Kỳ vọng vào “Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính”
Mục tiêu của Đề án nhằm đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, tăng năng suất lao động, góp phần hình thành công dân số, doanh nghiệp số trong xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.
Đề án phấn đấu năm 2021, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; Hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đăng ký doanh nghiệp với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ xác thực, định danh và cắt giảm, đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ công dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa các cấp.
Nội dung đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính là gắn kết việc số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính với quá trình tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa tạo cơ sở hình thành dữ liệu sống, sạch, đủ và chính xác; Đổi mới tổ chức quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ việc đơn giản hoá trong chuẩn bị, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long (Ảnh: NP) |
Đề án sẽ tập trung nâng cao năng suất xử lý công việc Chính phủ và hệ thống cơ quan hành chính với số lượng nhiều thủ tục hành chính được giải quyết trong thời gian rút ngắn hơn trước. Hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông giữa các bộ, ngành, địa phương một mặt sẽ giúp tiết kiệm thời gian khi không phải yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp thông tin lại nhiều lần khi muốn thực hiện đăng ký một thủ tục hành chính mới hoặc làm thủ tục với một cơ quan hành chính khác; Đồng thời cũng giúp giảm bớt thời gian trao đổi xin thông tin bổ sung, cập nhật, xác nhận giữa các cơ quan quản lý nhà nước khi xử lý hồ sơ thủ tục hành chính có liên quan đến phạm vi trách nhiệm của nhiều cơ quan khác nhau.
Về phía doanh nghiệp, người dân, giờ đây mong muốn về việc chỉ cần ngồi ở nhà cũng có thể thực hiện các thủ tục hành chính thiết yếu, thường xuyên mà không phải đến trực tiếp trụ sở các cơ quan hành chính lấy số xếp hàng để nộp hồ sơ đã không còn xa. Đặc biệt với các doanh nghiệp, người dân có nhu cầu đăng ký xử lý thủ tục hành chính liên quan đến nhiều cấp chính quyền, nhiều ngành, địa phương với khoảng cách địa lý xa nhau, cơ chế tiếp nhận, giải quyết hành chính một cửa, một cửa liên thông sẽ giúp giảm bớt rất nhiều chi phí về di chuyển, in ấn tài liệu và chi phí cơ hội, thời gian dành cho các hoạt động kinh doanh, sinh hoạt khác.
Ngoài ra, một trong những mục tiêu đột phá của việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông là sẽ đẩy mạnh tính công khai, minh bạch, giảm bớt đầu mối tiếp xúc trực tiếp tại các cơ quan, qua đó loại trừ đáng kể các nguy cơ, rủi ro phát sinh tiêu cực, tham nhũng hoặc các hành vi nhũng nhiễu từ cả phía cơ quan cung cấp dịch vụ công cũng như từ phía doanh nghiệp, người dân.
Đồng thời, việc tăng cường tối đa ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính sẽ tạo những sức ép tích cực mang cả tính chủ quan và khách quan nhằm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ công chức được phân công tiếp nhận, thụ lý hồ sơ thủ tục hành chính, đặc biệt là hệ thống cán bộ ở cấp cơ sở.
Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, hầu hết các cơ quan cấp bộ và tương đương, các địa phương cấp tỉnh đều đã ban hành kế hoạch cụ thể và đang đẩy mạnh triển khai Đề án để cán đích các nội dung công việc theo thời hạn yêu cầu.
Tại Vĩnh Long, việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính đang gấp rút triển khai và bước đầu đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo đó, trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh đã thực hiện tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo theo quy định, các thủ tục hành chính giữ lại đa số thực hiện tại đơn vị trực thuộc như: Tổ chức hành nghề công chứng, Trung tâm Giám định Y khoa tỉnh, Trung tâm kiểm soát bệnh tật, cơ sở khám chữa bệnh BHYT…
Đặc biệt, tại Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã tại tỉnh Vĩnh Long, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính ở các lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện, cấp xã thực hiện tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính tập trung tại bộ phận Một cửa theo quy định và các thủ tục hành chính ngành dọc đóng trên địa bàn (cấp huyện: 219 thủ tục, cấp xã: 96 thủ tục) để đảm bảo sự thuận lợi và nhanh chóng cho người dân và doanh nghiệp đến làm thủ tục.
Tính đến nay, tỉnh Vĩnh Long đã tiến hành cập nhật 436 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo lộ trình quy định; phối hợp thực hiện 7 đợt kiểm thử tích hợp dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, lũy kế đã hoàn thành kiểm thử 466 dịch vụ công trực tuyến.
Mọi thông tin cập nhật về các thông báo mới liên quan đến thủ tục hành chính cũng được tỉnh Vĩnh Long đăng tải trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, Cổng thông tin điện tử của tỉnh, hiện tại đã đồng bộ dữ liệu TTHC với Cổng Dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công của tỉnh để phục vụ cho việc tra cứu, sử dụng của tổ chức, cá nhân tại địa phương.
Theo kế hoạch kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2021 trên địa bàn, chính quyền tỉnh Vĩnh Long sẽ thực hiện kiểm tra vào quý II - III/2021 tại sáu đơn vị sở, ba đơn vị cấp huyện và sáu đơn vị cấp xã nhưng do tình hình dịch bệnh phức tạp, nên địa phương đã không thành lập đoàn đi kiểm tra trực tiếp mà thay vào đó, việc kiểm tra được thực hiện gián tiếp qua báo cáo và theo dõi thực tế.
Việc làm quen dần với quy định bắt buộc sử dụng phương tiện công nghệ thông tin khi đăng ký thủ tục hành chính cũng mang đến áp lực cho doanh nghiệp, người dân phải chủ động trang bị kiến thức, hiểu biết cần thiết để có thể đáp ứng yêu cầu, qua đó mặt bằng dân trí cũng gián tiếp được nâng cao hơn, đặc biệt tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, nơi tập trung tỷ lệ lớn người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là những yếu tố quan trọng sẽ góp phần để chúng ta từng bước hướng tới xây dựng một Chính phủ số, xã hội số thực sự như kỳ vọng.
* Đây là bài viết tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021