Nâng cao kiến thức pháp luật, truyền thông chính sách tới người lao động
Cập nhật nhiều kiến thức mới tới người lao động
Đây là hoạt động truyền thông chính sách thường niên của Báo Lao động Thủ đô và là một trong những hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, 70 năm Giải phóng Thủ đô và các ngày lễ lớn trong năm 2024.
Phát biểu khai mạc chương trình, ông Đinh Tuấn Anh, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô cho biết: Việc tổ chức các cuộc đối thoại, giao lưu trực tuyến là hoạt động mà Báo Lao động Thủ đô triển khai từ nhiều năm qua, trong đó Liên đoàn Lao động huyện Đông Anh cũng đã nhiều lần phối hợp với Báo tổ chức chương trình này.
Năm nay, với nội dung về chế độ BHXH và chính sách liên quan đến người lao động là nhóm kiến thức quan trọng, ý nghĩa thiết thực với việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đông đảo công nhân lao động. Tham gia đối thoại, giải đáp là các chuyên gia về pháp luật lao động, tiền lương, BHXH sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ, giải đáp nhằm giúp đoàn viên, công nhân viên chức lao động cập nhật những kiến thức mới, các chính sách liên quan.
Ông Đinh Tuấn Anh - Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô phát biểu khai mạc buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến - truyền thông chính sách |
Theo ông Đinh Tuấn Anh, Thủ đô và đất nước đang trên đà phát triển mạnh mẽ, sự vận động của xã hội khiến các cơ quan chức năng thường xuyên điều chỉnh, bổ sung các quy định, chính sách cho phù hợp với thực tiễn và đảm bảo tốt nhất quyền, lợi ích cho người lao động. Trong khi đó, với nhiều lao động, nhất là lao động trực tiếp, thời gian để tìm hiểu, cập nhật, bổ sung các kiến thức pháp luật, chế độ chính sách còn hạn chế, dẫn đến nhiều trường hợp chưa được đảm bảo tốt nhất quyền lợi trong quan hệ lao động.
“Thông qua hoạt động này, Ban Tổ chức mong muốn góp phần cùng tổ chức Công đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, từ đó góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ"- ông Đinh Tuấn Anh nhấn mạnh.
Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô đề nghị các đoàn viên, công nhân viên chức lao động tham dự chương trình mạnh dạn, thẳng thắn nêu nhiều câu hỏi cũng như những thắc mắc của bản thân trong công việc, thực tiễn cuộc sống để các chuyên gia giải đáp.
Các đại biểu tham dự buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến - truyền thông chính sách |
Tăng cường truyền thông chính sách tới người lao động
Tại buổi tọa đàm, anh Nguyễn Mạnh Hà, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hà Anh đặt câu hỏi: Người lao động được nghỉ phép bao nhiêu ngày/năm? Nếu doanh nghiệp không cho người lao động nghỉ phép thì người lao động cần làm gì? Người lao động làm việc tại công ty và đóng BHXH được 18 năm và muốn nghỉ việc do lý do sức khỏe thì có được không? Và cần phải thực hiện thủ tục như thế nào?
Giải đáp thắc mắc của anh Hà, chuyên gia Nguyễn Huy Khoa: Người lao động được nghỉ phép hàng năm đầy đủ theo quy định nếu làm đủ 12 tháng liên tục trở lên. Điều kiện làm việc bình thường, một năm số ngày nghỉ phép sẽ được nghỉ 12 ngày; công việc nặng nhọc độc hại, người lao động được nghỉ phép 14 trong 1 năm; điều kiện làm việc đặc biệt nặng nhọc độc hại là 16 ngày trên 1 năm. Ngoài ra nếu người lao động có thâm niên làm việc từ 5 năm trở lên thì họ được nghỉ chế độ tăng lũy tiến, cứ 5 năm thì cộng thêm 1 ngày nghỉ phép.
Những thắc mắc của người lao động đã được các chuyên gia trao đổi, giải đáp thỏa đáng |
Nếu trong trường hợp người lao động nghỉ phép có thời gian đi đường cả đi và về, áp dụng với đối tượng lao động làm việc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... thời gian đi đường trên 2 ngày thì từ ngày thứ 3 trở đi được tính vào ngày nghỉ phép. Thường đầu năm người sử dụng lao động sẽ lấy ý kiến của người lao động để thống nhất thời gian nghỉ phép.
Trách nhiệm bố trí nghỉ phép thuộc người sử dụng lao động, người sử dụng lao động phải bố trí thời gian nghỉ phép cho người lao động. Nếu không bố trí thời gian nghỉ phép là người sử dụng lao động vi phạm pháp luật. Người lao động sẽ được trao đổi thỏa thuận để giải quyết phép gộp cho người lao động, thời gian nghỉ gộp phép tối đa 3 năm hoặc đơn vị sử dụng lao động thanh toán quyền lợi cho người lao động những ngày người lao động chưa được nghỉ phép.
Liên quan đến câu hỏi này, chuyên gia Dương Thị Minh Châu bổ sung thêm: Năm 2024, tuổi nghỉ hưu của nam là 61, nữ 56 tuổi, 4 tháng. Nếu người lao động muốn nghỉ hưu trước tuổi, trong điều kiện lao động bình thường thì sẽ được về trước tuổi 5 năm.
Về thủ tục, người lao động làm đơn cho đơn vị; hướng dẫn giám định y khoa, tỷ lệ suy giảm thời gian lao động từ 61% sẽ được nghỉ trước tuổi có kết quả ban hành quyết định nghỉ hưu, thì cơ quan bảo hiểm cũng ban hành quyết định nghỉ hưu cho người lao động.
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng Truyền thông BHXH thành phố Hà Nội |
Về nhu cầu đặc biệt - nghỉ hưu trước tuổi, chuyên gia Dương Thị Minh Châu thông tin: Năm 2024, tuổi nghỉ hưu của nam là 61, nữ 56 tuổi, 4 tháng. Nếu người lao động muốn nghỉ hưu trước tuổi, trong điều kiện lao động bình thường thì sẽ được về trước tuổi 5 năm.
Cũng theo bà Dương Thị Minh Châu, theo quy trình Luật BHXH năm 2014, người tham gia BHXH tự nguyện phải có đủ 20 năm đóng BHXH và đủ tuổi nghỉ hưu thì mới được hưởng lương hưu. Hiện có 2 chế độ là hưu trí và tử tuất. Nhưng dự thảo Luật BHXH đã bổ sung chế độ trợ cấp thai sản với nữ lao động.
Với người lớn tuổi mới tham gia BHXH tự nguyện, đã đủ tuổi nghỉ hưu, có thể đóng một lần cho những năm còn thiếu để đủ thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu. Người lao động sẽ hưởng lương hưu ngay sau tháng đóng đủ số năm còn thiếu. Với người tham gia BHXH bắt buộc cũng tương tự, có thể đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu.
Bà Trần Thu Hằng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Đông Anh đánh giá, buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến - truyền thông chính sách với chủ đề “Những điều cần biết về chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) và chính sách liên quan đến người lao động” đã thành công tốt đẹp. Với sự có mặt của gần 300 cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động cùng hơn 30 câu hỏi gửi tới các chuyên gia đã thể hiện sự quan tâm của tổ chức Công đoàn, người lao động tới chủ đề của chương trình hôm nay.
Hầu hết các câu hỏi, thắc mắc của người lao động đã được các chuyên gia trao đổi, giải đáp thỏa đáng. Trong thời gian tới, Liên đoàn Lao động huyện Đông Anh sẽ tiếp tục tham mưu đề xuất với lãnh đạo huyện, phối hợp với Báo Lao động Thủ đô tổ chức thêm các chương trình đối thoại - giao lưu trực tuyến - truyền thông trực tuyến với nhiều chủ đề khác nhau để nâng cao kiến thức pháp luật, truyền thông chính sách tới đoàn viên, công nhân viên chức lao động.