn tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên, 45 nghìn HTX với 8 triệu thành viên, 340 liên hiệp HTX với 1.700 HTX thành viên.
Số HTX hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm từ 60% - 70% trên tổng số HTX cả nước. Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, phấn đấu đến năm 2030 cả nước có trên 5.000 HTX và 500 tổ hợp tác ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản.