Mãi trân trọng, biết ơn những con người thời hoa đỏ
Đó là những chia sẻ của PGS.TS Phạm Quang Long, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tại tọa đàm trực tuyến gặp mặt nhân chứng lịch sử “Tiếp nối truyền thống - Vững bước tương lai” diễn ra ngày 25/9, tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận Hoàn Kiếm (33 Nhà Chung, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Chương trình hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, do UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp với Thành đoàn Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức.
8 lần tiễn bạn ra chiến trường
PGS.TS Phạm Quang Long, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội xúc động kể, trên từ đường nhà ông có 3 bàn Mẹ Việt Nam Anh hùng, bà nội ông có hai con liệt sỹ, em dâu bà nội ông có chồng và con liệt sỹ. Mẹ ông có chồng và con trai là liệt sỹ. Lúc còn nhỏ, ông chưa có ý thức nhiều về chiến tranh nhưng ông thấy được cái khổ vô cùng.
PGS.TS Phạm Quang Long, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chia sẻ tại tọa đàm |
“Năm 16 tuổi, tôi giống như nông dân, biết làm tất cả mọi công việc đồng áng. Chúng tôi buộc phải lớn hơn trước tuổi, phải trưởng thành sớm hơn, phải quyết định tất cả mọi vấn đề của đời sống vì không biết hỏi ai. Lúc tiễn anh trai đi chiến trường, anh nói với tôi hai câu: Cố mà nuôi mẹ và cố mà học. Lúc đó tôi cũng không hiểu học để làm gì nhưng không đi học thì không biết làm gì”, ông Long nói.
Ông bắt đầu ý thức về chiến tranh từ năm 1966. Lúc đó, ông học lớp 7, máy bay Mỹ ném bom tại trường cấp 2 Thụy Dân, 30 bạn học cùng khóa với ông chết hết, trong đó có 12 bạn nữ và cô giáo chủ nhiệm lúc chết còn ôm một bạn học sinh nữ trong lòng. Sau trận bom đó, hiệu trưởng phát điên vì thương học trò quá.
“Đến năm 1970, tôi nhận thấy chiến tranh thực sự khốc liệt khi nhận được tin báo tử của anh trai tôi. Mẹ tôi sau đó trở nên khác, bà sống bằng quá khứ, chỉ kể những câu chuyện về anh tôi”, ông Long nghẹn lời.
Ngày 6/9/1971, ông tiễn các bạn ra chiến trường, nhìn lớp học vắng đi khi lớp có 82 người mà 21 người đi bộ đội, các bạn gái khóc, còn chúng tôi day dứt lắm. Ông nhẩm đếm đến năm 1975 có 8 lần tiễn lứa bạn ra chiến trường.
“Chiến tranh, mất mát với tôi là điều không thể tránh được của một giai đoạn lịch sử. Khi bác Vịn, bác Thịnh kể lại về những ngày ra chiến trường, tôi rất xúc động vì đã từng sống trong thời chiến tranh. Tôi mãi mãi biết ơn những năm tháng ấy, những con người thời kỳ ấy, họ vượt qua thử thách. Tôi nhìn họ, sống và đến giờ hơn 70 tuổi vẫn thấy tự hào”, PGS.TS Phạm Quang Long nhấn mạnh.
Bền chí sẽ đi đến đích
Nhìn lại một chặng đường lịch sử 70 năm qua, kể từ ngày Thủ đô giải phóng, Hà Nội hôm nay đã mang một diện mạo năng động, tươi mới, hiện đại. PGS.TS Phạm Quang Long, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội kể, cách đây gần 20 năm trong một hội thảo về Hà Nội, ông có viết một bài báo “Hà Nội dưới góc nhìn của một nhà quê”.
Ông là người ở quê và có hơn 8 năm sống, công tác tại Hà Nội. Bài viết có một cái nhìn đối sánh của người nhà quê về người Hà Nội gốc với rất nhiều điều hay.
Các diễn giả tại tọa đàm |
"Chiều ngày tất niên năm 1945 không ít nhà cúng gia tiên rồi mang cỗ ra ngoài cửa để mời mọi người đi qua đường cùng chia vui, hưởng niềm vui Tết độc lập đầu tiên. Tôi nghĩ rằng đó là truyền thống, là lịch sử. Chủ đề của tọa đàm “Tiếp nối truyền thống - Vững bước tương lai” rất hay. Nếu không biết mình là ai, không biết quá khứ là gì thì chắc chắn bước đi đến tương lai sẽ chệch choạc”, ông Long nói.
Hiện nay, trên mạng xã hội có rất nhiều tin tức, có đúng có sai. Ông Long cho rằng, các bạn trẻ không được mơ hồ về nhận thức. Từ những chuyện nhỏ nhất mà không xác định được ranh giới giữa đúng sai thì hành động dễ sai lệch.
“Tôi vô cùng tin các bạn trẻ. Tuổi trẻ dũng cảm, dám nghĩ, dám làm. Đâu cần thanh niên có, đâu khó thanh niên đi đầu. Các bạn có bản lĩnh, khát vọng và quyết tâm nhưng để có được bản lĩnh sống với đời cần có sự nhận thức sâu sắc qua năm tháng, sự dũng cảm vượt qua những hấp dẫn, tưởng dễ dàng để sống đúng.
Các bạn thời nay sống khác chúng tôi, có ưu thế hơn, tương lai sáng ngời hơn nhưng tôi vẫn mong các bạn rèn luyện nhiều hơn, bản lĩnh hơn và ý thức công dân tốt hơn”, ông Long nhắn nhủ.
PGS.TS Phạm Quang Long đúc kết, truyền thống là một phần tất yếu của cuộc sống, là hành vi, giá trị lặp đi lặp lại trở thành nét nổi bật. Truyền thống cũng có những lúc không phù hợp nữa nhưng lựa chọn cái gì gần với đời sống, có tính nhân văn thì không thể sai được.
“Nhìn lại quá trình phát triển, tôi vẫn mong Hà Nội phát triển hơn nữa. Nhưng tôi tin, bền chí sẽ đi đến đích”, ông Long nhấn mạnh.