Luật Thủ đô: Động lực thu hút nhân tài
Phát triển Thủ đô thành trung tâm tiêu biểu về giáo dục, đào tạo Đẩy mạnh tuyên truyền Luật Thủ đô tới mọi tầng lớp Nhân dân Sớm cụ thể hóa Luật Thủ đô trên lĩnh vực văn hóa, sáng tạo |
Cần hấp dẫn và toàn diện
Theo thống kê của Sở Nội Vụ Hà Nội, từ năm 2013, Hà Nội đã thực hiện chính sách thu hút nhân tài. Tuy nhiên, tính cả năm 2020 Hà Nội đã tuyên dương 1.879 thủ khoa xuất sắc, chỉ 10% trong số này (186 người) về làm việc tại các sở, ban ngành, quận, huyện, thị xã và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND của thành phố và trong quá trình công tác, nhiều nhân tài được tuyển dụng đã “rời đi”.
Theo ThS. Đào Thị Hồng Ngọc, giảng viên trường Đại học Thủ đô Hà Nội nhận định: “Có rất nhiều lý do khác nhau cho sự việc trên nhưng có thể kể tới nguyên nhân xuất phát từ chính sách hầu như chỉ tập trung vào việc thu hút nhân tài mà chưa quan tâm đến việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Tiêu chí xác định để tuyển dụng, thu hút nhân tài chủ yếu là thông qua bằng cấp, như: Tốt nghiệp đại học loại xuất sắc; có học vị tiến sĩ... mà chưa quan tâm đến những người có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn”.
Tại Hội thảo khoa học Tác động của Luật Thủ đô 2024 đến các trường đại học, cao đắng trên địa bàn thành phố Hà Nội do trường Đại học Thủ đô tổ chức, nhiều đại biểu cho rằng, Luật đã tạo động lực để Thủ đô thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao |
Đáng lưu ý, các đối tượng được tuyển dụng theo chính sách thu hút của thành phố không được hưởng thêm chính sách ưu đãi nào khác về lương và thu nhập so với các cán bộ, công chức, viên chức khác. Thực tế trên cho thấy chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài của thành phố chưa đủ sức hấp dẫn, về cơ bản chưa đáp ứng được mục tiêu như mong đợi.
Để giữ chân được nguồn nhân tài một cách lâu dài, ThS. Bùi Hồng Ngọc - Khoa Khoa học xã hội và nhân văn (trường Đại học Thủ đô Hà Nội) nhấn mạnh: “Cần có quỹ phát triển nhân tài, tạo cơ chế thông thoáng, vượt trội để nhân tài cống hiến cho Thủ đô và đất nước tốt hơn. Cụ thể về chính sách thu hút trọng dụng nhân tài có tính đặc thù, thiết thực, áp dụng được ngay để xây dựng Thủ đô trở thành một trung tâm giáo dục chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế”.
So với các phiên bản trước, Luật Thủ đô 2024 đã nâng cao mức lương cơ bản cho nhân tài, đặc biệt là các nhà khoa học và chuyên gia công nghệ cao. Theo Luật Thủ đô, Hà Nội sẽ cung cấp các gói lương thưởng cạnh tranh với thị trường quốc tế để thu hút các cá nhân tài năng từ khắp nơi trên thế giới.
Nổi bật là quy định Hội đồng nhân dân Thành phố được quyết định các chính sách ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt trình độ khu vực và quốc tế ở các ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô trong từng giai đoạn.
Luật Thủ đô 2024 không chỉ mang tính khả thi mà còn thể hiện tầm nhìn dài hạn trong việc thu hút và phát triển nhân tài, nguồn lực chất lượng cao. Hà Nội hoàn toàn có thể trở thành điểm đến lý tưởng cho những nhân tài và nguồn lực chất lượng cao khi thành phố này có những chính sách hấp dẫn và đồng bộ.
Đãi ngộ nhân tài
Không chỉ là một bước tiến quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, Luật Thủ đô năm 2024 còn là nền tảng vững chắc để thu hút và phát triển nhân tài, đáp ứng yêu cầu xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa và giáo dục hàng đầu của cả nước.
Một trong những điểm nổi bật của luật là các chính sách đãi ngộ và thu hút nhân tài được xây dựng một cách bài bản, nhằm tạo ra môi trường thuận lợi và bền vững cho những cá nhân xuất sắc.
Những quy định trong Luật Thủ đô 2024 sẽ giúp Hà Nội có nhiều chính sách đặc thù, tạo điều kiện cho người tài phát triển |
Nghiên cứu Luật Thủ đô 2024, ThS. Đào Thị Hồng Ngọc, giảng viên trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho rằng: “Sự thay đổi này giúp các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và khởi nghiệp có cơ hội phát triển mạnh mẽ, từ đó nâng cao năng suất lao động và đưa Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu của khu vực”.
Bên cạnh đó, Luật Thủ đô 2024 đã tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài quay trở về đóng góp cho đất nước, đồng thời thu hút được một lượng lớn chuyên gia quốc tế.
Điều này không chỉ giúp cải thiện nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn tăng cường sự hợp tác quốc tế, mở ra cơ hội hợp tác đa phương trong các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển. Vai trò của việc thu hút và giữ chân được nhân tài không chỉ giúp Hà Nội phát triển nhanh chóng mà còn đảm bảo tính bền vững về kinh tế và xã hội.
ThS. Bùi Hồng Ngọc, Khoa Khoa học xã hội và nhân văn (trường Đại học Thủ đô Hà Nội) cho hay: “Đặc biệt, giữ chân được người tài cũng như cần lưu ý đến một số điều kiện đảm bảo khác như xây dựng môi trường làm việc phù hợp, môi trường làm việc khuyến khích sự năng động, sáng tạo, đổi mới, tạo điều kiện cho người tài năng cống hiến và thăng tiến chính là yếu tố quyết định để giữ chân và phát huy tiềm năng của người tài.
Bởi lẽ, môi trường mà ở đó họ được khẳng định chính mình, bộc lộ năng lực, sở trường được tôn trọng và trọng dụng là điều quan trọng hơn cả đối với người tài, thậm chí còn có vai trò ý nghĩa quan trọng hơn cả chế độ đãi ngộ”.
Với những cải tiến về cơ chế và chính sách, Hà Nội đang trên đà trở thành một trung tâm thu hút nhân tài toàn cầu. Tác động của các chính sách này không chỉ giúp Thủ đô phát triển nhanh hơn mà còn tạo ra nền tảng vững chắc cho sự thịnh vượng lâu dài.