Một cửa quốc gia và giám sát tự động tại sân bay quốc tế Nội Bài: Bước chuyển từ quản lý thủ công sang điện tử
Thay đổi phương thức quản lý từ thủ công sang điện tử
Sân bay quốc tế Nội Bài đã được Tổng cục Hải quan lựa chọn triển khai thí điểm Cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không; Hệ thống quản lý, giám sát tự động và Cục Hải quan Hà Nội được chỉ định là đơn vị đầu tiên triển khai. Sau quá trình triển khai thí điểm và từng bước hoàn thiện, hệ thống giám sát tự động đã giúp thay đổi căn bản phương thức quản lý. Thay vì tất cả các thông tin (trừ thông tin hành khách) chỉ sử dụng bản giấy thì nay các thông tin, dữ liệu đều được cập nhật và chia sẻ trên dữ liệu điện tử, thông qua hệ thống một cửa quốc gia.
Đến nay, 100% hãng hàng không đã gửi thông tin tới Cổng thông tin một cửa quốc gia theo quy định. Tỷ lệ thiết lập tự động thông tin hàng hóa dự kiến xếp dỡ đưa qua khu vực giám sát ổn định và đạt trên 95%. Tỷ lệ hàng hóa được quản lý, giám sát qua hệ thống đạt 99,9%.
Sân bay Quốc tế Nội Bài đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin |
Hệ thống một cửa quốc gia và Hệ thống quản lý, giám sát tự động hải quan tại sân bay Nội Bài được triển khai sẽ thay đổi căn bản phương thức quản lý từ thủ công sang điện tử. Sự thay đổi này dựa trên việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế.
Cụ thể, với việc triển khai thí điểm Hệ thống một cửa quốc gia đường hàng không và Hệ thống quản lý, giám sát tự động đáp ứng mục tiêu thay đổi phương thức quản lý từ thủ công sang phương thức quản lý trên dữ liệu điện tử. Điều này nhằm đảm bảo kết nối thông tin giữa 3 khâu trước, trong thông quan và đưa hàng qua khu vực giám sát.
Hệ thống CNTT đồng bộ tạo nên môi trường làm việc điện tử, doanh nghiệp có thể tương tác với hệ thống mọi lúc, mọi nơi; Kiểm soát, theo dõi hàng hóa đưa vào, đưa ra và tồn đọng của kho hàng không. Đặc biệt, cơ chế quản lý rủi ro sẽ được áp dụng xuyên suốt quá trình quản lý, giám sát hàng hóa để kiểm soát, theo dõi được việc khai báo các chỉ tiêu thông tin của các hãng hàng không.
Thực tế, từ khi áp dụng chính thức hệ thống một cửa quốc gia và giám sát tự động, thời gian kiểm tra, giám sát, thông quan mỗi lô hàng từ 3 - 6h giảm xuống trung bình dưới 10 phút.
Đặc biệt, từ thông tin kê khai từ trước của khách hàng, các hãng hàng không không phải tạo lập, in ấn, xuất trình hồ sơ giấy với mỗi chuyến bay mà trực tiếp nhập liệu lên hệ thống một cửa quốc gia (tên hàng, số kiện, trọng lượng, địa chỉ - số điện thoại - tên người gửi, người nhận…) với mỗi chuyến. Trên cơ sở số liệu kê khai, cơ quan Hải quan đã chủ động bố trí được lực lượng giám sát phù hợp với từng chuyến bay, kịp thời ngăn chặn những hành vi buôn lậu, gian lận thương mại.
Đáp ứng nhu cầu của tình hình mới
Trên cơ sở những hiệu quả từ thực tế mang lại trong quá trình làm thủ tục hàng hoá cho các hãng hàng không, doanh nghiệp trong việc giao nhận hàng hoá, từ 1/4/2021, hệ thống một cửa quốc gia và giám sát tự động được triển khai mở rộng đối với các kho hàng tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Chị Nguyễn Thanh Hà (ở Đồng Nai) chia sẻ, tôi sinh ra và lớn lên ở Lạng Sơn, nhưng sau khi vào Nam học đại học thì ở lại đây thành lập công ty tư nhân để khởi nghiệp rồi lập gia đình. Vì kinh doanh hàng hoá xuyên Nam - Bắc nên tôi chỉ mong thủ tục được thuận lợi để công việc thông suốt... Tôi nhớ ngày trước để kê khai những hàng hoá này phải ngồi viết tay rất lâu, chưa kể việc viết chữ không rõ ràng hoặc sai sót gì đó đến lúc nhận hàng cũng rất mất thời gian.
Từ khi sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Nội Bài áp dụng việc khai báo điện tử thì độ chính xác cao, đặc biệt là nhanh chóng và thuận tiện, giảm bớt rất nhiều thời gian chờ đợi, không còn tình trạng thất lạc hàng hoá, gây tâm lý ức chế cho khách hàng. Lựa chọn dịch vụ đường hàng không là dịch vụ chất lượng cao, thì việc ngày càng cải tiến, áp dụng công nghệ để làm hài lòng khách hàng là điều tôi đánh giá rất cao”.
Được biết, từ khi sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất triển khai hệ thống một cửa quốc gia và giám sát tự động đã giảm rất nhiều thời gian, thủ tục cho các doanh nghiệp, hãng hàng không trong việc giao nhận hàng hóa. Đây có thể nói là bước tiến “vượt lên chính mình” đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, làm hài lòng khách hàng, góp phần thay đổi cách nhìn về dịch vụ vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không.
Đại diện Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cũng phải thừa nhận, so với trước thì việc khai báo, quản lý, giám sát tự động đã khẳng định niềm tin của khách hàng đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ. Nếu trước đây, các khâu quản lý hàng hoá xuất, nhập, tồn… đều được làm thủ công, không tránh khỏi thiếu sót, thì nay được nhập liệu, thông tin rõ ràng, chính xác. Từ các dữ liệu được nhập qua một cửa quốc gia, hệ thống giám sát hải quan tự động sẽ được công chức hải quan kiểm tra dữ liệu chứng từ trên hệ thống. Khâu này được thực hiện hoàn toàn tự động. Qua theo dõi, giám sát, nếu thấy sai lệch trên hệ thống một cửa thì cán bộ hải quan mới phải xử lý.
Thực tế, việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và giám sát tự động đã theo đúng tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ. Tuy nhiên, vì chuyển từ hình thức thủ công sang hình thức hoàn toàn mới, nên trong quá trình triển khai các thủ tục hành chính, có thay đổi cơ sở pháp lý liên quan đến một số thủ tục hành chính của các Bộ, ngành. Điều này dẫn đến việc phải rà soát lại và điều chỉnh hệ thống liên quan đến một cửa quốc gia, hệ thống quản lý chuyên ngành. Kéo theo đó là việc phải bố trí nhân lực triển khai các thủ tục mới theo yêu cầu của hệ thống.
Nắm được điều này, Tổng cục Hải quan cũng đã có phương án về nguồn lực để triển khai hệ thống, chủ động giải quyết vướng mắc phát sinh, mục tiêu là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp.
Hiện nay dịch bệnh Covid-19 đã “dịu” đi nhiều so với trước. Các chuyến bay vận chuyển hàng hoá trở lại guồng nhộn nhịp. Vì vậy, việc thực hiện một cửa quốc gia và giám sát tự động tại sân bay quốc tế Nội Bài và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất không chỉ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hãng hàng không, người dân, mà thời gian tới còn góp phần không nhỏ vào việc hiện đại hoá ngành Hải quan, tạo thuận lợi thương mại, nâng tầm vị thế của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.
* Đây là bài viết tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021