Người “thổi hồn” cho lụa tơ sen
Người Việt đầu tiên thành công dệt vải từ tơ sen
Sinh ra trong cái nôi của nghề dệt truyền thống Phùng Xá, Mỹ Đức (Hà Nội), Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận được lớn lên giữa nong tằm, nong kén, giữa tiếng lách cách đêm ngày của khung dệt. Bởi thế, ngay từ khi lên 6, bà đã được bố mẹ dạy cách chăn tằm, ươm tơ, các thao tác của nghề dệt vải và cứ thế, nghề đã thấm sâu trong bà tự lúc nào chẳng hay.
Yêu nghề, gắn bó với nghề là thế, song hành trình làm nghề của nghệ nhân Phan Thị Thuận khá vất vả. Khi thì những cánh đồng dâu bát ngát bị chặt hết, tằm chết đói cả lượt vì không có thức ăn. Lúc vực dậy được ruộng dâu thì lại bị thuốc sâu của vườn cây trái gần đó ảnh hưởng, lại cả đống tiền ra đi cùng tằm, rồi lúc thị trường quay lưng với sản phẩm truyền thống… Vậy nhưng khó khăn không nản, bà nhất mực một hướng giữ nghề, miệt mài với nghề.
Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận, Giám đốc Công ty Dâu tằm tơ Mỹ Đức thực hiện công đoạn lấy tơ sen |
Bà Thuận cần mẫn với lối đi của riêng mình bằng niềm tin sắt son, một lúc nào đó sẽ vực lại nghề truyền thống của địa phương. Rồi bà có cơ duyên được một vị lãnh đạo cấp cao đặt hàng làm lụa từ tơ sen. Từ bàn tay tài hoa của người chuyên dệt lụa tơ tằm, bà Thuận đã dệt nên tấm lụa Việt từ những sợi tơ sen mỏng manh. Sản phẩm lụa từ tơ sen mang thương hiệu Việt Nam được sản xuất dưới bàn tay của bà Thuận đã trở thành món quà tặng đặc biệt trong một số hoạt động ngoại giao của đất nước.
Chia sẻ về con đường tạo nên những tấm lụa Việt từ tơ sen, bà Thuận cho biết: Không chỉ bỏ tiền ra để mua ruộng trồng sen, tôi đã mất rất nhiều công sức mày mò thử nghiệm để có thể biến những cành sen tưởng như “phế phẩm” của một loại cây, trở thành sản phẩm có giá trị đặc biệt.
Thời điểm đó, Việt Nam chưa có người làm về lụa tơ sen, việc lấy được một sợi tơ từ cuống lá sen khó hơn rất nhiều việc se tơ tằm. Người thợ phải làm thủ công từng chút một làm sao để rút hết được tơ từ cuống sen, se những sợi mỏng manh như tơ trời ấy thành những sợi tơ vừa đủ độ mảnh để dệt lụa, nhưng lại đủ độ dai độ bền…”, nghệ nhân Phan Thị Thuận chia sẻ.
Các sản phẩm được Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận làm từ tơ sen |
Theo nghệ nhân Phan Thị Thuận, để dệt chiếc khăn dài 1,7m, rộng 0,25m phải cần tới 4.800 cuống sen. Một người thợ chăm chỉ, thạo việc một ngày cũng chỉ làm được 200 - 250 cuống sen. Tính ra để hoàn thiện một chiếc khăn phải mất khoảng 1 tháng. Sợi tơ sen mảnh, dễ đứt nên phải rất khéo léo, tỉ mẩn mới có thể rút được sợi tơ. Đặc biệt, tất cả các cuống sen đều phải xử lý trong vòng 24 tiếng đồng hồ nếu không cuống sẽ bị khô, tơ bị rút lại và sợi sẽ hỏng hoàn toàn.
Muốn có tơ sen tốt và đẹp, giá cả cạnh tranh thì phải có nguyên liệu tốt (cọng sen), muốn có nguyên liệu tốt thì phải hoàn thiện quy trình trồng sen thật tốt bên cạnh đó cũng cần hoàn thiện bổ sung một số nội dung hỗ trợ đó là quản lý tốt, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao kỹ thuật se tơ sen và bổ sung một số chất phụ gia hữu cơ để làm cho sợi tơ sen mềm mại, mịn, mát, sáng bóng.
Cuối năm 2017, sản phẩm lụa tơ sen của Việt Nam chính thức được ra đời. Nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Thuận đã trở thành người Việt đầu tiên thành công dệt vải từ tơ sen. Tên của bà được ghi trong sáng chế lụa tơ sen của Việt Nam.
Nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Thuận đã trở thành người Việt đầu tiên thành công dệt vải từ tơ sen |
Bảo tồn và phát triển cây sen Việt Nam
Nghệ nhân Phan Thị Thuận chia sẻ: "Nếu ai đã một lần sử dụng sẽ thấy tơ sen khác biệt hoàn toàn so với các loại sợi khác, kể cả các loại sợi tơ tằm cao cấp nhất. Nó gây ấn tượng với người dùng bởi độ co giãn tự nhiên, ôm lấy cơ thể một cách dịu nhẹ cùng mùi thơm thoang thoảng trên vải. Mùa sen thường kéo dài từ tháng 4 cho đến hết tháng 10 hàng năm, sen được lấy lên từ các đầm nước và chỉ trong vòng 24h là đã phải sơ chế lấy thân và tơ. Bởi thế, sợi tơ làm nên mặt vải mềm mịn như nước nhưng lại có cả hương sen tự nhiên thơm mát nhẹ nhàng quyến rũ".
Cả đời gắn bó với nghề dệt, Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận luôn tâm niệm, muốn giữ nghề, phải nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra cái mới để sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Hiện Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức do Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận làm Giám đốc vừa dệt lụa tơ tằm, vừa dệt lụa tơ sen. Nhờ sự năng động, sáng tạo và đặc biệt đam mê nên 20 công nhân của Công ty có việc làm và thu nhập ổn định.
Các sản phẩm của Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận luôn được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn |
Nghệ nhân Phan Thị Thuận cho biết: Hiện Công ty triển khai trồng 1,8 ha sen chất lượng cao, với quy trình kỹ thuật đảm bảo tiêu chuẩn sạch. Công ty cũng thuê 11 lao động thường xuyên quanh năm với công việc trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo vệ , với mức lương bình quân 300.000đ/người/công, tương đương 9.000.000đ người/tháng. Tổng số ngày công lao động năm 2023 là 21.500 công; trong đó công lao động kỹ thuật se tơ, dệt sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn và thu nhập 1 lao động từ 12 – 15 triệu đồng/tháng.
Hàng năm, Công ty đã giải quyết lao động tại chỗ khoảng trên 40 ngàn ngày công lao động, tương đương 4.800.000.000 đồng. Đặc biệt, Công ty giúp cho các cháu thanh thiếu niên, người già còn sức lao động vẫn tham gia và có nguồn thu nhập rất tốt. Thông qua đó giúp người dân cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, đoàn kết, chia sẻ giúp đỡ nhau cùng phát triển.
Có thể thấy, dệt lụa từ tơ sen là một nghề mới, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, quy trình sản xuất được thực hiện và kiểm soát chặt chẽ từ sản xuất, chế biến, thu gom rác thải, xử lý triệt để, rất thân thiện môi trường, giúp cho môi trường luôn xanh, sạch, đẹp. Không những vậy, nghề dệt lụa từ tơ sen còn góp phần bảo tồn và phát triển cây sen Việt Nam.