Nâng cao kỹ thuật sản xuất qua Diễn đàn Nhịp cầu nhà nông
Ngày 14/6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp huyện Chương Mỹ tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông, nhằm giúp nông dân nâng cao kỹ thuật canh tác, chăn nuôi.
Ông Đỗ Hoàng Anh Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết: Huyện có nhiều thuận lợi về phát triển kinh tế nông nghiệp với địa hình được chia làm ba vùng rõ rệt, vừa mang đặc trưng của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, vừa mang đặc trưng của vùng bán sơn địa có núi, đồi, sông, hồ, đồng, bãi, kết hợp với hệ thống sông Bùi, sông Tích ở phía Tây, sông Đáy bao bọc phía Đông rất thuận lợi cho việc phát triển cây trồng, vật nuôi đa dạng và phong phú.
Năm 2023, giá trị sản xuất theo giá so sánh năm 2010 ước thực hiện 4.836 tỷ đồng, đạt 100,3% kế hoạch, tăng 5,9% so cùng kỳ. Trong ngành nông nghiệp, tỷ trọng ngành chăn nuôi là 65,8%, trồng trọt là 34,2%.
Diễn đàn khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông giúp nông dân huyện Chương Mỹ nâng cao kỹ thuật canh tác, chăn nuôi |
Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung trồng trọt như: Lúa 5.100 ha; rau 236 ha; cây ăn quả 828 ha; chè 100 ha, bước đầu đã hình thành một số mô hình chuỗi sản xuất - tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực (rau, gạo và sản phẩm chăn nuôi).
Đồng thời, huyện đã xây dựng phát triển nhãn hiệu tập thể cho 5 sản phẩm gồm: Bưởi Chương Mỹ; gạo hữu cơ Đồng Phú và gạo hữu cơ Japonica Nam Phương Tiến - Chương Mỹ, rau an toàn Chúc Sơn, bưởi Nam Phương Tiến.
Chương Mỹ cũng là một trong những huyện nằm trong vùng trọng điểm chăn nuôi của Hà Nội, toàn huyện có 18 xã có khu chăn nuôi tập trung ngoài khu dân cư, với diện tích 312 ha, có 583 trang trại chăn nuôi, gồm: 138 trang trại lợn; 445 trang trại gia cầm. Ngoài ra, diện tích nuôi trồng thủy sản cũng khá lớn, với 3.025 ha, trong đó có hơn 1.000 ha chuyên canh tập trung, sản lượng thủy sản ước đạt 9.200 tấn.
Mặc dù đã đạt nhiều kết quả với diện mạo nông thôn có những thay đổi rõ nét, sản xuất nông nghiệp ở mức tăng trưởng khá nhưng vẫn thiếu bền vững. Trình độ lao động nông nghiệp còn thấp, các biện pháp thâm canh mang tính truyền thống là chính, chưa ứng dụng được nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Đặc biêt tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu ổn định, chưa gắn được sản xuất đi đôi với sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm… Vì vậy, đòi hỏi huyện phải tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ khoa học ứng dụng vào sản xuất.
Theo đó, Diễn đàn Khuyến nông@Nhịp cầu nhà nông chính là cầu nối đưa kiến thức, tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với bà con nông dân nhằm nâng cao trình độ sản xuất, từ đó giúp tăng trưởng giá trị nông nghiệp cho địa phương. Chương trình với sự tham dự của các đại biểu là đại diện các hộ nông dân, hộ sản xuất, giám đốc các Hợp tác xã chính, đây chính là hạt nhân để tuyên truyền, truyền tải nội dung bổ ích đến toàn thể thành viên hợp tác xã, đến các hộ sản xuất.
Trên địa bàn huyện Chương Mỹ đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung |
Diễn đàn đã lắng nghe các ý kiến, trao đổi và trả lời các vấn đề bà con nông dân thắc mắc, chưa hiểu rõ của các nhà khoa học. Từ đó giúp người dân có kiến thức quan trọng, cần thiết áp dụng vào sản xuất trên chính các mảnh ruộng, các mô hình của gia đình mình và tuyên truyền, hướng dẫn cho nông dân trong thôn, xóm, thành viên hợp tác xã; cùng nhau áp dụng vào sản xuất, tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi hướng tới nền nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững.
Theo bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, chương trình được tổ chức để liên kết một cách có hiệu quả giữa hộ nông dân với các nhà khoa học, nhà quản lý nhằm trao đổi thông tin, giao lưu, học tập các kiến thức khoa học hết sức bổ ích về sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản…
Bên cạnh đó là các chủ trương, chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp và giải đáp khó khăn, vướng mắc mà nông dân đang gặp phải. Đồng thời trang bị cho nông dân các kiến thức, tiến bộ khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận so với sản xuất truyền thống; chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tổ chức lại sản xuất khoa học hơn, quy mô lớn hơn góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế hộ, phát triển nông nghiệp bền vững.