Nghệ nhân khắc dấu, lưu giữ hồn xưa Hà thành
Theo dấu chân Bác Hồ “Từ Việt Bắc về Hà Nội” |
Lưu giữ chút hồn cốt của Thăng Long
Đi khắp các con phố, nẻo đường Hà Nội, ở đâu cũng thấy "hơi thở" gấp gáp của cuộc sống đô thị hiện đại. Tuy nhiên, ít ai biết được trong lòng của sự hối hả ấy vẫn có những con người cặm cụi tỉa tót cho những “dấu ấn xưa”.
Tại con phố Tô Tịch, Hàng Quạt, có một nghề truyền thống vẫn đang được giữ gìn đó là khắc và bán con dấu gỗ. Tại đây, có một người luôn tâm huyết gìn giữ nghề khắc dấu gỗ của gia đình và từng ngày góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của Hà Nội xưa. Nghệ nhân ấy là ông Phạm Ngọc Toàn. Ông được du khách thân thương đặt cho cái tên “Người nắm giữ dấu ấn thời gian”.
Nghệ nhân Phạm Ngọc Toàn đang khắc những con dấu trong cửa hàng (Ảnh: Hoàng Lan) |
Thả bước trong khu phố cổ, không khó để nhận ra ông Phạm Ngọc Toàn với trang phục giản dị, bao năm vẫn vậy chỉ là chiếc áo phông trắng cùng quần kẻ sọc xanh. Suốt mấy thập kỷ qua, ông luôn cặm cụi, tỉ mỉ, tập trung trên chiếc bàn nhỏ kê trước cửa hàng khắc dấu gỗ Phúc Lợi ngự tại số 6 Hàng Quạt.
Khác với vẻ ngoài trầm lặng, ông Toàn nhiệt tình, nói chuyện với khách rất duyên. Sau khi nồng nhiệt chia tay một khách hàng, chúng tôi may mắn có cơ hội cùng chuyện trò, tâm sự với nghệ nhân và chiêm ngưỡng quá trình tạo ra con dấu gỗ.
Hơn nửa đời gắn bó với nghề, dưới bàn tay khéo léo của ông đã có không biết bao nhiêu con dấu, khuôn hình được ra đời và đi đến nhiều nơi ở trong nước cũng như trên thế giới. Ông Toàn cho biết, khắc dấu gỗ là nghề tổ của gia đình vì thế bản thân ông đã quen với những con dấu từ tấm bé.
“Thật ra, tôi được gắn bó với nghề từ nhỏ. Khi đi học ở trường về, tôi thường mày mò các dụng cụ như đục, dao... rồi học theo bố và ông để làm những cái mình thích”, ông Toàn nhớ lại.
Cô bé người Pháp hào hứng chọn con dấu cho riêng mình (Ảnh: Hoàng Lan) |
Nếu như trước đây, con dấu gỗ chủ yếu có hình vuông hoặc tròn, khắc chữ triện và một số hoa văn trong tín ngưỡng thì giờ đây để thích nghi với sự phát triển của xã hội và đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, những con dấu đã có sự thay đổi về hình dáng và kích thước. Không chỉ vậy, để bắt kịp xu hướng của giới trẻ, người thợ khắc dấu gỗ thủ công còn phải tự mày mò, học hỏi để sáng tạo ra những con dấu có thiết kế độc lạ, ấn tượng.
Để làm ra một con dấu tưởng chừng đơn giản nhưng phải bắt tay vào mới thấy được nét tỉ mỉ, cầu kỳ. Người thợ phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau như mài phôi, vẽ phác họa hay chạm khắc rồi tinh chỉnh.
Ông Toàn cho biết, gỗ dùng làm con dấu phải là gỗ thừng mực. Đây là loại thích hợp nhất để làm con dấu bởi chất gỗ nhẹ, mịn và thấm mực đều. Hình khắc trên con dấu có thể mang cá tính riêng của chủ sở hữu hoặc như chứa đựng tâm tư, lời nhắn nhủ, lời chúc... của người tặng.
Ông chia sẻ, bản thân sinh ra trong thời chiến. “Trước kia, những con dấu này chỉ phục vụ cho dân văn phòng, công sở. Từ khi du lịch phát triển thì con dấu này còn trở thành vật kỷ niệm, quà sinh nhật... Nắm bắt xu thế, tôi quay sang làm những hình ảnh về Việt Nam như hoa sen, chùa Một Cột... cũng một phần vì muốn quảng bá cho nền văn hóa nước mình”, ông nói.
Mỗi một con dấu đều được người nghệ nhân thổi hồn vào những ý nghĩa khác nhau. Con dấu nhỏ, sứ mệnh lớn. Không chỉ có khách hàng trong nước, những con dấu thủ công cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của du khách và truyền thông quốc tế.
Đặc biệt, ông Toàn và cửa tiệm khắc dấu gỗ thủ công Phúc Lợi đã xuất hiện trên nhiều chỉ dẫn du lịch bằng tiếng Nhật và tiếng Anh; được lưu truyền là địa điểm nên ghé thăm tại Hà Nội.
Góp phần quảng bá văn hóa Hà Nội
Ông Phạm Ngọc Toàn không chỉ đơn thuần coi khắc dấu là nghề nghiệp. Thông qua công việc tỷ mẩn này, ông gửi gắm mong muốn quảng bá hình ảnh, văn hóa của Thủ đô Hà Nội ra thế giới.
Những năm gần đây, ông Toàn thường xuyên đem con dấu nhỏ tiếp cận giới trẻ. Nghệ nhân Toàn cho rằng: “Đối với khách du lịch, tôi cảm nhận có thể quảng bá văn hóa Việt Nam ra toàn thế giới. Còn đối với giới trẻ, tôi có thể giúp ghi lại những kỷ niệm, dấu ấn riêng của tuổi trẻ”.
Hình ảnh Hà Nội trong con dấu của nghệ nhân (Ảnh: Hoàng Lan) |
Bạn Phương Linh (Hà Nội) chia sẻ: “Mình có một đam mê là tới những làng nghề Việt Nam, được ngắm nhìn những thứ thuộc về xa xưa. Tuy nhiên, đây là lần đầu mình tới khu phố có người làm con dấu thủ công. Thật tiếc vì mình không biết tới nơi này sớm hơn. Mỗi con dấu đều mang một nét đẹp riêng. Đó chính là nét đẹp văn hóa của Hà Nội, của Việt Nam xưa mà mình nghĩ thế hệ chúng ta ngày nay nên trân trọng”.
Chia sẻ về những khó khăn khi theo đuổi nghề truyền thống, ông Phạm Ngọc Toàn giãi bày: “Nghề khắc dấu thủ công đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận nhưng thu nhập không cao. Hơn nữa, cùng với sự phát triển của công nghệ và sự ra đời của nhiều món đồ chơi thiết kế bắt mắt, hiện đại, nghề khắc dấu truyền thống đã phần nào bị mai một. Cũng chính vì thế mà trong thời gian làm nghề đã có thời điểm tôi định dừng lại để chuyển sang làm nghề khác có thu nhập tốt hơn.
Tuy nhiên, vì nghĩ đây là nghề truyền thống của cha ông để lại cũng như mong muốn quảng bá nét văn hóa của Việt Nam tới bạn bè quốc tế, tôi đã quyết tâm bám nghề đến cùng. Với tôi, khắc dấu là sự tâm huyết và là cách duy trì nét đẹp của gia đình, của Hà Nội…”.
Các bạn trẻ hào hứng chọn con dấu cho riêng mình (Ảnh: Hoàng Lan) |
Vì vậy, khắc dấu gỗ với người nghệ nhân này không đơn thuần là nghề, mà còn là lưu truyền, lưu giữ, đem cả truyền thống và văn hóa gửi gắm vào con dấu nhỏ bé đem ra thế giới rộng lớn.
Với ông Toàn, sự nổi tiếng không quan trọng mà hơn cả là làm sao giữ được nghề truyền thống trước sự thay đổi của xã hội; làm sao để đưa con dấu ấy mang theo văn hóa Thủ đô, văn hóa Việt ra thế giới. Nghệ nhân Phạm Ngọc Toàn vẫn luôn cho rằng, niềm vui và động lực lớn nhất để gắn bó với nghề là mỗi thành phẩm do bàn tay mình chế tác được khách hàng đón nhận và trân trọng.