Sấu dầm - đặc sản mùa thu Hà Nội
Mùa thu, đó là lúc cái nắng hanh vàng tô đậm những tán cây xanh rì. Mùa thu cũng là lúc những loại quả chín nhiều nhất, kết tinh sức nắng của cả mùa hè mặt trời hun đúc. Mùa thu - mùa của sấu chín.
Nhắc đến quả sấu người ta nhớ ngay đến vị bát canh nước sấu thanh mát, cốc nước sấu chua chua ngọt ngọt giòn giòn. Đó là vào mùa hè thôi. Mùa thu này, sấu dùng để nấu canh đều được lấy từ phần tích trữ trong ngăn đá. Sấu của mùa thu Hà Nội phải là những quả sấu chín vàng ươm, nghe đã thấy vị giác cồn cào "biểu tình" cái dạ dày.
Món sấu chín dầm - đặc sản của Hà Nội lúc vào thu |
Người Hà Nội sành và tinh lắm. Những thức quả, thức quà nào đã thành đặc trưng, "hồn vía" của mảnh đất này thì sẽ luôn được ưu ái, trọng dụng. Quả sấu cũng vậy. Dù cả nước dùng sấu nhưng chỉ Hà Nội mới nghĩ ra nhiều món ngon từ quả sấu đến thế. Nào thì ô mai sấu, nào thì sấu nấu canh, sấu dùng làm nước giải khát, vịt om sấu, nước mắm dầm sấu, sấu ngâm tỏi ớt... Để mùa thu đến, kết thúc một mùa sấu, thứ quả chín ấy lại làm nên một món ăn không thể thiếu khi gió heo may chớm về.
Cứ kể nhiều như thế không phải là để "câu giờ" mà để nói rằng sự sáng tạo của người Hà Nội là vô biên. Thông qua những chắt lọc, tổng hợp ấy mà tạo nên những nét văn hóa ẩm thực khó có thể hòa tan, trộn lẫn. Sấu chín Hà Nội cũng vậy.
Những quả sấu to tròn mang màu của nắng, của mưa, của tinh túy Hà thành được người ta cắt thành từng khoanh tròn và vẫn dính vào cuống. Đi qua một vòng mưa nắng thời gian, vỏ sấu dẻo và dai, thịt bên trong mỏng lại, lấp ló cái hạt sấu đen nhức hơi gồ ghề. Rồi người ta bỏ đường, thêm ớt với những gia vị gì đó, theo tỉ lệ của khẩu vị và những bí quyết riêng, tạo thành món sấu chín dầm ngon khó cưỡng.
Mùa này, đặc biệt là quanh khu vực hồ Gươm, phố cổ, chợ đêm, những bà bán hàng rong cứ từng khay, từng khay bày ra bán tại chỗ hay rong ruổi phố phường. Sấu dầm là món bình dân, giống như bao thức ăn đường phố rất hấp dẫn của Hà Nội, chẳng cao sang mĩ vị gì mà sẽ khiến người ta nhớ rất lâu.
Hình ảnh một nhóm nữ sinh hay mấy cô gái đứng bên bờ Hồ, vừa trêu đùa nhau hồn nhiên vừa nhí nhảnh chí chóe chia nhau món sấu dầm, nụ cười, sự trong sáng vô tư của họ như tô điểm thêm cho một góc Hà Nội. Người Hà Nội đi xa lâu ngày trở về hoặc người từ nơi khác đến, được ngồi bên hồ Gươm, đi bộ trên phố cổ, tay cầm túi sấu dầm, thong thả nhâm nhi, ngắm cảnh phố phường, chắc đó cũng là những khoảnh khắc "chill chill" vô cùng đáng nhớ.
"Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt/ Đi thì cũng dở ở không xong". Câu thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương hẳn nhiên không phải tả về sấu dầm ớt nhưng ta có thể mượn nó để nói về tâm trạng của người "trót" nhìn thấy khay sấu pha trộn giữa màu đỏ ké của ớt, đen của hạt sấu, vàng ươm hấp dẫn của vỏ sấu và màu trắng hơi ngả trong trong của thịt sấu.
Cảm giác đầu tiên là ứa nước bọt, cảm giác thứ hai là muốn thò ngay tay nhón hoặc "kìm lòng được" thì lịch sự hơn cầm cái xiên xêu ngay lấy một miếng bỏ vào mồm. Nhai sấu dầm sẽ hơi lâu vì lớp cùi sấu đã già nên dẻo và dai.
Bù lại, vị chua chua, cay cay, mặn mặn, ngọt ngọt và vị thơm thanh nhẹ cùng với những hương vị không nói lên lời cứ khiến ta "Ăn một lại muốn ăn hai, ăn ba ăn bốn lại nài ăn năm". Ngon không dừng lại được. Để rồi, khi thấy tê tê chân răng, cay xè đầu lưỡi mới biết mình đã "nhỡ mồm".
Đó là với những người còn "có can đảm" để thưởng thức món này. Còn với những bà, những chị răng yếu, răng nhạy cảm, nhất là những người trải qua sinh nở thì dường như mùa sấu chín về đánh thức những gì đó rất riêng tư. Thường các bà, các chị chỉ dám ăn 1, 2 quả cho đỡ thèm. Cũng có người làm cho con, cháu ăn hoặc làm xong rồi chụp ảnh đưa lên mạng xã hội để đánh dấu một mùa nữa trôi qua trong đời.
Họ không ăn được sấu chín vì ê răng nhưng món sấu dầm đó đâu phải chỉ là món ăn, chỉ là đặc sản, chỉ là thể hiện sự khéo tay hay làm. Sấu dầm còn là hoài niệm. Người phụ nữ đi qua tuổi trẻ, đi qua thì xuân sắc của mình, cũng như tiết trời ngả sang mùa thu, nhìn lại quãng thời gian sau lưng, thấy tiếc nuối, thấy hao khuyết, thấy số tuổi dày thêm lên, nhan sắc, sức khỏe và niềm vui có khi mỏng bớt đi. Món sấu dầm kia như những vị chua cay mặn ngọt đắng đót của đời, có vị nào mà họ chưa từng trải qua nữa?
Dù là bất cứ điều gì, rõ ràng, quả sấu chín dầm kia đã về cùng mùa thu. Chả mấy chốc nữa, mùa sấu cũng lùi lại, nhường cho những đặc sản khác nối tiếp nhau đi theo "nhịp hải hà". Hà Nội đáng nhớ hơn, phong phú hơn, đặc sắc hơn bởi vô vàn những điều nhỏ nhắn và bình dị ấy. Tất cả góp chung thành những nét văn hóa để chạm vào đâu trên mảnh đất này cũng thấy đẹp, thấy yêu.