Làng thông minh trên thế giới
Mô hình ngôi làng truyền thống được quy hoạch hiện đại ở Brondby, Đan Mạch (Ảnh: Henrik Schurmann) |
Giải pháp phát triển nông thôn Châu Âu
Khu vực nông thôn ở Châu Âu thời gian qua đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như sự suy giảm dân số, xu hướng già hóa dân số với tỷ lệ người già ngày càng cao; Chênh lệch về thu nhập giữa người dân nông thôn và thành thị tăng…
Ngoài ra, tại nhiều vùng nông thôn hẻo lánh, biệt lập, khả năng tiếp cận các dịch vụ công như giáo dục, chăm sóc sức khỏe… thấp bởi sự thiếu hụt, khó khăn trong kết nối kết cấu hạ tầng.
Từ thực tế đó, từ năm 2016, Ủy ban Châu Âu đã phối hợp với Nghị viện Châu Âu đưa ra chính sách thí điểm xây dựng làng thông minh giai đoạn 2016 - 2020 với tên gọi “Châu Âu hành động vì làng thông minh” tại một số nước. Những ngôi làng này lấy nền tảng là công nghệ kết nối với giá trị bản địa nhằm bảo tồn và phát triển các giá trị Châu Âu, giúp cho người dân nông thôn có việc làm, cuộc sống thịnh vượng.
Làng thông minh dựa trên các giải pháp sẵn có về lợi thế và điều kiện tự nhiên của địa phương để phát triển và bảo tồn, không đánh đổi môi trường lấy sự phát triển. Smart village phát huy những giá trị nông nghiệp, làng nghề trên nền tảng kinh tế chia sẻ và nền tảng số (Big Data, IoT, AL…). Từ đó, nền kinh tế truyền thống tại nông thôn sẽ dần dần được thay thế phù hợp với khí hậu, môi trường, đời sống người dân.
Làng thông minh phát huy những giá trị nông nghiệp trên nền tảng công nghệ số (Ảnh: agreeta.com) |
Trong số đó, điển hình phải kể đến mô hình làng thông minh tại vùng Bắc cực ở Phần Lan, Lapland. Làng thông minh Lapland cho thấy, công nghệ kết hợp với giá trị nông thôn bản địa không những có thể phát huy giá trị văn hóa của các nền văn minh Châu Âu mà còn giúp người dân nông thôn có việc làm, cuộc sống thịnh vượng hơn…
Lapland là một trong những nơi đầu tiên ở Phần Lan áp dụng sáng kiến chuyên môn hóa thông minh. Đây là một cách tiếp cận toàn diện, có hệ thống, đặt trọng tâm vào các giải pháp quản trị, liên kết cộng đồng, chia sẻ kinh nghiệm trên thế mạnh và điều kiện sẵn có tại địa phương, với sự hỗ trợ của nền tảng công nghệ 4.0.
Chính quyền địa phương tại Lapland tập trung phát triển thế mạnh đặc trưng của từng cụm khu vực và tìm kiếm giải pháp dựa trên hệ sinh thái theo dạng tự cung tự cấp. Trong đó, năm nhóm hoạt động quan trọng của mô hình làng thông minh này giúp tạo giá trị gia tăng, tăng việc làm, đổi mới diện mạo nông thôn, đổi mới các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đó là an ninh an toàn, quy hoạch thiết kế, nền tảng công nghiệp, liên minh nông thôn và môi trường sinh thái.
Quy hoạch và thiết kế các khu vực trong làng thông minh giúp cải thiện cơ sở vật chất, tập trung nguồn lực và tận dụng lợi thế các khu vực khác nhau. Đơn cử, các sản phẩm nông nghiệp được bán ở chợ gần trang trại, nông trường nhằm kết hợp hoạt động tham quan, trải nghiệm văn hóa cho du khách.
Việc quy hoạch đường xá thuận tiện, phân chia các khu vực sản xuất, nghỉ dưỡng, trải nghiệm mua sắm kết hợp thực hành nông nghiệp, sẽ tăng khả năng cạnh tranh của địa phương trong quốc gia cũng như trên quốc tế.
Công trình vườn thực vật Eden, Cornwall, Anh |
Làng thông minh Bắc cực Lapland cũng có một mạng lưới chuyên hỗ trợ giải pháp công nghệ cho những tổ chức kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên tất cả các lĩnh vực. Mạng lưới này giúp doanh nghiệp dễ dàng liên kết với các nhà tài trợ và cơ quan chức năng. Để tăng trưởng đồng đều giữa các khu vực, chính quyền dựa trên chỉ số mức độ sẵn sàng về công nghệ làm thước đo cung cấp các giải pháp phù hợp với khả năng của từng doanh nghiệp, hộ kinh doanh.
Nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế có lực lượng lao động đông đảo bậc nhất trên thế giới nhưng ngày nay đang đối mặt với nguy cơ bị thu hẹp bởi các quá trình đô thị hóa. Do đó, cộng đồng nông thôn thông minh Bắc cực là cơ sở quan trọng giúp các mô hình hợp tác nông thôn và nông dân hoạt động hiệu qủa hơn.
Ngành nông nghiệp dựa trên các giá trị tự nhiên của địa phương, góp phần xây dựng nền kinh tế khép kín tự cung tự cấp. Kể cả khi xảy ra những biến cố như đại dịch COVID-19, các ngành, lĩnh vực tê liệt thì người dân vẫn có sinh kế và cuộc sống no đủ. Sứ mệnh của cộng đồng nông thôn còn nhằm nâng cao nhận thức của người dân và cung cấp các sáng kiến về bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái tự nhiên. Giá trị gia tăng của tài nguyên thiên nhiên chính là lợi ích cộng đồng tại địa phương.
Công trình vườn thực vật Eden, Cornwall, Anh |
Các ngôi làng kỹ thuật số
Làng thông minh Cornwall (Anh) cũng được đánh giá đạt nhiều kết quả trong chiến lược tích hợp số hóa khu vực nông thôn. Nhiều sáng kiến đã được chính quyền nơi đây triển khai như: Chương trình đào tạo gắn kết số hóa, phát triển các trung tâm số trong cộng đồng, đổi mới hệ thống y tế gắn với điện tử hóa... Trong đó, chương trình số hóa ở Cornwall với việc tiếp cận internet băng thông rộng sẽ xóa bỏ những rào cản về khoảng cách thông qua kết nối kỹ thuật số. Cornwall đã triển khai kết nối băng thông rộng cáp quang đến 95% hộ gia đình và doanh nghiệp. Số lượng người dân truy cập internet tăng từ 20 lên 50%. Nhiều sáng kiến được chính quyền khu vực đưa ra thu hút người dân thông qua các mạng lưới truyền thông kết nối, các trung tâm truy cập số tốc độ cao tại những khu vực sinh hoạt cộng đồng.
Nhằm giải quyết vấn đề nghèo đói ở nông thôn, đồng thời thúc đẩy cộng đồng phát triển bền vững, Malaysia đã đưa ra giải pháp thành lập những “ngôi làng thông minh” từ sớm; Trong đó phải kể đến ngôi làng Rimbunan Kaseh, phía Đông Bắc thủ đô Kuala Lumpur.
Hệ thống nông nghiệp khép kín là đặc điểm nổi bật nhất tại làng Rimbunan Kaseh. Chu trình khép kín đó liên kết mọi hoạt động trong cộng đồng. Cụ thể, hệ thống nuôi trồng thủy sản cung cấp cá nhỏ và tảo dùng làm thức ăn cho cá lớn giàu protein. Nước thải từ nuôi trồng thủy sản sẽ đi qua hệ thống lọc để tưới tiêu cho những cánh đồng ngũ cốc và cây hoa màu.
Ngoài ra, Rimbunan Kaseh đáp ứng tất cả những nhu cầu thiết yếu của một cộng đồng điển hình như trường học, sân chơi, nơi thờ tự với một nền nông nghiệp công nghệ cao. Cơ sở giáo dục được trang bị Internet 4G có hỗ trợ dịch vụ y tế điện tử. Tất cả các gia đình sẽ sử dụng nguồn điện từ pin năng lượng mặt trời kết hợp với năng lượng sinh học và thủy điện thân thiện với môi trường.
Năm 2020, Ấn Độ đã xây dựng sáng kiến làng thông minh Ấn Độ nhằm khai thác lợi ích của công nghệ thông tin và truyền thông ở các vùng nông thôn. Giải pháp xây dựng làng thông minh Ấn Độ sẽ cung cấp một khung cơ bản để tăng cường sự tham gia của người dân vào cải thiện kinh tế, xã hội; Tạo nên một quốc gia giàu mạnh và linh hoạt hơn đối với các thách thức của thế giới bên ngoài.
Mô hình ngôi làng truyền thống được quy hoạch hiện đại ở Brondby, Đan Mạch (Ảnh: Henrik Schurmann) |
Điển hình là làng Akodara gần Ahmedabad vùng Tây Bắc Ấn Độ với khoảng 1.200 dân. Đây là một ngôi làng kỹ thuật số hoàn toàn. Số hóa đã thúc đẩy người dân sử dụng công nghệ trong giáo dục, tiếp cận tài chính ngân hàng hiện đại.
Học sinh được sử dụng thiết bị nghe nhìn, máy tính, máy tính bảng và internet trong các trường học. Tất cả các giao dịch thông thường của ngân hàng được thực hiện bằng điện thoại di động thông qua ngân hàng trực tuyến. Tuy nhiên, làng Akodara vẫn thiếu một số cơ sở như chăm sóc sức khỏe, bảo tồn nước và quản lý chất thải, phát triển kỹ năng, nhận thức cộng đồng, an ninh, tích hợp năng lượng sạch và ứng phó khẩn cấp.
Ngoài ra cũng có thể kể đến một số mô hình mẫu mực khác như “Digital villages Germany 2020” - cộng đồng các làng thông minh tại Đức. Mô hình này nhằm phát triển nông nghiệp bền vững trong xây dựng nông thôn hiện đại, ứng phó với các bất định và rủi ro về khí hậu, thị trường, thiên tai, lũ lụt…
Từ những mô hình làng thông minh trên thế giới, dù còn nhiều thách thức nhưng cũng là kinh nghiệm cho nhiều làng, xã ở vùng sâu, vùng xa ở nước ta học tập và vươn lên phát triển bền vững dựa trên những lợi thế sẵn có.
Trong bối cảnh chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ kỹ thuật số, hệ thống cơ sở dữ liệu lớn… rất cần được áp dụng trong mô hình xây dựng làng thông minh. Các chuyên gia cho rằng, việc xây dựng làng thôn minh, xã kết nối ở Việt Nam cần xuất phát từ con người, lấy con người trung tâm, đối tượng phục vụ. Theo đó, làng thông minh, xã hội kết nối sẽ bao gồm các hợp phần về thiết chế thông minh, con người thông minh, chính quyền thông minh và nông nghiệp thông minh.
Thành phố tương lai có khả năng chống đại dịch Covid-19 |
Bùng nổ “thành phố thông minh” |
Xu hướng tất yếu của tương lai |