“Lão nông” thời công nghệ 4.0
Nông dân ngoại thành Hà Nội rục rịch xuống đồng chuẩn bị gieo cấy lúa Xuân Mang Xuân ấm đến với bà con nông dân Sóc Trăng |
Thời trai trẻ, ông Nguyễn Tiến Thuật xông pha trong quân ngũ, cùng đồng đội, lực lượng vũ trang đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Năm 1988, ông xuất ngũ, trở về quê hương xây dựng gia đình và phát triển kinh tế.
Người lính năm xưa vẫn luôn chất phác, cần cù, chịu khó. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, vợ chồng ông Thuật phát triển mô hình trang trại lúa - cá kết hợp và nhận ruộng tại các xã xung quanh gieo cấy thêm.
“Lão nông” Nguyễn Tiến Thuật với nhiều ý tưởng sáng chế |
Để giảm nhân công lao động, chi phí trong gieo cấy lúa, ông đã áp dụng biện pháp gieo sạ, gieo vãi. Tuy nhiên, hiệu quả làm nông nghiệp chưa cao do ảnh hưởng của thời tiết và điều tiết nước gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, ông Thuật luôn trăn trở, nghiên cứu các phương pháp làm nông thuận lợi hơn.
Qua truyền hình, mạng internet, ông biết đến phương pháp cấy lúa kéo tay của Thái Bình và đã tìm tòi, nghiên cứu cải tiến máy cấy kéo tay. Sau nhiều lần thử nghiệm, năm 2016 ông Thuật tự cải tiến thành công máy cấy, sử dụng được trên đồng đất gia đình ở cả hai vụ lúa.
Đến năm 2018, ông Thuật sản xuất 12 chiếc máy cấy với công suất máy bằng 2/3 so với máy cấy Kubota Nhật Bản nhưng chi phí rẻ hơn và dễ sử dụng hơn. Máy cấy tự chế tạo của ông Thuật đã giúp các hộ dân trong xã và khu vực trong huyện không cần thuê thêm nhân công, tiết kiệm thời gian, năng suất ổn định.
Máy cấy của ông Thuật được thiết kế nhỏ gọn, giá thành rẻ và phù hợp với mọi loại địa hình, kể cả những khu đất lầy trũng. Trọng lượng chiếc máy cấy chỉ khoảng 28kg. Các bộ phận như khung giàn, khay để mạ, bàn trượt, hệ thống cò cắt mạ, có lấy mạ, hệ thống tay cấy, tay lôi, hệ thống dịch mạ... đều thiết kế thuận tiện và dễ dàng sử dụng.
Chiếc máy cấy của ông Thuật sáng chế |
Điểm đặc biệt trong quá trình cải tiến đó là bỏ hẳn cần dập tay, truyền chuyển động lực kéo của người đến tất cả các bộ phận của máy thông qua bánh xe không vành, chỉ có nan hoa, do đó giảm được lực khi cấy, người cấy không bị mệt. Tốc độ cấy tùy thuộc vào tốc độ kéo và khoảng cách các hàng được thiết lập tự động giúp khoảng cách cân đối, tiết kiệm mạ, năng tăng suất cấy so với các loại máy cũ. Trung bình một ngày, máy kéo tay cải tiến cấy được 2 đến 2,5 mẫu.
Ngay sau khi chiếc máy của ông được đưa vào sản xuất, nhiều hộ đã đến đặt hàng và mua máy về sử dụng tại gia đình, giúp họ giảm bớt chi phí, ngày công và nâng cao năng suất lao động. Nay, ông đang nghiên cứu để tiếp tục cải tiến máy cấy này ngày càng thuận tiện hơn.
Dù là nông dân, chưa từng được đào tạo qua trường lớp về cơ khí, chế tạo máy nhưng với niềm say mê, sự cần mẫn và sáng tạo, ông Nguyễn Tiến Thuật đã chế tạo thành công nhiều loại máy móc phục vụ nông nghiệp, đem lại hiệu quả cao.
Không chỉ có chiếc máy cấy lúa công nghệ mà ông còn sáng tạo máy đập ốc bươu vàng, máy nghiền thức ăn, máy cho cá ăn hẹn giờ tự động hoá... Những chiếc máy công nghệ gọn nhẹ, giá thành rẻ, lại tiện lợi.
Với những thành tích trên ông đã được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2017 và 2018. UBND huyện Ứng Hòa cử giới thiệu là điển hình tiên tiến tham dự Đại hội Thi đua yêu nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2020 - 2025, cùng nhiều danh hiệu cao quý khác.