Lễ chùa đầu năm tại Hà Nội: Không còn cảnh chen lấn, chèo kéo và chặt chém giá cả
Mọi hoạt động cầu an và hàng quán tại phủ Tây Hồ trật tự, nề nếp trong dịp lễ đầu xuân 2020
Bài liên quan
8 điều tuyệt đối kiêng kỵ khi đi lễ chùa đầu năm
Văn hóa tâm linh, tín nhưng đừng mê - Bài 1: Nét đẹp cần gìn giữ
Khai hội chùa Hương 2020: Lễ hội Kỷ cương - Văn minh du lịch
Là phong tục của người Việt mỗi dịp Tết đến xuân về, người dân lại đến đền, chùa để cầu cho một năm mới bình an tốt lành, mọi sự như ý.
Lễ cầu an thường diễn ra đến hết rằm tháng Giêng. Tại Thủ đô Hà Nội, nơi có rất nhiều ngôi chùa nổi tiếng, có lịch sử hàng trăm năm trở thành địa điểm được con nhang, phật tử và nhiều người dân trên cả nước hướng về cầu khấn trong dịp đầu xuân này.
Đông đúc từ ngày mùng 1 Tết Nguyên đán, đến thời điểm hiện tại các ngôi chùa vẫn đón hàng nghìn lượt khách đến du xuân, cầu bình an mỗi ngày. Tuy vậy, các hoạt động lễ chùa diễn ra có nề nếp, quy củ. Không có tình trạng chen lấn xô đẩy dù có thời điểm số lượng người dân đến chùa tăng đột biến.
Bắt đầu từ mùng 6 Tết Âm lịch, nhiều cơ quan nhà nước, trường học và các cửa hàng đã mở cửa khai xuân. Rất nhiều người dân đã trở lại Hà Nội sau thời gian nghỉ lễ cũng lựa chọn đến chùa thành tâm khấn phật cầu bình an.
Theo ghi nhận của phóng viên, hoạt động cầu an ở các chùa trong nội thành Thủ đô đều diễn ra rất trật tự.
Điển hình như chùa Phúc Khánh, khóa lễ cầu an tại chùa bắt đầu từ ngày mùng 6 hàng năm luôn thu hút lượng lớn người dân về tham dự, gây tắc nghẽn các tuyến đường khu vực Ngã Tư Sở.
Khóa lễ cầu an tại chùa Phúc Khánh tối mùng 7 (31/1) diễn ra trật tự trong khuôn viên chùa |
Trong dịp lễ cầu an năm nay, ghi nhận của phóng viên vào hai buổi cầu an mùng 6 và mùng 7 Tết, mọi hoạt động cầu an đều diễn ra trật tự nề nếp và chỉ gói gọn trong khuôn viên nhà chùa. Lực lượng an ninh trật tự năm nay cũng trở nên “nhàn nhã” hơn khi không phải giải tỏa ách tắc quanh chùa. Người dân đến cầu an được sắp xếp chỗ để xe miễn phí cách chùa khoảng 150m, gửi ở các hộ dân cạnh chùa vào buổi tối giá dao động từ 10 - 20 nghìn đồng một xe gắn máy.
Ở phủ Tây Hồ trong dịp lễ đầu xuân Canh Tý 2020 cũng diễn ra trật tự, an toàn. Ở hai bên đường dẫn vào phủ bày bán nhiều mặt hàng đồ ăn, đồ cúng lễ, các thầy nho viết sớ… nhưng không có tình trạng chèo kéo khách, chặt chém giá cả tại đây.
Chị Nguyễn Thu Huyền (ở Hà Nội) đến lễ tại phủ Tây Hồ ngày mùng 7 Âm lịch (31/1) chia sẻ: “Đầu năm tôi cũng giống mọi người đi cầu bình an mong muốn một năm an lành, nhiều sức khỏe. Tôi không chuẩn bị trước tiền lẻ công đức và đặt lễ nên ghé vào cửa hàng trên đường vào phủ đổi luôn. Ở đây mỗi sớ mình phải trả họ 100 nghìn đồng, nếu chưa chuẩn bị đồ lễ đi kèm thì mua luôn tại đây có đầy đủ, giá cả tuy có cao hơn so với mình tự chuẩn bị nhưng vẫn ở mức chấp nhận được, không có chặt chém”.
Cách phủ Tây Hồ không xa là chùa Trấn Quốc ghi nhận tình trạng tương tự. Người dân đến lễ chùa trật tự, nề nếp. Các hoạt động cầu an không có cảnh chen lấn, xô đẩy và tình trạng lộn xộn trước, trong chùa.
Lực lượng an ninh trật tự làm nhiệm vụ quanh chùa Phúc Khánh rất “nhàn nhã”. |
Chùa Quán Sứ nằm trong khu phố cổ Thủ đô đến mùng 7 Âm lịch khá im ắng. Vẫn có người dân đến cúng lễ, công đức và cầu bình an tại chùa nhưng so với mọi năm đã giảm đi đáng kể. Người dân lặng lẽ ra vào, thành tâm khấn mang lại vẻ bình yên, trang nhã cửa Phật.
Sau nhiều năm lên án, người dân dần có ý thức hơn trong việc lựa chọn trang phục đi chùa. Ghi nhận tại các chùa nội thành Hà Nội, người dân đến chùa đều lựa chọn trang phục kín đáo, lịch sự. Đặc biệt trong thời gian đầu năm mới này Hà Nội đang có không khí lạnh nên trang phục được mọi người lựa chọn phù hợp hơn.
Tình trạng xả rác bừa bãi tại các chùa cũng được hạn chế tối đa. Bên cạnh lực lượng dọn vệ sinh được phân cử tại chùa thì người dân đã có ý thức hơn trong việc vứt rác đúng nơi quy định, đảm bảo hoạt động lễ chùa cầu an được diễn ra an toàn, vui vẻ và đúng với thuần phong, mỹ tục, mang lễ chùa trở thành một nét văn hóa đẹp trong đời sống tâm linh.