Lao vào lũ dữ cứu người: Những tấm lòng vàng giữa thiên tai
Họ là những con người bình thường, khác nhau về công việc, hoàn cảnh nhưng đều chung một chữ tâm, đồng lòng giúp đỡ mọi người đang gặp khó khăn.
Xuyên đêm cứu người
Sau cơn báo số 3, hoàn lưu bão gây lũ lụt, lũ quét… ảnh hưởng nặng nề tới nhiều vùng miền núi phía Bắc. Giữa lúc nước ngập mênh mông, nguy hiểm luôn dình dập, có nhiều gia đình bị cô lập trong nước lũ, thiếu lương thực, không ít gia đình phải trèo lên mái nhà đợi lực lượng cứu hộ đến trợ giúp…
Trước sự hung dữ của dòng nước cứ ngày một dâng cao, nhiều người đã tình nguyện đi vào tâm lũ để đưa bà con đang bị mắc kẹt ra khỏi vùng nguy hiểm, trong đó, nhân lực tình nguyện của Câu lạc bộ xe bán tải địa hình Việt Nam PVC, Xuồng hơi… ở các địa phương là một trong những lực lượng nhiệt tình, tiên phong.
Những thành viên của CLB Thể thao dưới nước Hồ Thác Bà đã nhiệt tình cứu trợ bà con ở Yên Bái |
Nhớ lại đêm đầu tiên tham gia cứu hộ, anh Doãn Thế Tài - Chủ tịch câu lạc bộ thể thao dưới nước Hồ Thác bà, thành viên CLB Xe bán tải địa hình Việt Nam và đội xuồng hơi chia sẻ, khi nghe tin hoàn lưu bão ảnh hưởng rất nặng, chiều tối 8/9, anh đã huy động tất cả các thành viên đưa phương tiện, ca nô, phao, xe máy nước… về kho để khi cần là sẵn sàng di chuyển.
“20h, thấy tình hình mưa có vẻ diễn biến theo chiều hướng xấu, tôi chủ động gọi điện cho bên công an tỉnh Yên Bái đề xuất tăng cường. Sau khi nhân được lệnh, tôi đã huy động anh em cùng phương tiện di chuyển”, anh Doãn Thế Tài nói.
Những thành viên CLB xuống hơi Hồ Thác Bà đã cứu trợ bà con Yên Bái từ đêm 8 đến sáng 9/9. “Khu vực chúng tôi cứu trợ có đường kính 40 cây số, anh em hỗ trợ tới 5h30 thì về nghỉ ngơi một lát. Đến 7h, thấy tình trạng cấp tốc quá, chúng tôi lại hô hào nhau ra làm một mạch tới đêm mùng 9. Lúc này, giông, bão, gió giật, sấm sét ầm ầm… thời tiết ngoài tầm cứu trợ, bắt buộc mọi người phải dừng lại.
Từ khi dừng lại tới 7h sáng ngày hôm sau, điện thoại của tôi nhận 1.000 cuộc gọi nhỡ và 4-500 tin nhắn cầu cứu. Chưa bao giờ tôi thấy buồn và bất lực như thế, bởi ngay cả gia đình mình, chúng tôi trong đội còn không hỗ trợ được. Khi ấy tôi chỉ mong sao thời tiết bớt khắc nghiệt để mọi người có thể giúp bà con”.
Cũng trong thời gian này, nhiều vùng ở thành phố Thái Nguyên cũng đang ngập chìm trong cơn lũ hung dữ. Cùng với đội phản ứng nhanh tỉnh Thái Nguyên, anh Trần Văn Thư, thành viên CLB Xe bán tải và địa hình tỉnh cùng 4 anh em cũng đã không quản nguy hiểm, lao vào dòng nước lũ đang dâng cao để cứu người.
Đoàn cứu hộ hoạt động hết công suất bất kể tình hình thời tiết |
“Đêm 8/9, CLB đã nhận được thông tin lũ lụt và cũng được chính quyền địa phương kêu gọi hỗ trợ, chúng tôi đã đi từ 1 giờ đêm. Đến sáng sớm hôm sau chúng tôi chính thức vào cuộc phối hợp với lực lượng chính quyền đi cứu giúp bà con”.
Tại Thái Nguyên rất lâu rồi không xảy ra lũ lụt, vì thế khi dòng nước lũ về, người dân hoàn toàn bất ngờ, không có sự chuẩn bị nên họ càng hoảng loạn.
Người già và trẻ em luôn được đoàn cứu hộ của anh Trần Văn Thư ưu tiên |
“Khi lao vào dòng nước đang không ngừng dâng cao, chảy xiết, việc đầu tiên mà chúng tôi nghĩ đến là cứu người, nhất là người già và trẻ em. Tôi cứ nhớ mãi đêm 9/9 là thời điểm nước dâng cao, chúng tôi đi cứu trợ giữa tiếng kêu khóc, cùng những tiếng la hoảng loạn của bà con. Lúc này chúng tôi chỉ biết bảo nhau cố lên, nhanh hơn nữa để có thể kịp thời giúp được nhiều người hơn.
Tuy nhiên công tác cứu hộ gặp khó khăn bởi xe ô tô đỗ kín đường gây cản trở việc tiếp cận người dân, có những nơi thuyền, xuồng không thể vào được dù là nghe tiếng kêu cứu. Khi đó mọi người rất day dứt”, anh Thư chia sẻ.
Giữa đêm tối mịt mù, mất điện, mất sóng điện thoại, từng hạt mưa quật vào mặt rát đét, phương tiện duy nhất của những người đi cứu hộ là chiếc đèn pin, đến nhà ai bị ngập sâu, đoàn cứu trợ cũng gọi to để mọi người biết. Trong đêm tối bão bùng ấy, điều tạo nên sức mạnh duy nhất khiến thành viên đoàn cứu trợ cố gắng hơn nữa là sự hoảng loạn, tiếng kêu cứu của người dân đang sắp bị lũ nhấn chìm…
Lực lượng cứu hộ không quản hiểm nguy hỗ trợ bà con |
Sức mạnh của lòng nhân ái
Trong khi cứu hộ, các đoàn gặp không ít khó khăn bởi nhiều người gặp nguy hiểm lại đang mắc kẹt phía dưới mái tôn hoặc trong khung sắt hàn kín… trong tình huống này, người cứu hộ phải phá khung sắt, cắt mái tôn mới cứu được người đang mắc kẹt bên trong. Những lần như thế, nhẹ thì họ bị sây sát, nặng còn bị trấn thương.
Anh Trần Văn Thư chia sẻ thêm, một nguy hiểm nữa là khi nước dâng cao, người dân rất hoảng loạn, vì thế nhìn thấy phương tiện đến, họ sẵn sàng nhảy từ trên xuống khiến xuồng bị chòng chành, có thể lật bất cứ lúc nào. Đã thế, khi phương tiên đi trên dòng lũ, thuyền dễ bị nước xiết cuốn đi, một sơ suất nhỏ cũng có thể gặp rủi ro.
Những em bé ở Thái Nguyên đang được đưa ra nơi an toàn |
“Đã là cứu hộ thì muôn vàn khó khăn, có những rủi ro mình nhận định được, có những tình huống bất ngờ như nước chảy xiết, nước xoáy, rác, cây đổ, mái tôn và các hàng rào sắt cả thép gai nữa… tiềm ẩn các rủi ro cho phương tiện cứu hộ.”, anh Trần Văn Thư chia sẻ.
Không chỉ cứu người, lực lượng cứu hộ còn vận chuyển cả lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân bị cô lập ở những vùng ngập sâu không bị thiếu, đói.
Thiên tai, lũ lụt không chỉ cuốn trôi nhà cửa, tài sản, mà còn đe dọa trực tiếp đến tính mạng của con người. Trong những khoảnh khắc hiểm nguy ấy, khi mọi thứ dường như đang mất đi hy vọng thì những người dân bình dị đã trở thành người hùng thực thụ. Điều khiến họ không quản hiểm nguy cứu người đó chính tình thương và lòng nhân ái. Đối với họ, cứu giúp người trong cơn hoạn nạn không phải là một hành động phi thường, mà là một trách nhiệm tự nhiên của tình đồng loại.
Công tác cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn |
“Tôi cứ tâm niệm rằng, mình giúp đỡ bà con cần là có tâm, có lòng, có trí, quan điểm cứu hộ là giữ 1 xuồng thì cứu đc 100 người, mất 1 xuồng là mất cơ hội cứu 100 người. Vì thế làm gì cũng phải có tổ chức để tránh việc 1 người báo mà nhiều người cùng cứu trợ.
Không chỉ ở Yên Bái, khi nhận thông tin, chúng tôi lên đường đi khắp nơi, xe bán tải là đam mê, xuồng để chơi nhưng khi người dân cần hỗ trợ, chúng tôi sẽ hỗ trợ. Chúng tôi đã nhiều lần phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ… để cứu trợ về thiên tai, dịch bệnh”, anh Tài chia sẻ.
Còn nhóm 4 người của anh Trần Văn Thư cũng chỉ là những lao động bình thường, họ đều có điểm chung đó là làm thiện nguyện xuất phát từ tâm, mong muốn giúp đỡ bà con.
Khi được hỏi về gia đình, anh Thư cười hạnh phúc: “Rất may mắn có bà xã chia sẻ với tôi trong mọi cuộc hành trình. Đợt lũ vừa rồi là lúc tôi đưa con đi thi ở một trường đại học dưới Hà Nội, khi biết công việc cần đi ngay trong đêm, tôi đã gọi điện cho vợ để thông báo. Thế mà khi về nhà, vợ mình đã chuẩn bị đồ đạc sẵn sàng, từ thuốc men đến quần áo… Đợt cứu hộ này nguy hiểm, vì thế bà xã cũng lo lắng mất ăn mất ngủ, thoạt đầu cũng ngăn cản nhưng mình giải thích, bản thân có kỹ năng và phương tiên, hơn nữa bạn bè đi giúp mà mình ở nhà thì không đành... vợ cũng hiểu và không ngăn cản nữa”.
Những con người bình thường dũng cảm lao vào dòng nước lũ cứu bà con là minh chứng cho tinh thần tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam. Trong nghịch cảnh, với trái tim tràn đầy nhân ái và lòng quả cảm, họ trở thành những người hùng không cần danh tiếng. Chính những hành động ấy đã tiếp thêm hy vọng cho bao người trong lúc nguy hiểm và là ngọn lửa ấm giữa cơn lũ dữ.