Kỳ 2: Ăn thịt chim hoang dã “bổ dưỡng” hay rước thêm bệnh?
Nhiều dịch bệnh lây nhiễm mới nổi xuất phát từ động vật hoang dã
Nhiều thực khách có suy nghĩ sai lầm cho rằng thịt các loại chim hoang dã là động vật tự nhiên nên ăn thịt rất chắc và thơm ngon, không lo tăng trọng hay hóa chất giúp bồi bổ sức khỏe hay thể hiện độ "sành ăn".
Theo báo cáo của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF), Lào, Việt Nam và Campuchia là 3 quốc gia có mức độ sử dụng thịt động vật hoang dã cao. Đặc biệt, các loài thú và chim được bày bán nhiều ngoài chợ, tiêu thụ tại nhà hàng.
Các loại chim hoang dã cũng có thể nhiễm trùng các ký sinh trùng và lây nhiễm cho con người |
Trong khi đó, phần lớn bệnh truyền nhiễm mới nổi hiện nay có nguồn gốc từ động vật và lây truyền sang người. Buôn bán động vật hoang dã góp phần gây ra thảm hoạ, đe dọa nghiêm trọng không chỉ đối với môi trường, các loài hoang dã, mà còn tới sức khỏe, an toàn của chính con người.
Đáng lo ngại, bệnh cúm A (H5N1) là bệnh cúm gia cầm, một loại bệnh truyền nhiễm gây ra bởi vi rút H5N1 mà thông thường chỉ gây bệnh cho gia cầm bao gồm cả các loài chim.
Tuy nhiên, vi rút cúm gia cầm cũng có thể lây truyền bệnh sang cho người, thậm chí gây tử vong. Vi rút H5N1 là một loại vi rút cúm gia cầm, gần đây đã lan truyền rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Khác với gia súc gia cầm, thú rừng sống trong môi trường khác với môi trường sống của con người, ăn không ít những thực vật và động vật độc hại với cơ thể con người, do đó thịt của chúng ăn vào có thể sinh nhiều chứng bệnh rất khó chữa.
Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Khương, Bác sĩ truyền nhiễm, Trung tâm Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times cho biết: Các bệnh lây truyền từ động vật sang người có thể để lại các biến chứng nguy hiểm nếu như không được thăm khám và điều trị kịp thời, may mắn thay một số loại bệnh, dịch bệnh đã có thể phòng ngừa bằng vắc xin.
Ngoài các loại vắc xin tiêm phòng cho động vật thì chúng ta cũng nên chủ động phòng ngừa cho con người, nhất là các đối tượng có sức đề kháng kém như trẻ nhỏ. Các loại chim hoang dã cũng có thể nhiễm trùng các ký sinh trùng và lây nhiễm cho người như bệnh nhiễm nấm Histoplasmosis, nấm Cryptococcosis...
"Họa" từ miệng mà ra...
Ngoài nguy cơ lây lan dịch bệnh truyền nhiễm, các chuỗi cung ứng thịt chim hoang dã là bất hợp pháp đều tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Cụ thể như: Chuồng nuôi chật hẹp, không đảm bảo vệ sinh, nuôi nhốt nhiều loài cùng với nhau bao gồm cả động vật ốm/bệnh và động vật khỏe mạnh; không sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân trong quá trình tiếp xúc, quá trình chế biến, bảo quản các loại thịt chim hoang dã không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Quá trình chế biến và bảo quản thịt chim hoang dã bất hợp pháp tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm |
Bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Món ăn được chế biến từ động vật hoang dã như lợn rừng, dúi, don, chồn, hay các loài bò sát như kỳ đà, rùa, chim trời... được nhiều người Việt xem là đặc sản, “món ăn nhà giàu”, thể hiện sự sang trọng khi tiếp khách.
Tuy nhiên, việc tiêu thụ các món từ động vật hoang dã tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe, đặc biệt khi người ăn không biết nguồn gốc, xuất xứ của loại đặc sản này.
Chim trời có thể truyền nhiều bệnh lý nguy hiểm như virus cúm gia cầm H5N1, bệnh Ornithose (sốt do chim), bệnh Psittacose (sốt vẹt), tiêu chảy, tả, lỵ, giun sán, virus gây bệnh viêm não Nhật Bản…
Bên cạnh đó, các loài chim hoang dã có vai trò rất lớn về mặt cân bằng sinh thái. Nếu con người tận diệt chim trời sẽ dẫn đến việc mất cân bằng tự nhiên, dẫn đến sâu bệnh phá hại mùa màng.
Do đó, Chính phủ đã có nhiều chế tài xử lý các hành động buôn bán, săn bắt, giết mổ, tiêu thụ chim có nguồn gốc hoang dã, tự nhiên.
Theo các Điều 21, 22, 23 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ có quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp. Trong đó nêu rõ, người có hành vi săn bắt, tiêu thụ chim hoang dã có thể bị xử phạt tới 15 triệu đồng.
Các loại bẫy chim đêm được chào bán công khai trên mạng tiếp tay cho các hành vi săn bắt chim hoang dã |
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 29/CT-TTg ngày 23/07/2020 về một số giải pháp cấp bách trong quản lý động vật hoang dã. Chỉ thị nhấn mạnh: Kiên quyết loại bỏ các khu vực chợ, tụ điểm mua bán động vật hoang dã trái pháp luật; kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật hoang dã trái pháp luật, nhất là động vật hoang dã thuộc lớp thú, chim, bò sát trong môi trường tự nhiên.
Năm 2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Chỉ thị số 04/CT-TTg của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan trên địa bàn tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư, đặc biệt vào mùa chim di cư (từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau).
Các đơn vị rà soát, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm săn, bắn, bẫy các loài chim hoang dã, di cư.
Bộ Công thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn có liên quan tăng cường công tác quản lý; kịp thời xử lý các hoạt động kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư; chỉ đạo, triển khai các biện pháp kiểm tra, xử lý các hình thức quảng cáo, kinh doanh trực tuyến trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư và các công cụ bẫy, bắt chim (lưới, bẫy, linh kiện lắp ráp súng tự chế, súng săn…).