Kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hợp quốc: Khẳng định vai trò và tiếng nói của Việt Nam
Tổ chức toàn cầu lớn nhất
Liên hợp quốc chính thức thành lập ngày 24/10/1945, ngay sau khi nhân loại thoát khỏi sự tàn phá khốc liệt của Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Sứ mệnh cao cả được ghi rõ trong Hiến chương LHQ là ngăn ngừa một cuộc chiến tranh thế giới mới, đồng thời duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, tăng cường quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc, thúc đẩy hợp tác để giải quyết các vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hóa, nhân đạo và bảo đảm quyền con người.
Từ 51 quốc gia thành viên khi mới thành lập, hiện nay LHQ đã có 193 quốc gia và trở thành hệ thống toàn diện gồm sáu cơ quan chính, nhiều cơ quan phụ trợ, 20 tổ chức chuyên môn và năm ủy ban kinh tế, xã hội đặt ở các khu vực; Hàng chục quỹ và chương trình, hoạt động trên tất cả các lĩnh vực.
WFP là chủ nhân của giải Nobel Hòa bình năm 2020 (Ảnh: AFP) |
Với những thành tựu quan trọng đã đạt được, LHQ được cộng đồng quốc tế thừa nhận là tổ chức toàn cầu có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống chính trị quốc tế và là nền tảng không thể thiếu cho một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng hơn.
Từ khi thành lập đến nay, các cơ quan, nhân viên của tổ chức này đã giành được nhiều giải thưởng Nobel Hòa bình. Mới đây nhất, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đã xứng đáng giành giải Nobel Hòa bình năm 2020. WFP là một chương trình viện trợ lương thực nhân đạo của LHQ và là tổ chức nhân đạo lớn nhất trên thế giới hiện nay trong việc hỗ trợ và giải quyết nạn đói.
WFP được nhận giải Nobel Hòa bình nhờ nỗ lực đấu tranh với nạn đói, những đóng góp nhằm cải thiện điều kiện cho hòa bình ở những khu vực ảnh hưởng bởi xung đột. Bên cạnh đó, WFP còn đóng vai trò động lực thúc đẩy các nỗ lực ngăn chặn sử dụng đói nghèo làm vũ khí cho chiến tranh và xung đột. Riêng trong năm 2019, WFP đã hỗ trợ gần 100 triệu người là nạn nhân của tình trạng mất an ninh lương thực và nạn đói nghiêm trọng tại 88 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Việt Nam - một thành viên tích cực
Việt Nam chính thức gia nhập LHQ ngày 20/9/1977. Kể từ đó, quan hệ của Việt Nam với LHQ ngày càng phát triển.
Việt Nam đã chủ động và tích cực phối hợp với các nước không liên kết và đang phát triển để đấu tranh và bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ như: Nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, không can thiệp công việc nội bộ các nước, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực... đồng thời bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam.
Sự hợp tác giữa Việt Nam và LHQ là một ví dụ điển hình về hợp tác phát triển giữa các nước thành viên LHQ cũng như về vai trò của LHQ trong thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa và nhân đạo (Ảnh: TTXVN) |
Hiện nay, vị thế và vai trò của Viêt Nam ngày càng được khẳng định và nâng cao. Tại khóa họp thứ 73 Đại hội đồng LHQ vào tháng 6/2019, với số phiếu bầu kỷ lục 192/193 phiếu, Việt Nam chính thức trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021.
Đây là lần thứ hai Việt Nam nhận được sự ủng hộ của các thành viên Đại hội đồng LHQ để đảm nhận trọng trách này. Điều này giúp Việt Nam phát huy những thành công trong nhiệm kỳ 10 năm trước (2008 - 2009) và tiếp tục có những đóng góp tích cực, thực chất, trách nhiệm đối với LHQ nói chung và Hội đồng Bảo an nói riêng trong nhiệm kỳ 2020 - 2021.
Từ tháng 1/2020, Việt Nam chính thức đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021; Đồng thời đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ trong tháng 1/2020 và tháng 4/2021.
Tham gia Hội đồng Bảo an là cơ hội quan trọng để Việt Nam triển khai thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển; Đồng thời khẳng định Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Các sĩ quan Việt Nam lên đường tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan (Ảnh: VNA) |
Đại dịch Covid-19 đã trở thành thách thức đa chiều mang tính toàn cầu, chưa từng có tiền lệ và ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống quốc tế. Trong bối cảnh đó, Hội đồng Bảo an LHQ đã nhanh chóng điều chỉnh phương thức hoạt động để thích ứng, tiếp tục đảm trách khối lượng công việc lớn, bao quát tình hình ở tất cả các khu vực trên thế giới.
Nhân dịp này, Việt Nam đề xuất tổ chức đối thoại cấp cao ASEAN - LHQ về phát triển bền vững dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN - LHQ sẽ diễn ra tại Việt Nam vào tháng 10/2020.
Ngoài đề xuất nêu trên, trong tháng Việt Nam làm Chủ tịch, HĐBA đã phản ứng rất kịp thời trước những vấn đề nảy sinh, đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế. Trong đó, có những vấn đề nổi lên như Syria, Libya, tiến trình hòa bình Trung Đông, Yemen, Tây Phi, Mali, Cộng hòa Trung Phi, Cyprus, Colombia, Nam Sudan, CHDC Congo…
Tổng kết tháng Việt Nam làm Chủ tịch, Hội đồng Bảo an đã tổ chức 30 hoạt động chính thức, trong đó có 2 cuộc thảo luận mở, 8 cuộc họp nghe báo cáo và 4 cuộc họp thông qua nghị quyết được phát trực tiếp trên hệ thống thông tấn của LHQ. Với tư cách Chủ tịch, nước ta cũng đã tổ chức một buổi họp báo quốc tế và nhiều cuộc họp thông tin về hoạt động của Hội đồng Bảo an cho các nước thành viên, quan sát viên của LHQ, các tổ chức phi chính phủ và các đối tượng quan tâm khác.