Nâng cao nhận thức của người kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm
Tăng cường các hoạt động thanh kiểm tra
Hiện nay trên địa bàn thị xã Sơn Tây có 1.748 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn dường phố, có 4 siêu thị và 11 chợ.
Trong đó số cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực công thương 475 cơ sở; số cơ sở sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp 503 cơ sở; số cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực y tế 770 cơ sở. Tổng số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm 24 điểm. Số cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu thủ công trên địa bàn: 108 cơ sở.
Kiểm tra an toàn thực phẩm tại các chợ nông sản trên địa bàn thị xã Sơn Tây |
Để thực hiện tốt công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn, ngay từ đầu năm 2024, Phòng Y tế thị xã Sơn tây đã chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến thực phẩm; tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATTP trong nhân dân; cách phòng chống dịch bệnh, hạn chế thấp nhất tình trạng ngộ độc thực phẩm, bệnh lây truyền qua đường thực phẩm.
Đặc biệt công tác quản lý nhà nước về ATTP luôn được coi trọng, thường xuyên kiện toàn ban chỉ đạo ATTP từ thị xã đến các xã, phường đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo được thực hiện liên tục, hiệu quả.
Kết quả trong 4 tháng đầu năm 2024, các đoàn kiểm tra của thị xã và đoàn kiểm tra tuyến xã phường đã kiểm tra 382 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm; xử phạt vi phạm hành chính 14 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt 197 triệu đồng.
Một số vi phạm chủ yếu là bày bán, chứa đựng thực phẩm trên thiết bị, dụng cụ, vật liệu không đảm bảo vệ sinh; kinh doanh hàng hóa là thực phẩm nhập lậu, sản xuất sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Cơ quan chức năng cũng tiến hành xét nghiệm nhanh 3.842 mẫu gồm tinh bột, hàn the, dấm ăn, phẩm màu, Methanol và các xét nghiệm khác, kết quả đạt 3.569 mẫu.
Để kiểm soát an toàn thực phẩm trên địa bàn, thị xã Sơn Tây cũng duy trì tốt các mô hình hay, như: Mô hình “Khu đô thị tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm” tại Khu đô thị HUD - phường Trung Hưng; mô hình điểm bảo đảm an toàn thực phẩm đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống tại 9 phường; mô hình bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố tại 15 xã, phường.
Trưởng phòng Y tế thị xã Sơn Tây Phạm Hùng Sơn cho biết, bên cạnh thực hiện mô hình khu đô thị tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm, thị xã cũng duy trì bảo đảm an toàn thực phẩm tuyến phố văn minh tại hai tuyến phố: Đinh Tiên Hoàng (phường Ngô Quyền), Phú Hà (phường Phú Thịnh).
Tại đây, các hộ kinh doanh ký cam kết thực hiện bảo đảm biện pháp an toàn trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, thực hiện 3 không: Không sản xuất không an toàn; không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn; không sử dụng phụ gia thực phẩm không trong danh mục cho phép trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm…
Tăng cường chiến dịch truyền thông
Trong Tháng hành động vì chất lượng ATTP năm 2024, thị xã Sơn Tây triển khai tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về ATTP; tăng cường tuyên truyền, phổ biến các mô hình sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn, các sản phẩm truyền thống của địa phương nhằm quảng bá, khích lệ sản xuất sản phẩm thực phẩm an toàn, mang đậm nét truyền thống, đặc sản địa phương.
Ngoài ra, trang thông tin của thị xã Sơn Tây đã công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về ATTP nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm trái pháp luật. Các xã, phường trên địa bàn cũng tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về ATTP.
Báo cáo viên truyền đạt nội dung tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm tại xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây |
Tại buổi tập huấn, các đại biểu được truyền đạt một số nội dung gồm: Một số kiến thức cơ bản về ATTP, các văn bản quy định của pháp luật liên quan đến ATTP thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành công thương; điều kiện đảm bảo ATTP đối với cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; những mối nguy hại là các tác nhân sinh học, hóa học và vật lý có trong thực phẩm, làm thực phẩm mất an toàn, gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng; biện pháp kiểm soát mối nguy sinh học…
Với cách truyền đạt linh hoạt, ngoài cung cấp thông tin chính sách, pháp luật Nhà nước về chất lượng an toàn thực phẩm và những kiến thức, biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, báo cáo viên còn nêu ra một số kinh nghiệm khi lựa chọn thực phẩm, hướng dẫn cách sử dụng, bảo quản, truy xuất nguồn gốc, qua đó giúp người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm an toàn trong cuộc sống hằng ngày.
Thông qua hội nghị nhằm trang bị cho cán bộ, hội viên nông dân, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thị xã Sơn Tây những kiến thức về an toàn thực phẩm, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong sản xuất, chế biến các sản phẩm đảm bảo an toàn; từ đó chủ động chủ động thay đổi hành vi, hạn chế ngộ độc thực phẩm xảy ra trong gia đình và cộng đồng.