Kinh Bắc của đại gia Đặng Thành Tâm gặp khó khăn về dòng tiền
Chuyện về chàng trai Kinh Bắc |
Nợ trên 15.000 tỷ đồng, vượt vốn chủ sở hữu
Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã CK: KBC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021.
Theo đó, quý II/2021, Kinh Bắc ghi nhận doanh thu thuần gần 750 tỷ đồng, tăng 337% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ giá vốn, lợi nhuận gộp thu về đạt 448,3 tỷ đồng, tăng 296% so với cùng kỳ.
Sau khi trừ đi các khoản chi phí và thuế, Kinh Bắc ghi nhận 70,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý II/2021, tăng 548% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận ròng cổ đông công ty mẹ 34,4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ gần 3 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần của Kinh Bắc đạt gần 2.752 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 633,6 tỷ đồng, tăng 12 lần cùng kỳ năm trước.
Mặc dù doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh, tuy nhiên, so với kế hoạch năm, Kinh Bắc mới chỉ hoàn thành 42% doanh thu và 39% lợi nhuận mục tiêu đề ra.
Hơn nữa, Kinh Bắc cũng đang gặp khó khăn về dòng tiền. Trong đó, dòng tiền hoạt động kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2021 âm 90 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước cũng âm 552,3 tỷ đồng (cả năm 2020 âm 2.913 tỷ đồng); dòng tiền đầu tư cũng âm 331,6 tỷ đồng.
Theo nhận định của các chuyên gia, dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp biểu thị cho việc hoạt động kinh doanh có thu được tiền về không. Nếu dòng tiền âm có nghĩa rằng công ty chỉ ghi nhận lãi trên sổ sách chứ không thu được tiền về. Vì vậy để bù đắp, doanh nghiệp có nhiều lựa chọn, hoặc giảm chi đầu tư, thanh lý tài sản, hoặc tăng cường đi vay.
Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã CK: KBC) |
Cũng theo các chuyên gia, trong các báo cáo tài chính thì báo cáo lưu chuyển tiền tệ là quan trọng nhất, nguyên nhân là do báo cáo này chỉ ra được xu hướng dòng tiền của doanh nghiệp, tại sao làm ăn có lãi mà thiếu tiền, trên cơ sở đó giúp đánh giá về khả năng trang trải công nợ, chi trả cổ tức trong tương lai của doanh nghiệp.
"Có những trường hợp công ty có lợi nhuận, nhưng hoạt động kinh doanh không tạo ra dòng tiền dương, bị chôn vốn, nguồn tiền thu về chậm, dẫn tới sự nguy hiểm trong tình hình tài chính, gặp khó khăn trong thanh toán công nợ, cũng như không thể chi trả cổ tức cho cổ đông", một chuyên gia phân tích.
Trở lại báo cáo tài chính, tính đến ngày 30/6/2021, Kinh Bắc có tổng tài sản 27.732 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ cấu tài sản lại chủ yếu nằm ở các khoản thu ngắn hạn và hàng tồn kho.
Cụ thể, hàng tồn kho hơn 11.623 tỷ đồng, chiếm 42% tổng tài sản, chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang từ nhiều dự án, trong đó lớn nhất là Khu công nghiệp (KCN) và đô thị Tràng Cát (Hải Phòng) với 7.270 tỷ đồng, KCN Tân Phú Trung 1.227 tỷ đồng, KCN Phúc Ninh 1.088 tỷ đồng, KCN Tràng Duệ 666,5 tỷ đồng...
Theo đánh giá của giới chuyên gia, tỷ trọng hàng tồn kho lớn luôn là mối quan ngại ít nhiều với nhà đầu tư, do tính chất tồn lâu, chôn vốn, chi phí phát sinh.
Hay nói cách khác, nếu để tồn hàng tồn kho quá lâu thì sẽ làm ảnh hưởng không tốt tới quá trình kinh doanh do doanh nghiệp sẽ phải tốn chi phí trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho do giá trị hiện tại giảm mạnh so với giá gốc ban đầu khiến cho lợi nhuận sụt giảm.
Mặt khác, lượng hàng tồn kho bất động sản tăng lên sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp nói riêng và cho nền kinh tế nói chung. Hàng tồn kho nằm trong nhóm dự án vướng mắc về pháp lý, bị dừng triển khai, không ra được sản phẩm làm tăng gánh nặng chi phí, lãi vay ngày càng lớn cho doanh nghiệp.
Dồn dập vay nợ bổ sung vốn hoạt động
Chiếu theo báo cáo tài chính, tại thời điểm ngày 30/6/2021, tổng nợ phải trả của Kinh Bắc lên tới 15.120 tỷ đồng, trong khi đó vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 12.613 tỷ đồng. Điều này có nghĩa nguồn vốn của Kinh Bắc chủ yếu được tài trợ bởi các khoản nợ.
Tháng 7/2021 vừa qua, Hội đồng quản trị của Kinh đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ cổ phần chào bán cho các nhà đầu tư.
Ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc. (Ảnh: kinhbaccity) |
Theo đó, Kinh Bắc dự kiến phát hành 100 triệu cổ phần (tương đương tổng mệnh giá dự kiến phát hành 1.000 tỷ đồng), chào bán riêng lẻ cho các nhà đầu tư được lựa chọn. Tỷ lệ phát hành 21,3%. Số cổ phiếu phát hành riêng lẻ này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm từ ngày phát hành.
Giá bán được xác định căn cứ vào điều kiện hạn chế chuyển nhượng với nhà đầu tư, bằng 85% giá đóng cửa bình quân của 30 phiên giao dịch liền trước ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có công văn xác nhận đầy đủ hồ sơ và không thấp hơn 28.000 đồng/cổ phần. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2021.
Được biết, số tiền huy động từ đợt chào bán sẽ dùng 10% để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh; 40% để tái cơ cấu lại các khoản nợ vay nhằm nâng cao khả năng tự chủ về vốn, giảm áp lực về tài chính cho công ty; 50% còn lại để tăng quy mô hoạt động đầu tư, góp vốn vào công ty con, công ty liên doanh liên kết.
Không chỉ phát hành cổ phiếu để huy động vốn mà Kinh Bắc cũng liên tục gọi vốn qua kênh trái phiếu.
Cuối tháng 6/2021, Kinh Bắc cho biết đã phát hành huy động thành công 1.500 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 24 tháng, lãi suất chi trả cố định 10,8%/năm. Trái phiếu chào bán là trái phiếu chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo.
Kết quả, có 8 nhà đầu tư cá nhân mua 0,6% lượng trái phiếu, 15 tổ chức trong nước mua 60,28% số trái phiếu được chào bán. Còn lại 39,12% lượng trái phiếu còn lại thuộc về một nhà đầu tư là tổ chức nước ngoài.
Tháng 5/2021, Hội đồng quản trị Kinh Bắc cũng đã thông qua việc vay tín chấp hơn 1.000 tỷ đồng với kỳ hạn tối đa 2 năm để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh cho công ty con là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu KBC của Kinh Bắc tăng mạnh từ đầu năm đến nay. Chốt phiên 10/8, thị giá KBC ở mức 35.800 đồng/cổ phiếu, tăng khoảng 47% so với thời điểm đầu năm.