Kiểm soát tốt quyền lực chính là ngăn chặn được tham nhũng
Tổng Bí thư chủ trì họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Khuyến khích cán bộ có sai phạm tự giác xin thôi việc, ai ngoan cố thì phải xử lý |
Đồng chí Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương trình bày chuyên đề: "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới" - Ảnh: VGP |
Ngày 5/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
Công khai, minh bạch là nhiệm vụ rất quan trọng
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đã truyền đạt nghị quyết "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới" tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, quán triệt nghị quyết hội nghị trung ương 6 khóa XIII.
Một vấn đề được đồng chí Phan Đình Trạc nhấn mạnh tại nghị quyết là yêu cầu hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. "Đây là lần đầu tiên trung ương đề ra những giải pháp kiểm soát quyền lực nhà nước", đồng chí Phan Đình Trạc nói.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương chỉ rõ một số điểm đáng lưu ý, trong đó, quán triệt, thực hiện nghiêm nguyên tắc mọi quyền lực đều được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, ràng buộc bằng trách nhiệm. Quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn. Lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm, xử lý.
"Bản chất của tham nhũng, tiêu cực là lợi dụng quyền lực. Cho nên chúng ta kiểm soát tốt quyền lực chính là ngăn chặn được tham nhũng, tiêu cực", đồng chí Phan Đình Trạc nhấn mạnh.
Đồng chí Phan Đình Trạc cho biết, mục tiêu tổng quát của Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới là: Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; Có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân. Quyền lực nhà nước là thống nhất, được phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả; Nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; Bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính...
Theo đồng chí Phan Đình Trạc, Nghị quyết 27 đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các mục tiêu đã nêu, tiêu biểu là: Ðẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững; Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội
Đồng chí Phan Đình Trạc đã phân tích nhiều điểm mới trong các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu ra. Đó là, Trung ương nhấn mạnh yêu cầu về tăng cường tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hệ thống lý luận về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, tạo sự thống nhất nhận thức về 8 đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống chính trị. Thể chế hoá đầy đủ và thực hiện đúng đắn, hiệu quả cơ chế Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, nhất là dân chủ ở cơ sở.
Đổi mới cơ chế bầu cử để lựa chọn được những người đại diện cho Nhân dân; Nghiên cứu việc bỏ phiếu bầu cử của công dân Việt Nam đang ở nước ngoài, làm rõ những trường hợp không được bầu cử. Cụ thể hoá và xây dựng cơ chế để các chủ thể thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm về Hiến pháp.
Xây dựng Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Đề cao vai trò trung tâm của đại biểu Quốc hội. Gắn trách nhiệm của đại biểu Quốc hội với đơn vị bầu cử và cử tri; Đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội...
Quang cảnh Hội nghị |
Phát huy đầy đủ vị trí, vai trò của Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội; Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Tổ chức các bộ, các cơ quan chuyên môn đa ngành, đa lĩnh vực; giảm hợp lý số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan chuyên môn thuộc uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện…
Đổi mới mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả tập trung quản lý phát triển, bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, hành chính điện tử và chuyển đổi số.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, khoa học, hợp lý, đi đôi với nâng cao trách nhiệm, gắn với bảo đảm nguồn lực, năng lực thực hiện, pháp luật cho các địa phương và các bộ, tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm sự quản lý thống nhất của Chính phủ, phát huy vao trò chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của từng địa phương và các bộ. Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.