Làm giầu từ nấm Linh chi đỏ
(TTTĐ) Cũng như bao hộ gia đình khác ở đất vải thiều Bắc Giang, gia đình anh Dương Văn Trình (sinh năm 1983, ở Thôn Ngọt, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) đã từng có thời gian dài gắn bó với cây vải, cây cam… Thế nhưng, hai năm trở lại đây, anh Trình đã quyết định chuyển sang trồng nấm linh chi đỏ - loại nấm dược liệu rất ít người trồng được ở vùng quê này.
Sau gần một năm gây dựng, anh Trình đã sở hữu trang trại trồng nấm linh chi có diện tích gần 1000m2, cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Khởi nguồn từ đam mê
Cách đây khoảng vài năm, xu hướng sử dụng nấm linh chi nhập khẩu từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc để phòng, chữa bệnh tăng mạnh. Khi đó, giá nấm linh chi nhập khẩu cao ngất, lợi nhuận mang lại cho các công ty nước ngoài do đó cũng là niềm khao khát của nhiều người làm kinh tế như anh Trình. Một thời gian sau đó, trong một lần đi thăm người họ hàng ở xa, vô tình anh bắt gặp một mô hình trồng nấm linh chi đỏ, mang lại hiệu quả kinh tế cao, kể từ đó, anh Trình bắt đầu đam mê những tai nấm màu đỏ. “Tôi nghĩ, tại sao mình không mở một trang trại trồng nấm linh chi đỏ trên đất Bắc Giang?”. Nghĩ là làm, anh đã lên kế hoạch cụ thể, bàn bạc kĩ lưỡng với gia đình rồi quyết định phá bỏ một phần vườn vải của gia đình để mở trang trại trồng nấm linh chi đỏ.
Thời gian đầu, chưa có nhiều vốn nên anh chỉ làm mô hình nhỏ với 60.000 bịch phôi nấm linh chi. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm, số phôi nấm anh cấy bị hỏng mất gần 20.000 bịch. Số phôi nấm còn lại, anh đã đầu tư toàn bộ thời gian, công sức của mình vào để chăm sóc, tìm hiểu kĩ lưỡng về tập tính, điều kiện sinh trưởng và phát triển của loại thần dược này.
Anh Trình đang chăm sóc những bịch nấm Linh chi đỏ
Thành công đến từ sự nỗ lực, lần đầu thu hoạch, số nấm của gia đình anh cho thu hoạch khoảng trên 90%, sau khi sấy khô, anh thu được hơn 6 tạ nấm khô, với giá thị trường khoảng 800.000 đồng/kg, gia đình anh đã thu về gần 500 triệu đồng. Tùy theo chu kì phát triển của cây nấm, cũng như điều kiện chăm sóc, mỗi bịch nấm có thể cho thu hoạch từ 3-4 lần, thời gian thu hoạch sau khi cấy phôi nấm tầm 70 ngày. Tuổi thọ trung bình của mỗi bịch nấm khoảng hơn ba tháng. Như vậy, mỗi một lứa nấm, gia đình anh Trình thu về hàng tỉ đồng.
Tạo cơ hội việc làm cho nhiều người
Thành công với vụ nấm đầu tiên, anh Trình quyết định vay vốn ngân hàng để mở rộng trang trại trồng nấm với chi phí đầu tư hơn 1 tỷ đồng, gồm hai trại nấm, một lò hấp khử trùng và một lò cấy mô. Trang trại trồng nấm được mở rộng hơn, anh Trình đã tiến hành nhân giống số lượng phôi nấm. Thời điểm này, hai trại nấm của anh Trình vừa cho thu hoạch, những bịch phôi cũ được tháo xuống. Tận dụng những bịch nấm vừa thu hoạch xong, anh Trình lại bán lại cho những trại trồng nấm ăn trong vùng để tăng thêm thu nhập, mà không bị bỏ phí.
Anh Trình cho biết thêm: “Để có lứa nấm thành công thì khâu chọn nguyên liệu rất quan trọng. Nguyên liệu trồng nấm phải là mùn cưa cao su, vì gỗ cao su mềm rất hợp để nấm phát triển. Trước khi đưa mùn cưa vào bịch phải qua xử lý vôi và phân DAP. Sau đó, đóng vào bịch ni-lon trọng lượng 1,3kg và dùng nắp nhựa đậy kín. Để có mùn cưa trồng nấm anh Thủy đã ký hợp đồng với các công ty sản xuất gỗ ở tỉnh Bắc Ninh.
Sau khi đóng gói nguyên liệu sẽ được đưa vào lò hấp khử trùng. Những bịch mùn cưa được hấp trong 12 giờ với nhiệt độ khoảng 100oC. Sau đó đưa ra, chờ nguội hẳn mới cấy mô. Cấy được một ngày thì chuyển vào trại để chăm sóc. Nấm đậu hay không có thể biết được sau một tuần theo dõi. Nếu nấm chuyển sang màu đen thì xem như bỏ đi. Bịch đạt yêu cầu thì những tơ nấm phát triển từ từ. Loại nấm này ưa ẩm, sau 1,5 tháng bắt đầu tưới nước, một ngày tưới khoảng 5 phút buổi sáng và 5 phút buổi chiều khi tắt nắng, không tưới trực tiếp lên tai nấm mà phải sử dụng hệ thống phun sương. Với 100 ngàn bịch phôi, anh Trình thu hơn 3 tấn nấm tươi. Nấm tươi được phơi dưới ánh nắng trực tiếp hai ngày có thể bán giá 800.000 đồng/kg. Sản phẩm làm ra đều được Viện Di truyền Nông nghiệp thu mua hoặc bán cho các công ty dược tại tỉnh Bắc Giang.
Anh Trình được UBND Huyện Lục Ngạn tặng giấy khen về thành tích trong phong trào "3 trách nhiệm" năm 2015
Theo anh Trình: “Đây là loại nấm dược liệu quý nên rất khó trồng. Người trồng ngoài kinh nghiệm còn phải chuyên tâm chăm sóc. Khâu quan trọng và khó khăn nhất là xử lý trang trại và bịch nấm. Trước khi trồng thì khu vực trồng nấm phải được khử trùng, diệt côn trùng, khử mùi. Khi đã treo những bịch phôi vào thì tuyệt đối không được dùng một biện pháp xử lý nào khác để tránh ảnh hưởng đến phôi nấm. Ngoài ra, tất cả các giai đoạn từ nguyên liệu đóng thành bịch đến cấy mô đều phải được khử trùng xử lý các mầm bệnh”.
Hiện trên địa bàn tỉnh, anh Trình là người duy nhất làm được tất cả các khâu từ chuẩn bị tới khi thu hoạch với quy mô lớn. Một số trại nhỏ thường xuyên mua lại những bịch phôi do anh cấy ghép về trồng. Trại nấm của gia đình anh Trình mỗi năm cho thu nhập khoảng hơn 1 tỷ đồng. Không chỉ đem lại nguồn thu lớn cho kinh tế gia đình, anh Trình còn tạo cơ hội việc làm cho hàng chục người lao động trong thôn có việc làm và thu nhập ổn định.
Trong năm 2015 vừa qua, trang trại nấm của anh Trình đã Vinh dự đón đoàn công tác của Viện Di truyền Nông nghiệp về thăm quan và chia sẻ kinh nghiệm nuôi trồng nấm linh chi đỏ. Với những thành công bước đầu, anh Trình đang tiến hành các thủ tục để đề nghị cấp phép vệ sinh an toàn thực phẩm cho quy trình sấy khô nấm. Bên cạnh đó, anh cũng đang tìm hiểu các thủ tục pháp lí để đăng kí thành lập doanh nghiệp và nhãn hiệu cho sản phẩm nấm linh chi đỏ.
Nam Trang