Mùa thu Hà Nội trong mắt hoạ sỹ người Tày
Sấu dầm - đặc sản mùa thu Hà Nội |
Họa sĩ, nhà văn, nhà báo Hoàng A Sáng sinh năm 1976 ở Pác Thay, một bản đồng bào dân tộc Tày thuộc huyện Trùng Khánh, Cao Bằng. Hoạ sỹ A Sáng tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, hiện sống và làm việc tại Hà Nội. Anh đã in một số cuốn sách như: "Thằng Páo", truyện dài cho thiếu nhi (NXB Kim Đồng); tiểu thuyết "Thân xác" (NXB Phụ nữ)… Đã sống và yêu Hà Nội hàng chục năm, hoạ sỹ A Sáng cảm nhận rất riêng về mùa thu Hà Nội. Báo Tuổi trẻ Thủ đô trân trọng giới thiệu tới bạn đọc những dòng xúc động lắng sâu của người nghệ sỹ dân tộc Tày trong những ngày Thủ đô đổ lá đẹp đến nao lòng... |
Tôi sinh ra và lớn lên ở miền sơn cước Cao Bằng. Nếu nói đến mùa thu thì với riêng tôi, Cao Bằng là một miền thu đẹp nhất! Tôi nói vậy bởi tất nhiên tôi “thiên vị” quê mình nhưng nếu bạn một lần đặt chân tới Cao Bằng vào thu thì tôi tin bạn sẽ bị thuyết phục.
Người ta hay nói về mùa thu Hà Nội - mùa thu kinh điển trong nghệ thuật, mà đúng là mùa thu Hà Nội thật tuyệt vời. Sống ở Hà Nội đã hơn 20 năm, tôi thưởng thức và hiểu rõ mùa thu Hà Nội. Chỉ có điều mùa thu Hà Nội đến và đi thật vội vã! Mùa thu chỉ kéo dài khoảng hai tuần, rồi cái lạnh tràn về, dù vẫn đang là mùa thu…
Mùa thu Hà Nội như một thiếu nữ đỏng đảnh đi qua, cùng lắm thì nàng vuốt qua má mình một cái rồi thướt tha đi mất… Hơn nữa, Hà Nội là Thủ đô nên hội tụ quá nhiều nghệ sĩ lớn, thế nên mùa thu Hà Nội thành kinh điển bởi có rất nhiều tác phẩm, văn, thơ, nhạc, hoạ của các nghệ sĩ tài năng bậc nhất Việt Nam.
Hoạ sỹ A Sáng và con gái |
Tôi tự đặt cho mùa thu quê mình là “Huyền thoại của sắc vàng”. Từ thuở bé, tôi đã thích mùa thu, đơn giản vì đó là mùa no đủ. Bạn biết đấy, miền núi thời cách đây non nửa thế kỷ là quanh năm đói khát, thường trực nỗi lo cái ăn. Quê tôi chỉ cấy một vụ, đến mùa thu thì lúa mới chín. Ấn tượng với tôi khi đó là màu vàng, đến chỗ nào cũng nhìn thấy màu vàng. Lúa vàng thì đương nhiên nhưng núi cũng vàng theo bởi bạt ngàn cây xau xau thay lá, rồi những đoá cúc dại cũng đua nhau nở… Từng dải màu vàng cứ thế loang dần khắp núi đồi, màu vàng nhiều đến nỗi dòng sông cũng phản chiếu sắc vàng, trở thành dòng sông vàng trôi lấp lánh…
Mùa thu, thóc gạo vào nhà. Tôi nhớ rõ bữa cơm mừng lúa mới, mẹ tôi mổ một con vịt cỏ - loại vịt chạy đồng nổi tiếng quê tôi: vịt cỏ Trùng Khánh. Chúng béo lúc lỉu, thơm lừng mùi lúa. Rồi bát cơm mới thơm như sữa mẹ được bưng lên, thế là tôi “chén” - phải nói là “chén lồi rốn” - chén nghiêng ngả, chén phồng miệng… Tôi hay bưng bát cơm ra trước sàn nhà vừa ăn vừa ngắm cánh đồng căng nức màu vàng - bạt ngàn màu vàng.
Sắc vàng chủ đạo trong tranh thu của hoạ sỹ A Sáng |
Sau này, khi vẽ về đề tài phong cảnh, tôi vẫn dùng gam vàng làm chủ đạo. Tôi cố gắng chuyển tải sắc thu quê mình, dòng sông, sườn núi, cánh đồng, đặc biệt là rừng xau xau (mà tôi vẫn thích gọi là rừng phong) thay lá… Đó là thứ màu vàng chín đến độ chuyển thành màu cam. Khắp chân núi là những vòm cây xau xau mang áo cam như thế. Qua sương, qua nắng, những chiếc lá già rụng xuống, phủ kín mặt đất. Rồi một cơn gió chiều đi qua, lá bay lên lại tạo thành một đám mây vàng, cứ thế lấp lánh bay mãi không thôi… Cánh đồng khi ấy vừa gặt xong, người trong bản bó từng con rơm, xếp ngay ngắn trong ruộng. Những cây rơm vàng thơm dịu như da thiếu nữ, đứng thành hàng như mời chào trai bản đến chơi. Tôi nghĩ, nếu bạn nhìn cánh đồng thu buổi chiều, bạn cũng sẽ trở thành hoạ sĩ, có thể bạn không vẽ như tôi nhưng tôi tin trong tâm trí bạn cũng sẽ tự vẽ một bức tranh của riêng mình.
Mùa thu quê tôi không chỉ là dải màu quyến rũ mà còn ban tặng cho muôn loài mùi thơm tho đặc trưng. Đó là thứ hương vị cực thanh sạch, trong vắt - trong đến nỗi bạn có thể phân biệt đâu là mùi của rơm rạ, đâu là mùi của hoa cúc, đâu là mùi của lá xau xau… Tất cả làm nên mùi của núi mùa thu Cao Bằng. Tuyệt vời hơn nữa, thời gian vật lý mùa thu của quê tôi kéo dài rất lâu. Tôi đồ chừng 3 tháng, dài đến độ bạn đủ say mèm với hương vị đằm thắm ấy.
Vì thế tôi tự ví von, mùa thu Hà Nội đẹp và đỏng đảnh như một thiếu nữ, nàng lướt qua chúng ta, nheo mắt, nhoẻn cười, nếu đủ hào phóng thì vuốt má rồi bỏ đi, để lại trong chúng ta sự tiếc nuối đến ngẩn ngơ. Còn mùa thu Cao Bằng đẹp và mặn mà như một thiếu phụ đã có gia đình, cô ấy chăm chút chồng con, chăm chút vườn tược, chăm chút nhà cửa và cô ấy còn chăm chút cả dòng sông, cánh đồng, sườn núi bằng sắc vàng ngọt lịm. Cô ấy sẽ chuốc cho chúng ta men say của mùa thu, đưa chúng ta lang thang vào thung lũng mênh mông của sắc vàng no đủ, ngọt lịm.