Tag
Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn đối thoại với đoàn viên, thanh niên "Khát vọng cống hiến, lẽ sống thanh niên"

Luôn coi khát vọng cống hiến là lẽ sống của thanh niên, tạo dòng chảy chung xây dựng một Việt Nam hùng cường

Đối thoại với Thanh niên 25/03/2022 14:02
aa
TTTĐ - Chiều 25/3, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn - đồng chí Nguyễn Anh Tuấn đối thoại trực tuyến với đoàn viên, thanh niên, thiếu nhi trong và ngoài nước với chủ đề “Khát vọng cống hiến, lẽ sống thanh niên”.
Đối thoại với Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn: Người trẻ đặt ra nhiều vấn đề nóng Khơi dậy trong thanh niên khát vọng xây dựng Thủ đô và đất nước hùng cường Cống hiến sức trẻ, làm giàu bản thân, vững vàng trưởng thành nhờ tình nguyện Thanh niên gửi gắm tâm tư, kiến nghị nhiều vấn đề nóng Văn nghệ sĩ, phóng viên trẻ hiến kế cho Đoàn

Đây là một trong những hoạt động trọng tâm của Tháng Thanh niên 2022, chào mừng kỷ niệm 91 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2022).

Tham dự buổi đối thoại có các đồng chí đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; Lãnh đạo các ban, đơn vị Trung ương Đoàn; Thường trực các Tỉnh, Thành đoàn, Đoàn trực thuộc và các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội.

Về phía Thành đoàn Hà Nội, đồng chí Chu Hồng Minh, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Thành ủy viên, Bí thư Thành đoàn và các đồng chí trong Thường trực Thành đoàn tham dự buổi đối thoại.

Chương trình được phát trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử Trung ương Đoàn, Báo điện tử Tiền Phong, Thanh Niên; Phát video trực tiếp qua Facebook trên trang “Thông tin Chính phủ”, các fanpage của các đơn vị trực thuộc Trung ương Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam; Fanpage và kênh Youtube của Báo Tiền phong, Báo Thanh Niên; Trang thông tin điện tử của các Tỉnh, Thành đoàn, Đoàn trực thuộc.

Báo Tuổi trẻ Thủ đô cũng tường thuật trực tiếp buổi đối thoại đến đông đảo đoàn viên, thanh niên thành phố và độc giả tại địa chỉ https://tuoitrethudo.com.vn.

Khát vọng cống hiến, lẽ sống thanh niên
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn

Buổi đối thoại là dịp để Ban Bí thư Trung ương Đoàn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải đáp thắc mắc và tiếp thu đề xuất, kiến nghị, hiến kế của đoàn viên, thanh niên, thiếu nhi trong và ngoài nước.

Khát vọng cống hiến, lẽ sống thanh niên
Đồng chí Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn đối thoại trực tuyến với đoàn viên, thanh niên, thiếu nhi trong và ngoài nước

14h10

Mở đầu chương trình, đồng chí Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn đã gửi lời chào, chúc mừng kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đến toàn thể đoàn viên, thanh niên cả nước. Khi nhiều bạn trẻ hỏi tìm trang Facebook của Bí thư Thứ nhất nhưng không thấy, anh Nguyễn Anh Tuấn thông báo đã không dùng mạng xã hội Facebook. Thông qua buổi đối thoại hôm nay, anh gửi lời chào thân ái tới các bạn trẻ.


14h15

Bạn Nguyễn Thành Trung, Bí thư Đoàn trường THPT Lương Phú, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, đặt câu hỏi: Trong thời gian tới, Trung ương Đoàn có những giải pháp gì để hỗ trợ đoàn viên, thanh niên trong các nhà trường tham gia nghiên cứu khoa học, xây dựng mô hình không gian sáng tạo trẻ, tạo ra nhiều sản phẩm mang tính trí tuệ, công nghệ cao của thanh niên, sinh viên?

Trả lời câu hỏi này, đồng chí Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Thời gian qua, tổ chức Đoàn đã phối hợp với các nhà trường tạo môi trường lý tưởng cho các bạn trẻ sáng tạo.

Trong đó, Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ học sinh, sinh viên trong học tập, nghiên cứu khoa học. Trong dịch vừa qua, chúng tôi đã có chương trình “Sóng và máy tính” do Chính phủ phát động; Xây trường, trang bị không gian sáng tạo trong trường, hỗ trợ học bổng và học liệu… để các bạn có điều kiện học tập tốt hơn. Bên cạnh đó, nội dung phương pháp giáo dục trong nhà trường cũng được đổi mới. Ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận và đổi mới trong dạy học, tiếp tục đổi mới phương pháp dạy phát huy năng lực người học.


14h25

Khát vọng cống hiến, lẽ sống thanh niên
Bạn Nguyễn Văn An, đồng sáng lập và Chủ tịch Công ty Cổ phần Sách và Hành động đặt câu hỏi với đồng chí Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn

Tại hội trường, bạn Nguyễn Văn An, đồng sáng lập và Chủ tịch Công ty Cổ phần Sách và Hành động - đơn vị chuyên thực hiện các dự án thư viện sách vì cộng đồng tại trường học, đặt câu hỏi: Xin anh hãy chia sẻ về những việc Đoàn Thanh niên sẽ triển khai để hỗ trợ học sinh, sinh viên trên con đường chinh phục đỉnh cao tri thức, nhất là việc đổi mới sáng tạo trong học tập và khởi nghiệp?

Đồng chí Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn cho biết: Sáng tạo phải có tri thức, hiểu biết về lĩnh vực đó. Chúng ta phải luôn đau đáu tìm ra giải pháp tối ưu hơn so với hiện tại. Nếu không tiếp thu tri thức của nhân loại sẽ khó sáng tạo.

Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn đối thoại với đoàn viên, thanh niên: Khát vọng cống hiến, lẽ sống thanh niên

Đầu tiên tôi nghĩ, tiếp tục hình thành, xây dựng phát triển văn hoá đọc cho bạn trẻ dù nền tảng số hay đọc giấy, hay sách nói, viết… Chúng ta phải có cơ chế, phương thức để kết nối mong muốn sáng tạo đó với nhau với các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thanh niên không thể tự sáng tạo một mình mà phải có tổ chức liên quan tham gia, giúp sức; Phải đặt hàng, kết nối những con người đó với nhau. Ở đây, chúng ta phải tổ chức được môi trường, phong trào để các bạn gặp gỡ, thi với nhau… từ đó tìm ra ý tưởng tốt nhất.

Theo tổng hợp của Ban Tổ chức, đến 14h30 hôm nay, chương trình đối thoại "Khát vọng cống hiến, lẽ sống thanh niên" đã có hơn 3.000 câu hỏi từ đoàn viên thanh niên gửi tới Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn.

Các vấn đề được bạn trẻ quan tâm: Những giải pháp để hỗ trợ đoàn viên thanh niên trong các nhà trường tham gia nghiên cứu khoa học, xây dựng mô hình không gian sáng tạo trẻ trong nhà trường, để tạo ra nhiều sản phẩm mang tính trí tuệ, công nghệ cao của thanh niên, sinh viên.

Làm thế nào để có thể cổ vũ tinh thần và khát vọng cống hiến của thanh niên Việt Nam đang công tác, học tập tại nước ngoài một cách mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả, thực chất hơn nữa, ngày càng có nhiều bạn thanh niên, sinh viên về nước làm việc để cống hiến trực tiếp nhiều hơn cho Tổ quốc.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, trong năm 2022 và những năm tiếp theo Trung ương Đoàn và các tổ chức của Thanh niên Việt Nam đã và đang có những chương trình, đề án, giải pháp gì để tiếp tục khơi dậy, cổ vũ và hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, tham gia phát triển kinh tế ở nước ta?

Bên cạnh đó, các bạn trẻ còn quan tâm Trung ương Đoàn sẽ có những hỗ trợ như thế nào để ý tưởng sáng tạo của Thanh niên được triển khai, thực hiện đi vào thực tế; Trung ương Đoàn sẽ có những phương án, định hướng như thế nào để phát huy vai trò của thanh niên trong việc đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, nhất là việc chuyển đổi số trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của đoàn viên thanh niên nông thôn; Tổ chức Đoàn sẽ có những giải pháp như thế nào để giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ Gen Z để họ cống hiến tài năng, làm giàu cho bản thân và cho Tổ quốc?


14h30

Bạn Thảo Nhi, đại diện Hội Sinh viên Việt Nam tại Singapore tham gia cuộc đối thoại hôm nay theo hình thức trực tuyến.

Khát vọng cống hiến, lẽ sống thanh niên
Bạn Thảo Nhi, đại diện Hội Sinh viên Việt Nam tại Singapore

Thảo Nhi đặt câu hỏi: Kính thưa anh, làm thế nào để có thể cỗ vũ tinh thần và khát vọng cống hiến của thanh niên Việt Nam đang công tác, học tập tại nước ngoài một cách mãnh mẽ hơn nữa, hiệu quả, thực chất hơn nữa, ngày càng có nhiều bạn thanh niên, sinh viên về nước làm việc để cống hiến trực tiếp nhiều hơn cho Tổ quốc?

Đối với câu hỏi này, anh Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ: Những người trẻ như bạn yên tâm với không gian số hiện nay thì ở đâu cũng có nhiều cơ hội đóng góp cho đất nước. Tuy nhiên, nếu bạn có cơ hội về nước thì đóng góp sẽ được trực tiếp, nhiều hơn và lan tỏa hơn.

Thời gian qua, tổ chức Đoàn đã phối hợp với Bộ Ngoại giao và Ủy ban quốc gia về người Việt Nam ở nước ngoài tạo những kênh kết nối. Hiện chúng tôi đã kết nối chuyển giao được gần 28 đề tài, ý tưởng của các bạn trẻ trong và ngoài nước với cơ chế hỗ trợ cho 4 nhóm ngành chuyên sâu trong đó có khoa học vũ trụ, khoa học con người…


14h40

Bạn Nguyễn Thị Thương, Bí thư Đoàn thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, đặt câu hỏi: Trong những năm gần đây rất nhiều học sinh THPT chưa định hướng được nghề nghiệp cho bản thân nên khi học xong các em thường chọn trường một cách đại khái. Tỷ lệ thanh niên học nghề vẫn chưa đáp ứng được số lượng và chất lượng. Do vậy, nhiều sinh viên ra trường không làm việc theo ngành đã đào tạo mà làm nghề khác…

Khát vọng cống hiến, lẽ sống thanh niên
Đồng chí Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn trả lời các bạn trẻ

Đồng chí Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn cho biết: Nhiều học sinh cấp 3 chưa định hình tương lai, đôi khi chọn nghề ngẫu nhiên hoặc theo bố mẹ… Vì thế tính định hướng nghề nghiệp không cao. Đa số bạn trẻ đổ xô vào ngành nghề hot, ra trường khó xin việc, không chịu đi học nghề.

Vì thế, hàng năm, tổ chức Đoàn luôn có các chương trình tư vấn, định hướng nghề nghiệp từ sớm nhưng chưa đáp ứng được hết nhu cầu thực tế.

Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục thực hiện các giải pháp: Hoàn thiện phần mềm trợ lý ảo để kiểm tra về xu hướng nghề nghiệp phù hợp với các bạn cuối cấp 2 và 3; Dự báo nghề nghiệp; Làm tốt công tác giới thiệu nghề nghiệp...


14h45

Bạn Hồ Xuân Vinh - Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021 trong lĩnh vực sản xuất đặt câu hỏi: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có nhiều tác động đến đời sống xã hội trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Xin anh cho biết, trong thời gian tới Đoàn Thanh niên có những giải pháp gì hỗ trợ thanh niên nông thôn tiếp cận, áp dụng các nội dung của cuộc cách mạng 4.0 trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm tăng giá trị hàng hóa sản phẩm, bảo vệ môi trường và tăng thu nhập?

Khát vọng cống hiến, lẽ sống thanh niên
Bạn Hồ Xuân Vinh - Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021 trong lĩnh vực sản xuất đặt câu hỏi tại chương trình đối thoại

Trả lời câu hỏi của Xuân Vinh, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn cho biết: Muốn chuyển đổi số thành công, phải kết nối được dữ liệu này với nhau. Trung ương Đoàn đang đẩy mạnh số hóa và trình Thủ tướng Chính phủ nâng cao năng lực số cho đoàn viên, thanh niên. Điều này rất quan trọng để thực hiện chuyển đổi số đúng với mục tiêu chung của đất nước.

Đồng chí Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn bày tỏ sự ấn tượng khi đọc hồ sơ của bạn Hồ Xuân Vinh, thạc sĩ quay trở về quê hương, ứng dụng công nghệ để lập nghiệp. Đây là hướng đi rất đúng, không để phụ phẩm nông nghiệp ảnh hưởng đến môi trường. Từ quả dứa, sơ sợi chuối ra sản phẩm công nghệ cao mà không ảnh hưởng đến môi trường.

Thời gian tới, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tiếp tục hỗ trợ thanh niên nông thôn tiếp cận, áp dụng các nội dung của cuộc cách mạng 4.0 trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao với nhiều giải pháp.

Thứ nhất, hỗ trợ thanh niên chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh; Truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp; đưa sản phẩm của thanh niên lên sàn thương mại điện tử; Tổ chức các Diễn đàn kết nối nông sản, kết nối thanh niên nông thôn trên nền tảng số; Xây dựng các gian hàng nông sản của thanh niên tham gia triển lãm thực tế ảo.

Thứ hai, tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao, ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; Ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng; Cách thức đăng ký, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản; Kỹ thuật chế biến và bảo quản nông sản, thực phẩm sạch.

Khát vọng cống hiến, lẽ sống thanh niên

Chia sẻ câu hỏi ngoài lề với các bạn thanh niên khi trả lời câu hỏi tại hiện trường, anh Nguyễn Anh Tuấn cho biết anh từng là học sinh chuyên Lý, mê thiên văn học. Anh được gia đình kỳ vọng lớn lên trưởng thành sẽ là thầy giáo nhưng bản thân lại chọn học Đại học Kinh tế quốc dân.

"Khát vọng khi còn nhỏ chưa thực sự rõ ràng nhưng lúc nào tôi cũng tâm niệm ngày hôm nay phải làm tốt hơn ngày hôm qua; Phải luôn trăn trở suy nghĩ để nỗ lực mỗi ngày. Đó cũng là cách thể hiện đam mê khát vọng của mình. Các bạn đừng suy nghĩ phải làm gì lớn lao chỉ cần làm tốt công việc của mình là nuôi dưỡng khát vọng cống hiến của mỗi người", Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn chia sẻ.

15h00

Phần thứ 2 của chương trình đối thoại được tiếp diễn với chủ đề “Lẽ sống thanh niên”.

Khát vọng cống hiến, lẽ sống thanh niên

Bạn Hồng Trường Trinh bắt đầu phần 2 với câu hỏi: Thế hệ Gen Z lớn lên trong sự bùng nổ của công nghệ kỹ thuật số. Điều này đã tạo ra những nhận thức mạnh mẽ của Gen Z về sức mạnh của thông tin, truyền thông đại chúng, trải nghiệm ảo và toàn cầu hóa.

Với đặc tính đề cao cái tôi và sự tự do cá nhân, yêu thích sự tự chủ kể cả trong cuộc sống lẫn tài chính, muốn vượt lên khẳng định mình... đôi lúc họ bị sao lãng trách nhiệm của bản thân đối với gia đình và trọng trách đối với Tổ quốc.

Xin đồng chí cho biết những đổi mới trong phương thức tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao lý tưởng cách mạng cho thế hệ Gen Z để họ cống hiến tài năng, làm giàu cho bản thân và cho Tổ quốc?

Theo Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn: Thời gian qua, rất nhiều bạn trẻ đã dấn thân trong các hoạt động phòng chống dịch COVID-19. Điều đó cho thấy khi xã hội cần, những thế hệ Gen Z biết đặt mình vào dòng chảy chung của đất nước.

Tổ chức Đoàn phải có trách nhiệm lớn hơn để các bạn Gen Z hòa vào dòng chảy chung đó. Vì vậy, việc thiết kế các hoạt động Đoàn như thế nào cho phù hợp là vấn đề sẽ được đưa vào dự thảo Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc nhiệm kỳ tới.

Khát vọng cống hiến, lẽ sống thanh niên

Anh Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ về ba phong trào lớn của Trung ương Đoàn đang được triển khai, với sự đổi mới mạnh mẽ sẽ làm cho các bạn Gen Z hòa mình vào dòng chảy chung của đất nước.

"Với thế hệ này chúng ta không giáo dục một chiều. Cán bộ Đoàn đừng nghĩ đến việc tuyên truyền cho thanh niên bằng cách mời Gen Z đến phòng hội trường, đóng cửa lại để nói những điều mình cần nói. Việc tuyên truyền phải 2 chiều, trong đó cán bộ không tổ chức thay cho các bạn thanh niên, giảm đi sự phát huy năng lực của các bạn trẻ.

Phải đưa Gen Z thành chủ thể trung tâm, anh chị cán bộ Đoàn làm nhiệm vụ dẫn dắt, định hướng, từ đó khơi dậy sự chủ động của các bạn, nhiệt huyết của thanh niên, làm cho Gen Z lớn lên trong dòng chảy đất nước, không để họ riêng lẻ".


15h10

Bác sĩ Lò Thị Thanh Hợp, Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, gửi câu hỏi đến chương trình qua hình thức trực tuyến: Là bác sĩ trưởng thành từ dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, tôi đã được Bộ Y tế tạo điều kiện cho học ngành Bác sĩ chuyên khoa I và sau đó được cử về công tác tại địa phương trong thời gian 2 năm.

Khát vọng cống hiến, lẽ sống thanh niên
Bác sĩ Lò Thị Thanh Hợp, Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên

Đối với y, bác sĩ trẻ vừa ra trường như chúng tôi, đảm nhận trọng trách tăng cường năng lực y tế cơ sở là một nhiệm vụ thiêng liêng. Công việc của chúng tôi đòi hỏi làm việc tại các trung tâm y tế xã vùng khó khăn, điều kiện vật chất vô cùng thiếu thốn nhưng có lẽ vấn đề lớn nhất với y, bác sĩ trẻ là sự hạn chế về trang thiết bị tại cơ sở, công nghệ thông tin và không có nhiều sự hướng dẫn từ những đàn anh và các thầy để nâng cao trình độ.

Điều này khiến cán bộ trẻ như tôi không đủ tự tin để công tác tại các bệnh viện tuyến trên. Bên cạnh đó, thu nhập hạn chế và không có nguồn thu thêm đôi lúc cũng là áp lực không nhỏ đối với các bác sĩ trẻ ở vùng sâu, vùng xa.

Hiện nay, Trung ương Đoàn đã có đề xuất chính sách đối với đội ngũ đặc thù này chưa và sẽ có những chính sách hỗ trợ gì để hỗ trợ chúng tôi thực hiện nhiệm vụ tại những nơi khó khăn của Tổ quốc?

Anh Nguyễn Anh Tuấn thay mặt tuổi trẻ cả nước gửi lời cảm ơn tới những người thầy thuốc như chị Hợp. Anh Tuấn nhấn mạnh: Để có được cuộc sống an bình như hôm nay có sự góp sức rất lớn của đội ngũ cán bộ y, bác sĩ trên cả nước.

Khát vọng cống hiến, lẽ sống thanh niên

Đồng chí Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn cho biết: Khó khăn lớn nhất của các bạn trẻ khi đi tình nguyện đến các vùng sâu, vùng xa làm việc là mai một nghề nghiệp. Bởi ở vùng sâu, vùng xa, các bạn khó có cơ hội được sử dụng trang thiết bị hiện đại, thực hiện những ca phẫu thuật chuyên sâu…

Vì vậy, Trung ương Đoàn sẽ phối hợp với các ngành để y, bác sĩ vùng sâu, vùng xa được thường xuyên học tập nâng cao trình độ. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ có các giải pháp tháo gỡ về mặt luân chuyển, đặc biệt sẽ có những kiến nghị cụ thể đối với Bộ Y tế trong chương trình phối hợp sắp tới.

Mặt khác, chúng tôi sẽ tích cực đẩy mạnh tuyên truyền bài trừ những hủ tục lạc hậu của người dân ở vùng sâu, vùng xa để họ có thể tự bảo vệ sức khỏe của mình. Những hoạt động gặp mặt, tuyên dương… sẽ được Trung ương Đoàn, Trung ương Hội, Hội Thầy thuốc trẻ phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế để chăm lo về cuộc sống, tinh thần cho các y, bác sĩ trẻ; Giúp bớt đi những thiệt thòi khi đi cống hiến chuyên môn của mình trong những năm tháng tuổi thanh xuân tại những nơi khó khăn, hẻo lánh…

Khát vọng cống hiến, lẽ sống thanh niên
Phóng viên các cơ quan báo chí tác nghiệp tại buổi đối thoại

15h20

Bạn Trần Thị Hà Thanh (từ Thành phố Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi: Việc sử dụng mạng xã hội trong việc kết nối và phát huy tình nguyện viên trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã đạt được những kết quả ban đầu tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng như nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước. Xin đồng chí Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn cho biết chủ trương của Trung ương Đoàn về việc đoàn kết, tập hợp thanh niên, tiếp tục phát huy tình nguyện viên đã tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong điều kiện mới?

Khát vọng cống hiến, lẽ sống thanh niên
Bạn Trần Thị Hà Thanh

Đồng chí Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn cho biết: Trong thời điểm cam go nhất khi Thành phố Hồ Chí Minh giãn cách xã hội toàn thành phố, vấn đề đi lại khó khăn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số cho phép kết nối lực lượng thanh niên với các y, bác sĩ.

“Tôi tham gia là người quan sát. Tôi rất ấn tượng với sự hỗ trợ của các bạn trẻ tại thành phố. Sau đó dịch bùng phát tại Hà Nội, các bạn trẻ lại có kết nối trực tuyến trong việc F0 khỏi bệnh hỗ trợ H0 điều trị tại nhà… Đây là phương thức tình nguyện mới, phù hợp với tình hình đại dịch COVID-19.

Phương thức này kết nối các cá nhân tình nguyện, tấm lòng tình nguyện, cách thức tình nguyện với nhau. Trong chiến dịch thanh niên tình nguyện hè sắp tới, phương thức tình nguyện này sẽ được triển khai mạnh mẽ hơn nữa.


15h25

Bạn Nguyễn Văn Chung, đến từ Vạn Ninh, Khánh Hòa, đặt câu hỏi: Chủ quyền biển đảo luôn là vấn đề được các bạn trẻ quan tâm, đặc biệt là tình hình Biển Đông.

Tuy nhiên, có một thực tế là các trang thông tin của Đoàn hiện nay chưa thấy đề cập nhiều và chưa đăng tải các thông tin một cách kịp thời để định hướng cho thanh niên. Vì vậy, nhiều bạn lại tiếp cận với những thông tin không chính thống, sai sự thật, thậm chí bị lôi kéo, kích động. Xin đồng chí hãy cho biết thêm về vấn đề này và giải pháp trong thời gian tới của Đoàn trong việc thông tin về tình hình biển đảo.

Anh Nguyễn Anh Tuấn cảm ơn bạn Chung đến từ cái nôi của biển đảo thiêng liêng. Anh Tuấn cho biết mình từng đặt chân đến quần đảo Trường Sa và khẳng định “Chưa có nhiều thông tin về Biển Đông đến thanh niên" - đây chưa phải là nhận định chính xác.

Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn cho biết thêm: Tôi rất vui khi nhận được câu hỏi này, vì nó một lần nữa khẳng định thanh niên nói riêng, tuổi trẻ nói chung luôn rực cháy tình yêu quê hương, đất nước, đặc biệt là vấn đề chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

Khát vọng cống hiến, lẽ sống thanh niên
Đại biểu Thành đoàn Hà Nội tham dự chương trình

Tôi có may mắn được ra thăm Quần đảo Trường Sa, được trực tiếp chứng kiến và chia sẻ với những cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ quốc; Hiểu thêm những khó khăn, gian khổ mà họ đã vượt qua. Vì vậy, cá nhân tôi cũng như các cấp bộ Đoàn đều hiểu rất sâu sắc rằng, tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển đảo là một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng của tổ chức Đoàn.

Cũng theo Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn: Muốn bảo vệ và xây dựng đất nước, mỗi thanh niên phải luôn nỗ lực học tập, rèn luyện, có bầu nhiệt huyết, sục sôi “Trái tim nóng và cái đầu lạnh” để có thể sáng suốt trước những thông tin không chính thống xuất hiện trên mạng xã hội.


15h35

Bạn Đồng Văn Hùng, chủ kênh fanpage, YouTube “Ẩm thực mẹ làm” đặt câu hỏi: Xin anh cho biết, hiện nay tổ chức Đoàn đang triển khai những nội dung gì nhằm phát huy vai trò của thanh niên trong xây dựng, quảng bá giá trị văn hóa, tâm hồn, bản sắc của người Việt Nam đối với quốc tế, nhất là trong kỷ nguyên số?

Khát vọng cống hiến, lẽ sống thanh niên
Bạn Đồng Văn Hùng đến từ Thái Nguyên - chủ kênh fanpage, YouTube “Ẩm thực mẹ làm”

Đồng chí Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Trong 35 năm đổi mới vừa qua, sự phát triển về văn hóa chưa tương xứng với phát triển về kinh tế; Có nhiều nơi văn hóa còn bị xem nhẹ.

Yêu cầu mới được đặt ra, làm sao để phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và hội nhập quốc tế. Tôi cho rằng, một quốc gia hùng cường không chỉ đo đếm bằng GDP cao hay thấp hay số tỷ phú nước mình có mà đo bằng giá trị và nền tảng văn hóa với các dân tộc trên thế giới.

Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn đối thoại với đoàn viên, thanh niên: Khát vọng cống hiến, lẽ sống thanh niên

Đây là mặt trận quan trọng mà tổ chức Đoàn quan tâm. Chính vì thế, sắp tới đây, Trung ương Đoàn sẽ phối hợp với một số cơ quan tổ chức diễn đàn “Chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên số”, xây dựng lề lối văn hóa trong Trung ương Đoàn.

Chúng ta không thể không am hiểu văn hóa dân tộc mà lại đứng lên nói chuyện về văn hóa cho thanh niên. Chúng ta phải là người có văn hóa và tổ chức chúng ta phải là tổ chức có văn hóa, thể hiện trong tác phong, lề lối của mỗi người.

"Tới đây có nhiều hoạt động về giáo dục văn hóa cho thanh niên do Đoàn đảm nhận; Trong đó có hoạt động giao lưu, tổ chức cuộc thi khởi nghiệp công nghiệp văn hóa để giới trẻ thể hiện mình trong việc giữ gìn, khai thác lan tỏa giá trị văn hóa Việt", Anh Tuấn cho biết.

15h45

Bạn Nguyễn Thị Ngọc Hà (nghệ danh Hà MyO), Gương mặt trẻ triển vọng năm 2021 đặt câu hỏi: Hiện nay, giới trẻ đang không mặn mà với âm nhạc dân tộc. Bao năm qua chúng ta cũng nhắc nhiều đến việc bảo tồn âm nhạc dân tộc bằng việc tổ chức các lớp dạy âm nhạc dân tộc miễn phí, biểu diễn âm nhạc tại các tụ điểm, phố đi bộ hoặc đưa âm nhạc vào nhà trường nhưng thực trạng chung vẫn chưa đạt được kỳ vọng như mong muốn.

Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn đối thoại với đoàn viên, thanh niên: Khát vọng cống hiến, lẽ sống thanh niên
Bạn Nguyễn Thị Ngọc Hà (nghệ danh Hà MyO)

Xin anh cho biết, trong thời gian tới Trung ương Đoàn sẽ thực hiện những giải pháp nào để đồng hành, hỗ trợ thanh thiếu nhi tham gia giữ gìn và phát huy bảo tồn âm nhạc dân tộc, nhất là trong bối cảnh nước ta đang muốn thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Câu hỏi được Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Tường Lâm trả lời.

Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn đối thoại với đoàn viên, thanh niên: Khát vọng cống hiến, lẽ sống thanh niên
Đồng chí Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Tường Lâm

Anh Tường Lâm cho biết: Thời gian tới, Trung ương Đoàn phối hợp với VTV tổ chức nhiều cuộc thi để tuyên truyền văn hóa tới các bạn trẻ.

Trên không gian mạng, văn hóa là không biên giới. Thông qua diễn đàn này, thanh niên sẽ gửi gắm những kiến nghị đối với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng thời lắng nghe những giải pháp, hiến kế của các bạn để phát huy văn hóa truyền thống.

Bên cạnh đó, Trung ương Đoàn có Câu lạc bộ Nghệ sĩ trẻ và mong muốn nhận được sự quan tâm của các bạn trẻ cả nước để cùng giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc ta.


15h55

Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn đối thoại với đoàn viên, thanh niên: Khát vọng cống hiến, lẽ sống thanh niên
Ca sĩ Tùng Dương

Ca sĩ Tùng Dương đặt câu hỏi: Tuổi trẻ thẩm thấu nhanh những mặt tiêu cực và tích cực của văn hóa. Mong Trung ương Đoàn có thể đưa ra những phương hướng phù hợp nhằm chỉ lối dẫn đường cho thanh niên Việt Nam tiếp thu những điều tích cực và bài trừ những mặt tiêu cực?

Bí thư Thư nhất Trung ương Đoàn khẳng định: Cứ học tập và làm theo Bác chúng ta sẽ trở thành những người có văn hóa, từ đó sẽ có tấm gương học tập và làm theo lời Bác trong thanh thiếu nhi.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng củng cố, tổ chức lại tổ chức bộ máy Câu lạc bộ Văn nghệ sĩ trẻ; Đồng thời tổ chức liên hoan văn nghệ sĩ trẻ. Đặc biệt phải có “khởi nghiệp văn hóa” mới tác động vào nhận thức của thanh thiếu nhi và người dân, từ đó định hình và phát triển văn hóa truyền thống.


16h00

Tại phần thứ 3 của chương trình đối thoại với chủ đề “Tự hào tiến bước”, bạn Nguyễn Phúc Bình, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Australia chia sẻ: Tôi là sinh viên đang theo học ở Úc, rất xa Châu Âu, nơi đang xảy ra những diễn biến quân sự đặc biệt giữa Liên bang Nga - Ukraine và các quốc gia phương Tây.

Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn đối thoại với đoàn viên, thanh niên: Khát vọng cống hiến, lẽ sống thanh niên
Bạn Nguyễn Phúc Bình (đứng phát biểu), Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Australia

Trong những ngày qua, tôi đã được chứng kiến hình ảnh người trẻ Việt Nam tại Châu Âu giúp đồng bào di tản khỏi Ukraine trên các website, trang mạng xã hội. Vì vậy, tại cuộc đối thoại ngày hôm nay, tôi rất muốn bày tỏ sự cảm kích, trân trọng của mình cũng như thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Úc trước tinh thần tình nguyện, xung kích của các bạn thanh niên, sinh viên Việt Nam tại các nước Châu Âu, cũng như tỏ lòng cảm kích trước Trung ương Đoàn, các tổ chức Đoàn, Hội ngoài nước trong việc điều phối thanh niên, sinh viên Việt Nam tại các nước hỗ trợ bà con di tản.

Qua đây, mỗi thanh niên cũng cảm thấy bản thân cần phải nâng cao tinh thần đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, “lá lành đùm lá rách”, không chỉ ở những nơi khó khăn mà còn ở chính cộng đồng người Việt nơi mình đang sinh sống và học tập; Từ đó, xây dựng một cộng đồng người Việt Nam yêu thương, đoàn kết, cùng nhau phát triển.

Với chia sẻ của bạn Nguyễn Phúc Bình, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Chúng ta rất xúc động với sự quan tâm của cộng đồng với kiều bào ở ngoài nước, nhất là trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Những hoạt động này cho thấy tấm lòng của kiều bào luôn hướng về Tổ quốc. Với tinh thần “không để ai bị bỏ bị bỏ lại phía sau”, Đảng, Nhà nước cũng tổ chức nhiều chuyến bay đón kiều bào về nước.

Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn cũng mong muốn các cấp bộ Đoàn sẽ kết nối với sinh viên ngoài nước để có những chia sẻ, hỗ trợ kịp thời cộng đồng kiều bào.


16h15

Bạn Vũ Thị Minh (ở Hòa Mạc, Duy Tiên, Hà Nam) đặt câu hỏi: Xin đồng chí cho biết những đột phá quan trọng trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trong nhiệm kỳ 2022 - 2027 của Đoàn ta nhằm khơi dậy khát vọng cống hiến của thanh niên? Để thực hiện được những đột phá đó, cán bộ Đoàn các cấp cần trang bị những kỹ năng, kiến thức nào?

Câu hỏi này được đồng chí Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy giải đáp.

Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn đối thoại với đoàn viên, thanh niên: Khát vọng cống hiến, lẽ sống thanh niên
Đồng chí Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy (giữa ảnh)

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nói đến giấc mơ đó là khát vọng phát triển đất nước sánh vai cường quốc năm châu: Việt Nam trở thành một nước xã hội chủ nghĩa phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, khi nước Việt Nam mới tròn 100 năm. Như vậy, khát vọng phát triển đất nước đã được Đảng ta gọi tên: Phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc; Nhiệm vụ tiếp theo của thanh niên là dấn thân theo ngọn cờ của Đảng.

Để thực hiện được được đột phá này, đội ngũ cán bộ Đoàn phải có tinh thần ham học hỏi, cầu tiến bộ, không ngừng tu dưỡng rèn luyện bản thân về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực công tác…

Yêu cầu phát triển mới của đất nước đòi hỏi người cán bộ Đoàn phải luôn tiên phong, có tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, năng động và sáng tạo, luôn sẵn sàng gạt bỏ cái tôi sang một bên vì lợi ích chung, luôn đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của Đảng, của Đoàn lên trên lợi ích cá nhân.


16h25

Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn đối thoại với đoàn viên, thanh niên: Khát vọng cống hiến, lẽ sống thanh niên
Bạn Huỳnh Ngọc Anh Thy, Chủ tịch Hội đồng Trẻ em tỉnh Bến Tre

Bạn Huỳnh Ngọc Anh Thy, Chủ tịch Hội đồng Trẻ em tỉnh Bến Tre đặt câu hỏi: Tỉnh Bến Tre thành lập Hội đồng Trẻ em từ năm 2018, đến nay, được sự quan tâm của cô chú lãnh đạo, anh chị Đoàn Thanh niên và Hội đồng Đội tỉnh, Hội đồng Trẻ em tỉnh đã tổ chức được các kỳ họp định kỳ, tiếp xúc cử tri nhí, đối thoại với cô chú Hội đồng Nhân dân tỉnh, dự họp Hội đồng Nhân dân tỉnh, được tham gia các Đoàn giám sát Luật Trẻ em...

Qua các hoạt động đó, ý kiến của trẻ em được quan tâm nhiều hơn, cô chú cũng chỉ đạo thực hiện các kiến nghị của Hội đồng trẻ em như xây dựng nhà thiếu nhi cấp huyện, kế hoạch giảm tình trạng trẻ em tham gia lao động...

Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn đối thoại với đoàn viên, thanh niên: Khát vọng cống hiến, lẽ sống thanh niên

Với các kết quả đó, em nhận thấy Hội đồng trẻ em đang là mô hình có lợi cho trẻ em. Em xin được hỏi anh, trong thời gian tới, Trung ương Đoàn sẽ có định hướng gì để tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình Hội đồng trẻ em trên toàn quốc để các bạn thiếu nhi có thêm nhiều diễn đàn bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình? Em rất mong Hội đồng Trẻ em sẽ tiếp tục được duy trì và có nhiều hoạt động bổ ích hơn cho trẻ em Việt Nam.

Trả lời câu hỏi của Anh Thy, đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương cho biết: Hội đồng trẻ em là mô hình được Trung ương Đoàn giao cho Hội đồng Đội Trung ương xây dựng và triển khai từ năm 2017 nhằm thực hiện Quyết định số 1235 ngày 3/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em.

Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn đối thoại với đoàn viên, thanh niên: Khát vọng cống hiến, lẽ sống thanh niên
Đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương

Kết quả, từ 5 mô hình thí điểm ban đầu, đến nay, cả nước đã xây dựng được 14 mô hình Hội đồng trẻ em cấp tỉnh, 28 mô hình cấp huyện và 2 mô hình cấp xã. Thông qua các kỳ họp, đã có hơn 12.000 ý kiến của các em được tổng hợp từ cơ sở gửi tới các cấp lãnh đạo.

Đây thực sự là diễn đàn hiệu quả, chính thống để các em có thể gửi gắm, khơi gợi tốt hơn tiếng nói, nguyện vọng về các vấn đề của các em; Từ đó, giúp chính quyền địa phương đề ra các quyết sách xác thực, chính đáng hơn dành cho các em.

Thông qua sinh hoạt của mô hình, trẻ em được nâng cao kỹ năng, phương pháp, hoàn thiện bản thân. Từ mô hình và triển khai thực tế tại cơ sở đã tạo sự quan tâm, tinh thần trách nhiệm của các cấp Bộ, ban, ngành và chính quyền địa phương, các đơn vị, giúp các cơ quan Trung ương và địa phương giải quyết vấn đề một cách chặt chẽ, căn cơ hơn.


16h30

Kết thúc chương trình đối thoại, đồng chí Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn gửi gắm thông điệp đến đoàn viên, thanh thiếu niên cả nước.

Luôn coi khát vọng cống hiến là lẽ sống của thanh niên, tạo dòng chảy chung xây dựng một Việt Nam hùng cường
Đồng chí Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn gửi gắm đến đoàn viên, thanh niên, thiếu nhi trong và ngoài nước luôn coi khát vọng cống hiến là lẽ sống của mình để tạo dòng chảy chung xây dựng một Việt Nam hùng cường

Thông qua chương trình này, chúng tôi muốn nhắn gửi tới các bạn trẻ thông điệp: Thanh niên là độ tuổi đang trưởng thành và giàu sức sáng tạo, ước mơ. Đây cũng là chủ đề của đợt sinh hoạt chính trị lớn toàn Đoàn triển khai trong 5 năm tới để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khoá XIII.

Thông qua đó, tôi mong muốn mỗi thanh niên hãy luôn coi khát vọng cống hiến là lẽ sống của mình, để không ngừng rèn luyện, phấn đấu. Khát vọng đó là định hướng cao đẹp để mỗi bạn trẻ nỗ lực phấn đấu không ngừng, hàng ngày qua từng công việc của mình, qua học tập, nghiên cứu...

Luôn coi khát vọng cống hiến là lẽ sống của thanh niên, tạo dòng chảy chung xây dựng một Việt Nam hùng cường
Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn cùng các đại biểu tham dự buổi đối thoại

Tôi tin rằng, mỗi người coi khát vọng cống hiến cho đất nước là lẽ sống của mình thì các bạn sẽ làm tốt công việc, giúp mình trưởng thành và tìm cách đóng góp cho cộng đồng, chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn nhiều hơn. Thông qua chia sẻ với cộng đồng, hình thành lẽ sống tốt đẹp, tạo dòng chảy chung để xây dựng một Việt Nam hùng cường.

Đọc thêm

Để Hà Nội thu hút nhân tài trong “kỷ nguyên số”... Đại hội HLHTN VN TP Hà Nội lần thứ VIII

Để Hà Nội thu hút nhân tài trong “kỷ nguyên số”...

TTTĐ - Tại chương trình Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đối thoại với thanh niên Thủ đô diễn ra chiều 14/10, nhiều đại biểu thanh niên đã nêu ý kiến, đề xuất, hiến kế vào vấn đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài trong “kỷ nguyên số”, góp sức xây dựng "Hà Nội văn minh, hiện đại".
Người trẻ đi đầu trong xây dựng Hà Nội xanh Đối thoại với Thanh niên

Người trẻ đi đầu trong xây dựng Hà Nội xanh

TTTĐ - Trong khuôn khổ Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2024- 2029, chiều 14/10, diễn ra chương trình đối thoại của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh với đoàn viên, thanh niên.
8.956 lượt thanh niên được vay 447 tỷ đồng để sản xuất kinh doanh Đối thoại với Thanh niên

8.956 lượt thanh niên được vay 447 tỷ đồng để sản xuất kinh doanh

TTTĐ - Qua 1 năm triển khai thực hiện kết luận Hội nghị đối thoại của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội với đoàn viên, thanh niên đã đạt được những kết quả cụ thể. Trong đó, 8.956 lượt thanh niên được vay 447 tỷ đồng để sản xuất kinh doanh và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội đối thoại với thanh niên Thủ đô Đối thoại với Thanh niên

Chủ tịch UBND TP Hà Nội đối thoại với thanh niên Thủ đô

TTTĐ - Chiều 14/10, tại Cung Thiếu nhi Hà Nội (quận Nam Từ Liêm - Hà Nội), trong khuôn khổ Đại hội VIII Hội LHTN Việt Nam TP Hà Nội, đồng chí Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội gặp mặt và đối thoại với thanh niên Thủ đô.
Thêm nhiều cây xanh, làm hồi sinh những dòng sông Hà Nội Nhịp sống trẻ

Thêm nhiều cây xanh, làm hồi sinh những dòng sông Hà Nội

TTTĐ - Thủ đô Hà Nội có định hướng chiến lược trở thành TP “Xanh-Thông minh-Hiện đại” vào năm 2030 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII. Vì thế, việc tạo thêm không gian xanh cho thành phố là điều cần thiết và được nhiều bạn trẻ mong muốn, kỳ vọng trước những quyết sách của TP Hà Nội.
"Đòn bẩy" giúp thanh niên khuyết tật Thủ đô tự tin toả sáng Đối thoại với Thanh niên

"Đòn bẩy" giúp thanh niên khuyết tật Thủ đô tự tin toả sáng

TTTĐ - Với hơn 3.000 hội viên sinh hoạt ở 23 câu lạc bộ thanh niên khuyết tật các quận, huyện, thị xã và 3 câu lạc bộ sinh hoạt theo sở thích, Hội Thanh niên khuyết tật Hà Nội là “mái nhà chung” chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ quyền lợi cho các hội viên; động viên, giáo dục thanh niên khuyết tật xóa bỏ mặt cảm, tích cực tham gia các hoạt động, đóng góp cho cộng đồng.
Thực hiện bình đẳng giới đối với phụ nữ và trẻ em Đối thoại với Thanh niên

Thực hiện bình đẳng giới đối với phụ nữ và trẻ em

TTTĐ - Trong 5 năm qua (2019 - 2024), thông qua các phong trào, chương trình ý nghĩa của Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam thành phố Hà Nội đã góp phần thúc đẩy bình đẳng giới. Bên thềm đại hội, nhiều bạn trẻ, thanh niên của Thủ đô đã gửi gắm nhiều kỳ vọng tới đại hội, nhất là về vấn đề bình đẳng giới.
TP Hồ Chí Minh: Lắng nghe thanh niên góp ý xây dựng thành phố Đối thoại với Thanh niên

TP Hồ Chí Minh: Lắng nghe thanh niên góp ý xây dựng thành phố

TTTĐ - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cùng lãnh đạo các Sở, ngành, Thành đoàn thành phố đã có buổi đối thoại, lắng nghe ý kiến của 150 đại biểu thanh niên để xây dựng thành phố.
Thêm tiếng nói, góc nhìn của thế hệ trẻ Đối thoại với Thanh niên

Thêm tiếng nói, góc nhìn của thế hệ trẻ

TTTĐ - Sáng 11/10, quận Đống Đa tổ chức hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND quận với thanh niên trên địa bàn năm 2024. Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Thanh Tùng chủ trì hội nghị.
Ngày 14/10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội sẽ đối thoại với thanh niên Đối thoại với Thanh niên

Ngày 14/10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội sẽ đối thoại với thanh niên

TTTĐ - Hội nghị đối thoại được tổ chức trong chương trình Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2024-2029, tại phiên thứ I.
Xem thêm