Kinh tế tập thể, hợp tác xã vượt “bão” COVID-19 sản xuất an toàn, hiệu quả
Thích ứng an toàn, sản xuất hiệu quả
Làn sóng dịch COVID-19 thứ tư bắt đầu bùng phát diện rộng vào cuối tháng 4 năm 2021 cũng là lúc các hợp tác xã trên địa bàn thành phố Hà Nội triển khai thu hoạch và bắt đầu mùa nông vụ mới. Do dịch kéo dài, chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm của nhiều hợp tác xã trên địa bàn gặp khó khăn, thậm chí bị tê liệt, dừng hoạt động.
Tuy nhiên, với sự linh hoạt, năng động của mình, nhiều hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã thích ứng được với hoàn cảnh mới, duy trì được sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp của Thủ đô.
Một trong số những mô hình hợp tác xã thích ứng an toàn, sản xuất hiệu quả trong thời gian vừa chính là Hợp tác xã Dịch vụ Tổng hợp Hòa Bình (tổ 14, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội). Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ đợt dịch COVID-19 song sản lượng tiêu thụ theo chuỗi của hợp tác xã đạt 640 tấn/năm, doanh thu đạt 4 tỷ đồng/năm, đảm bảo thu nhập ổn định từ 6-8 triệu đồng/tháng cho hơn 20 lao động tại địa phương.
Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã luôn nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh để duy trì sản xuất, kinh doanh và việc làm cho người lao động |
Ông Trịnh Văn Vĩnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Tổng hợp Hoà Bình cho biết: Dịch COVID-19 khiến lượng tiêu thụ rau của Hợp tác xã Hòa Bình ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên, Hợp tác xã Hòa Bình đã kịp thời xây dựng phương án, mục tiêu, tiếp cận nhóm đối tượng khách hàng mới.
Thay vì cung cấp trực tiếp cho các trường học, bếp ăn tập thể, bệnh viện, hợp tác xã chuyển nguồn hàng này vào các điểm bán bình ổn giá tại các khu chung cư các khu dân cư và tổ dân phố...
“Thời điểm này, nông dân và lãnh đạo hợp tác xã bận rộn, vất vả hơn trước. Chúng tôi có sẵn phương tiện vận chuyển, các giấy tờ về nguồn gốc hàng hóa, hợp đồng ký kết theo tháng và quý nên mọi khâu từ sản xuất, sơ chế đóng gói, vận chuyển đến nơi tiêu thụ... ít bị “đứt gãy” hay khó khăn”, ông Vĩnh cho hay.
Cùng với Hợp tác xã Hòa Bình, thời gian qua, Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội) cũng đang đẩy mạnh công suất để cung ứng theo đơn đặt hàng.
Bà Bùi Thị Thanh Hà, Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ: Mỗi ngày, hợp tác xã cung ứng gần 1 tấn rau, củ, quả các loại theo chuỗi. Thời điểm giãn cách xã hội, do hợp tác xã có đầy đủ thủ tục nên khi đăng ký “luồng xanh” với các đơn vị liên quan khá thuận lợi. Các nhóm rau được ký kết tiêu thụ gồm cải xanh, cải ngọt, rau dền, củ cải, hành, rau muống... 100% sản phẩm của hợp tác xã đều được dán tem QR code, giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc.
Mỗi ngày Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà cung ứng gần 1 tấn rau, củ, quả các loại theo chuỗi |
Những ngày vừa qua, hợp tác xã đã đẩy mạnh liên kết với các chuỗi cung ứng nông sản như: Chuỗi cửa hàng Công ty Thực phẩm sạch, siêu thị Big C, các cửa hàng tiện ích trên địa bàn thành phố… nên mức tiêu thụ vẫn được duy trì.
Đến nay, Hợp tác xã Thanh Hà có khu trồng rau ứng dụng công nghệ cao với diện tích 1,15ha, trong đó đã lắp đặt được gần 8.000m2 nhà màng nông nghiệp, cùng với hệ thống tưới phun tự động; 2 kho nhà lạnh, nhà kho bảo quản, nhà sơ chế rau củ...
Với mục tiêu phát triển sản phẩm rau an toàn chất lượng cao, Hợp tác xã Thanh Hà đã chủ động xây dựng chuỗi khép kín, theo tiêu chuẩn VietGAP và hướng tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ, vững bước trên thị trường tiêu thụ.
Tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các hợp tác xã
Hà Nội hiện là địa phương có số lượng hợp tác xã nhiều nhất cả nước, hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 2.261 hợp tác xã và Quỹ tín dụng Nhân dân, 20 Liên hiệp hợp tác xã, 1.493 Tổ hợp tác.
Tuy nhiên, để ổn định nguồn cung nông sản cho thị trường Hà Nội trong bối cảnh dịch COVID-19, hiện nay cũng như về dài hạn, các cấp, ngành và cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp để đồng hành cùng nông dân vượt qua thách thức, hướng đến phát triển bền vững.
Theo ông Đỗ Huy Chiến, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên thời gian qua hầu hết các Hợp tác xã trong các lĩnh vực đều gặp khó khăn do hợp tác xã khó mua nguyên liệu đầu vào, thị trường đầu ra bị thu hẹp, giảm đơn hàng, giảm sản lượng; Các khâu trung gian, vận chuyển đều gặp khó khăn…
Đến nay đã có nhiều hợp tác xã tham gia xây dựng, duy trì chuỗi sản phẩm hàng hóa, tập trung chủ yếu ở khâu sản xuất |
Trong lĩnh vực nông nghiệp là lĩnh vực có số lượng đơn vị thành viên đông nhất (có 1.337 hợp tác xã nông nghiệp), các hợp tác xã cũng gặp khó khăn trong việc cung cấp, tiêu thụ sản phẩm như rau, củ, quả... do thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, chi phí cước vận chuyển tăng, giá đầu vào tăng.
Hoạt động kinh doanh dịch vụ của các tổ chức kinh tế tập thể thuộc lĩnh vực nông nghiệp cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu phục vụ sản xuất của các hộ thành viên. Các hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, hệ thống chuồng trại tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cho hợp tác xã.
Đồng thời tham gia, các hợp tác xã đã xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, chế biến, lưu thông và phân phối, xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Nhiều hợp tác xã tham gia liên kết chuỗi giá trị, đảm bảo cho nông sản có thị trường tiêu thụ ổn định, áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất VietGAP, hữu cơ, đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu tập thể.
Đặc biệt, các Quỹ tín dụng Nhân dân đã thực hiện cơ cấu nợ, giảm lãi suất, chia sẻ khó khăn với khách hàng; Tiếp tục hoàn thiện cơ cấu, bộ máy quản trị điều hành, đầu tư cơ sở vật chất, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin, đa dạng hóa và hiện đại hóa các sản phẩm, dịch vụ để phục vụ tốt hơn cho các thành viên.
Theo ông Đỗ Huy Chiến, cùng với việc duy trì sản xuất tại các hợp tác xã, hoạt động xúc tiến thương mại cũng được đẩy mạnh. Liên minh Hợp tác xã thành phố đã nắm tình hình hoạt động các hợp tác xã gắn với "chuỗi" giá trị sản xuất, kinh doanh theo hướng chất lượng, an toàn, hiệu quả bền vững; Đồng thời tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại; Hỗ trợ các hợp tác xã đơn vị thành viên có nhu cầu kết nối tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm đối tác, mở rộng đại lý phân phối...
Có thể thấy, đến nay đã có nhiều hợp tác xã tham gia xây dựng, duy trì chuỗi sản phẩm hàng hóa, tập trung chủ yếu ở khâu sản xuất. Các hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị không những nâng cao năng lực quản lý cho hội đồng quản trị mà còn giúp các thành viên hợp tác xã yên tâm sản xuất bởi đã có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, giúp gia tăng từ 10 - 20% giá trị sản phẩm. Đồng thời, các hợp tác xã đã tạo việc làm và thu nhập bình quân cho người lao động cho người lao động đạt từ 4-6 triệu đồng/tháng.