Khủng hoảng cô đơn trong cuộc sống hiện đại
Ảnh minh họa
Thủ đô của sự cô đơn
“Dịch bệnh” cô đơn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống xã hội ở Berlin, thủ đô nước Đức. Theo thống kê, dân số Berlin là 3,6 triệu người. Trong số đó, cứ hai hộ gia đình thì có một là độc thân.
Thống kê cũng cho thấy, tại thành phố này có ít nhất 300 người qua đời mỗi năm mà không ai phát hiện ra trong nhiều ngày. Do vậy, không có gì lạ khi Berlin còn được gọi là “thủ đô của sự cô đơn”.
Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Chính phủ vào tháng 5 cho thấy, trong khoảng năm 2011 - 2017, số người Đức trong độ tuổi từ 45 - 84 cảm thấy rất cô đơn đã tăng 15%. Ở các nhóm tuổi khác, con số đó tăng vọt 59% và một phần tư thanh, thiếu niên tại Đức cho biết từng gặp cảm giác cô đơn.
Nước Đức đang tìm kiếm các giải pháp để giải quyết “dịch bệnh” cô đơn. Những người độc thân, người cao tuổi cảm thấy cô đơn vào những thời điểm đoàn tụ gia đình quan trọng như Giáng sinh và năm mới.
Một đường dây nóng điện thoại đã được thiết lập tại Berlin để những người cô đơn gọi đến đây. Họ có thể nói chuyện với những người hoạt động trong lĩnh vực xã hội và nhận được sự đồng cảm, quan tâm.
Ngoài ra, Đức cũng có kế hoạch chỉ định một Bộ trưởng cô đơn, giống như nước Anh để xử lý vấn đề cô đơn - “dịch bệnh” ẩn dấu có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi, giới tính và thời điểm nào trong cuộc đời của mỗi con người.
“Bệnh dịch” tiềm ẩn
Các nghiên cứu cho thấy, cô đơn làm tăng tỷ lệ tử vong nhiều như hút 15 điếu thuốc mỗi ngày. Tuy nhiên, cảm giác cô đơn không phải là một hiện tượng chỉ ở riêng nước Đức. Đây thực sự là một dịch bệnh toàn cầu cho mọi lứa tuổi, chủng tộc và giới tính.
Theo kết quả của một nghiên cứu tại Vương quốc Anh, 9 triệu người dân xứ sở sương mù cảm thấy cô đơn. Hơn 50% số người trên 75 tuổi tại Anh đang phải sống một mình. Điều đáng nói, cuộc khủng hoảng cô đơn không chỉ là vấn đề của những người cao tuổi, đã về hưu. Bởi số thanh niên Anh cảm thấy mình bị cô lập trong xã hội đang ngày càng gia tăng đi cùng sự phát triển của các ứng dụng tin nhắn hay các trang mạng xã hội.
Điện thoại thông minh là một trong những nguyên nhân làm con người cách xa nhau hơn Nguồn: Science News |
Trước thực trạng đó, năm ngoái cựu Thủ tướng Anh Therasa May đã bổ nhiệm bà Tracey Crouch là Bộ trưởng Bộ Cô đơn. Đây là Bộ Cô đơn đầu tiên xuất hiện trên thế giới.
Một nghiên cứu toàn diện được thực hiện bởi công ty nghiên cứu thị trường Ipsos (Mỹ) cho thấy, người cô đơn nhất ở xứ sở cờ hoa thuộc thế hệ Z. Đó là những người sinh vào cuối những năm 90, đầu những năm 2000.
Một báo cáo khác của công ty bảo hiểm y tế hàng đầu nước Mỹ, Cigna cũng chỉ ra rằng, gần nửa dân số nước này đôi khi hoặc luôn luôn cảm thấy cô đơn và thế hệ Z có điểm số cô đơn cao nhất. Trong khi đó, thế hệ vĩ đại nhất (những người từ 72 tuổi trở lên) cảm thấy ít cô đơn hơn cả.
Một phần ba người Pháp trưởng thành sống một mình và ước tính 12% dân số cả nước không có bất kỳ mối quan hệ xã hội nào, bao gồm cả gia đình, bạn bè hoặc đồng nghiệp.
Ngay cả những quốc gia Bắc Âu thường được xếp hạng là đất nước hạnh phúc nhất thế giới như: Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy… vẫn phải đấu tranh với căn bệnh cô đơn, đặc biệt là trong giới trẻ.
“Bệnh dịch” này không chỉ là vấn đề ở riêng các quốc gia phương Tây. Ở Nhật Bản, tại các quán cà phê, nam thanh niên trả tiền chỉ để nói chuyện hoặc đôi khi đi dạo hay hẹn hò đã trở nên phổ biến trong nhiều thập kỷ. Dù ở trong độ tuổi rất trẻ nhưng những người Nhật cô đơn này dường như vẫn không thể tìm được kết nối và sự chia sẻ từ người khác.
Vì vậy, dù là đất nước có nền kinh tế vượt trội cùng với nhiều kỹ thuật công nghệ tiên tiến so với các nước châu Á khác, Nhật Bản vẫn đối mặt với một vấn đề nhức nhối: Tỷ lệ tự tử cao nhất trong các nước G7, đặc biệt là đối với giới trẻ.
Tại Trung Quốc, chính sách một con đã tàn phá sự cân bằng giới tính đến mức hình thành mạng lưới buôn người, bắt cóc phụ nữ từ các nước láng giềng để cung cấp “cô dâu” cho những chàng trai cô đơn.
Sự cô đơn trong xã hội hiện đại
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ sau mỗi 40 giây, trên thế giới lại có một người chết vì tự tử. Tự tử cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở giới trẻ trong độ tuổi 15 - 29. Trong thanh, thiếu niên độ tuổi này, tự tử là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở nữ giới (sau nguyên nhân mang thai ở tuổi vị thành niên) và là nguyên nhân thứ ba gây tử vong ở nam sinh (sau chấn thương trên đường và bạo lực).
Theo các nhà tâm lý học, nguyên nhân chủ yếu gia tăng các trường hợp tự tử chính là “sự cô đơn trong xã hội hiện đại”. Khi phải đối mặt với nhiều áp lực và không biết chia sẻ với ai, người ta thường muốn tìm đến cái chết như một sự giải thoát.
Sự cô đơn cũng có thể được coi như một hiện tượng xã hội, có khả năng lan truyền như dịch bệnh. Khi một người trong nhóm bắt đầu cảm thấy cô đơn, cảm giác này có thể lan sang người khác, dẫn đến tăng nguy cơ xuất hiện cảm giác cô đơn cho mọi người. Họ có thể cảm thấy cô đơn ngay cả khi được bao quanh giữa những người khác.
Trong xã hội ngày nay, sự xuất hiện và phát triển của công nghệ đã cải thiện rõ rệt chất lượng sống của con người. Tuy nhiên, trên thực tế, tính kết nối của các trang mạng xã hội không những không khiến con người hạnh phúc hơn mà có xu hướng khiến họ u buồn, cô độc và lạc lõng hơn.
Không khó để bắt gặp một nhóm bạn dù ở trong một không gian như các quán ăn, nhà hàng… nhưng mỗi người đều chìm vào thế giới riêng với chiếc điện thoại của mình. Chính sự thiếu giao tiếp “trò chuyện và lắng nghe” nhau như vậy càng làm con người xa cách và cảm thấy cô đơn ngay cả khi ở chốn náo nhiệt, đông người.
Một nghiên cứu của Đại học Michigan (Mỹ) đã chỉ ra rằng, sự buồn chán, thất vọng ở người trẻ tỷ lệ thuận với thời gian họ lang thang trên các trang mạng xã hội. Một thống kê khác ở Hàn Quốc, nơi được mệnh danh “thiên đường internet”, cho thấy, hầu hết người nghiện game online tại đây đều chịu tổn thương bởi nhiều áp lực và game như một cách trốn thoát thực tại.
Bài liên quan
Trại cai nghiện smartphone dành cho thanh thiếu niên tại Hàn Quốc
Giao thông đường sắt gắn với sự phát triển quốc gia
Nhật Bản: Vấn nạn cha mẹ bạo hành con cái gia tăng
Phillipines: Điểm nóng toàn cầu về buôn bán nội tạng