Mong muốn các tác phẩm văn học tôn vinh những đóng góp của giai cấp công nhân
Thể lệ Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, Công đoàn |
Cụ thể, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ: "Đây là cuộc thi rất cần thiết. Triển vọng của cuộc thi sẽ thu hút sự quan tâm của người viết, tạo dòng chảy mạnh trong văn học Việt Nam mà ở đó người lao động, công nhân, nhất là ở lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, và tổ chức Công đoàn sẽ là nhân vật văn học có vị trí trung tâm”.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương nhấn mạnh tới mong muốn các tác phẩm văn học từ cuộc thi sẽ cổ vũ, tôn vinh những đóng góp của giai cấp công nhân, người lao động - lực lượng đông đảo có vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước cũng như vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng, nâng đỡ, động viên người lao động.
Lễ phát động cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, Công đoàn đã diễn ra ngày 23/11 tại Hà Nội |
Đã có một thời dòng văn học về đề tài công nhân, người lao động đã phát triển mạnh mẽ, tạo nên hàng trăm tên tuổi nhà văn nổi tiếng của nước nhà với nhiều tác phẩm cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Qua thời gian, đặc biệt sau đổi mới, vai trò người lao động, người công nhân "hơi lùi lại", "ra bên rìa ngoại biên" dù trước đó rất mạnh mẽ.
"Do đó, Hội Nhà văn thống nhất cần có công việc, kế hoạch đưa người lao động trở lại thành một trong những nhân vật trung tâm của văn học cùng với những nhân vật khác", nhà văn Nguyễn Bình Phương nói.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương phát biểu tại buổi lễ |
Chủ trì tại buổi lễ phát động cuộc thi có đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Nhà văn Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Ông Nguyễn Ngọc Hiển - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổng Biên tập báo Lao Động. Đây là cuộc thi do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp một số ban Đảng Trung ương và bộ liên quan chỉ đạo; Báo Lao Động phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam trực tiếp tổ chức thực hiện nhằm thiết thực chào mừng Hội nghị văn hóa năm 2021 sẽ diễn ra vào ngày 24/11.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đánh giá cao sáng kiến tổ chức cuộc thi của báo Lao Động. Trong nhiều năm qua, mảng đề tài văn học viết về người lao động, công nhân, Công đoàn, nhất là những người lao động di cư làm việc tại các khu công nghiệp, cuộc sống người lao động trước tác động của dịch Covid-19… còn rất thiếu.
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu dẫn ra hoàn cảnh của một lao động sáng chạy hoá chất, chiều về đi làm chỉ vì cần tiền để nuôi con, phụ giúp bố mẹ để thấy rõ dù là lực lượng quan trọng làm ra của cải vật chất cho xã hội nhưng lại đang gặp rất nhiều khó khăn. Qua đó thấy được đây là một mảng đề tài phong phú. Người công nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã rất khác. Bên cạnh đó, tổ chức Công đoàn cũng đang nỗ lực đổi mới để thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn vai trò của mình đối với đoàn viên, người lao động.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại buổi lễ |
Cùng với việc thúc đẩy phong trào sáng tác văn học về đề tài công nhân, Công đoàn, việc tổ chức Cuộc thi còn góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, là hoạt động thiết thực, cụ thể nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị, về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, triển khai tinh thần, nhiệm vụ Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, chào mừng Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hy vọng thông qua các tác phẩm văn học giúp xã hội nhìn nhận đầy đủ, chia sẻ và thấu hiểu đời sống, vai trò, vị trí của người công nhân và giai cấp công nhân trong bối cảnh tình hình mới; đánh giá đúng vai trò, đóng góp của tổ chức Công đoàn Việt Nam đối với người lao động và đất nước.
Cuộc thi diễn ra trong 2 năm. Thời hạn nhận bài từ tháng 11/2021 đến hết tháng 8/2023. Lễ tổng kết và trao giải dự kiến vào quý IV.2023 - dịp Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Tác phẩm tham dự cuộc thi bao gồm tiểu thuyết, truyện ngắn và sẽ được lựa chọn đăng tải trên các ấn phẩm của báo Lao Động và Hội Nhà văn Việt Nam.
Đối với tiểu thuyết, Ban Tổ chức trao 1 giải Đặc biệt trị giá 400 triệu đồng, 1 giải Nhất 300 triệu đồng, 2 giải Nhì mỗi giải 150 triệu đồng, 3 giải Ba mỗi giải 100 triệu đồng…
Với truyện ngắn, cuộc thi có 1 giải Đặc biệt trị giá 200 triệu đồng, 1 giải Nhất 150 triệu đồng, 2 giải Nhì mỗi giải 100 triệu đồng, 3 giải Ba mỗi giải 50 triệu đồng…
Ban Tổ chức sẽ trao thêm giải phụ cho tác giả trẻ, tác phẩm được yêu thích nhất…
Tổng giải thưởng chính thức của Cuộc thi lên tới khoảng 2,5 tỷ đồng chủ yếu sẽ được xã hội hóa. Ngoài ra, Ban Tổ chức sẽ trao một số giải chuyên đề khác.
Hội đồng Sơ khảo và Chung khảo của cuộc thi gồm những nhà văn có uy tín chuyên môn của Hội Nhà văn Việt Nam, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, báo Lao Động.
Xây dựng nền văn học đô thị để Hà Nội xứng tầm nghìn năm phát triển |
Hà Nội - những mạch nguồn vô tận cho tác phẩm văn học |
Hai tác giả Việt Nam giành Giải thưởng văn học ASEAN |