Người bạn của nông dân
Hiểu nhà nông- chia sẻ nghề nông
Nguyễn Đức Ninh được sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Anh từng là sinh viên khoa Kinh tế - Đại học Nông nghiệp nhưng ra trường, anh lại “đầu quân” vào làm việc tại một công ty phần mềm. Năm 2010, anh Ninh đã tự sáng lập công ty phần mềm của riêng mình. Cho đến nay, công ty vẫn đang hoạt động tốt dưới sự chèo lái của ông chủ trẻ này.
Sau khi thành lập được một năm, với kinh nghiệm hoạt động công nghệ thông tin, anh đã nghĩ ra ý tưởng và bắt tay xây dựng sàn thương mại điện tử cho việc tiêu thụ, truyền thông các sản phẩm nông sản, để hỗ trợ người dân kết nối và có cơ hội bán hàng trên mạng internet.
Anh Ninh cho biết: “Khi đưa mặt hàng nông sản lên website thì thấy người dân liên hệ tới mình nhờ tư vấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, mua bán cây giống, nông sản, vật tư nông nghiệp, mà tỷ lệ hỏi về cây trồng và nhu cầu mua cây chiếm đến 80%. Từ đó, mình quyết tâm cập nhật thông tin và xây dựng đội ngũ chuyên sâu về nông nghiệp để tham gia vào lĩnh vực này, nhằm phục vụ nhu cầu của người dân”.
Với vai trò là người sáng lập và thực hiện sàn thương mại điện tử nông nghiệp, Nguyễn Đức Ninh tự ý thức được rằng, bản thân anh phải là người tiên phong cập nhật kiến thức chuyên sâu về nông nghiệp trước khi thực hiện mục tiêu xây dựng bộ máy chuyên nghiệp của ngành. Để tránh tình trạng rộng mà không sâu, anh chọn lĩnh vực trồng trọt để tiếp cận, thực hiện trước và trong những năm tiếp theo, anh mở rộng dần các mảng khác của nông nghiệp như: chăn nuôi, thú y, thủy sản, lâm nghiệp,...
Đến nay, anh làm chủ hai đơn vị kinh doanh sản nông nghiệp: Công ty Cổ phần Alofarm Việt Nam và sàn thương mại điện tử Nhanong24h.com - thuộc Công ty Cổ phần Hệ sinh thái Công nghệ Việt Nam, chuyên cung cấp giống cây ăn quả chất lượng cao, dịch vụ miễn phí cho khách hàng.
Anh Nguyễn Đức Ninh cùng con em nông dân vùng khó
Anh Ninh chia sẻ: “Trong 5 năm đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt, hiện nay nhanong24h đã có một lượng khách khá lớn và ổn định. Để nâng cấp khả năng phục vụ và cung cấp cho người dân, mình đã xây dựng các mô hình gồm: Đội ngũ quản lý, nhân sự khối văn phòng đủ chuyên môn – Gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm - Trang trại sản xuất quy mô 10ha”.
Những việc làm của anh được cộng đồng và người dân tin tưởng. Đồng thời, anh đã được các doanh nghiệp, cơ quan nhà Nước và các tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức phi chính phủ mời tham gia thực hiện các dự án về nông nghiệp. Anh thường xuyên đi tập huấn cho đồng bào miền núi, vùng sâu vùng xa... giúp bà con nâng cao kiến thức về quản lý và tổ chức sản xuất nông nghiệp, quy mô nông hộ nhỏ, kiến thức cây trồng, phòng trừ sâu, bệnh hại...
“Ham” hoạt động cộng đồng
Những dự án vì lợi ích cộng đồng luôn hấp dẫn ông chủ trẻ này. Nguyễn Đức Ninh tham gia vào các dự án như: Cải thiện đời sống cho người nghèo xã Phong Vân - Lục Ngạn - Bắc Giang; Phát triển thôn bản thông qua du lịch dựa vào cộng đồng thân thiện với môi trường; Hướng dẫn lập và quản lý trang trại cho các Bí thư Đoàn xã ưu tú...
Anh không đặt vấn đề về lợi ích cá nhân vào các hoạt động này mà quan niệm rằng, tham gia các dự án cộng đồng để cập nhật kỹ năng, kiến thức về nông nghiệp. Vậy nên, suốt 5 năm qua anh đã đi cùng, sống cùng những người làm vườn lâu năm, đến khắp 63 tỉnh, thành để tiếp xúc, học hỏi và có cái nhìn toàn diện về nông dân và nông nghiệp.
“Mình nghĩ, cứ cho đi nhiều nhất có thể nếu mình đủ khả năng. Đối tượng mà mình cho và họ cần mình hiện nay chính là người nông dân, đặc biệt là bà con vùng sâu, vùng xa. Vậy nên, mỗi khi nhận được lời mời từ các dự án, hoạt động cộng đồng, mình thường nhận lời ngay, dù công ty rất bận nhưng vẫn bố trí thời gian tham gia”, anh Ninh cho biết.
Mặc dù đi đến vùng sâu, vùng xa không ít mệt mỏi, thậm chí nguy hiểm nhưng với ông chủ 8X này cái được là sự trải nghiệm, nâng tầm hiểu biết và cách nhìn thực tế hơn về nông nghiệp, nông thôn Việt Nam. Đặc biệt, anh Ninh vui và tự hào khi làm được điều gì đó cho cộng đồng, cho người nghèo và nông dân.
Những trải nghiệm nơi vùng sâu, vùng xa, đồng hành cùng bà con nông dân cho anh niềm tin về nhu cầu kiến thức trồng trọt, chăn nuôi của người dân là luôn có. Bản thân họ luôn muốn tìm hiểu, thu nhận kiến thức để có thể làm chủ được vườn- ao- chuồng, mảnh ruộng nương của mình... chứ không muốn "nghèo bền vững".
Dịp này, anh Nguyễn Đức Ninh cùng đoàn tình nguyện của tuổi trẻ Thủ đô hành trình sang nước bạn Lào để hỗ trợ, tư vấn phát triển nông nghiệp cho bà con nông dân ở đây. Với ông chủ trẻ này, đây là chuyến hành trình đầy tinh thần thiện nguyện. Anh được trải nghiệm, đóng góp sức trẻ của mình cho cộng đồng, đặc biệt là một trong những “đại sứ” vun đắp tình hữu nghị thắm thiết giữa hai quốc gia Việt Nam - Lào.