Người trẻ đang tự chữa lành tâm hồn
Khi người trẻ học thanh nhạc để hát karaoke hay hơn... |
Xóa bỏ căng thẳng
Gặp bế tắc trong công việc và tình yêu chính là lúc mà Phương Anh (28 tuổi, sống tại quận Ba Đình, Hà Nội) cảm thấy phải cho bản thân một thời gian nghỉ ngơi. Cô gái trẻ quyết định xin tạm dừng công việc trong vai trò trợ lý tổng hợp cuối tháng 3 năm nay và tìm đến một không gian gần gũi với thiên nhiên tại Măng Đen (Kon Tum) để thư giãn với mong được tĩnh lặng để ngẫm, hiểu về bản thân.
5h mỗi ngày, Phương Anh được tiếng chuông đánh thức. Sau khi vệ sinh, cô cùng mọi người thiền, đi chợ, dọn dẹp và chuẩn bị các bữa ăn chay. Vào mỗi bữa cơm, sẽ có một tiếng chuông để mọi người dành 10 phút im lặng, tập trung thưởng thức món ăn.
Phương Anh tạm xin nghỉ việc 3 tuần để "làm mới" lại bản thân tại một nơi |
Trong những ngày ở đây, cô gái trẻ tự tay trồng rau, gieo các loại cây, tiếp xúc với người dân địa phương và hiểu thêm về văn hóa bản địa. Phần lớn thời gian cô dành để đọc sách và viết nhật ký nhằm sắp xếp suy nghĩ của mình.
Cuộc sống nơi đây đơn sơ giản dị nhưng Phương Anh luôn thấy đủ đầy, được gắn bó và mở lòng với những người bạn mới. "Mỗi người đều mang tổn thương của mình, nhưng khi sẵn sàng chia sẻ, mọi người đều đồng cảm và chạm đến câu chuyện của nhau", Phương Anh nói.
Sau 2 tuần sống tại đây, cô gái 28 tuổi nhận ra để chữa lành tinh thần, cô phải buông bỏ suy nghĩ và gác lại trách nhiệm. Hiện tại, khi đã trở lại cuộc sống thường ngày với tinh thần thoải mái hơn, cô gái trẻ cho biết đã có thể tự trò chuyện với bản thân để bình tĩnh đón nhận khó khăn và không bị cảm xúc chi phối.
"Khi cảm thấy phải đối mặt với quá nhiều việc, trở nên thiếu sáng suốt và không thể bình tĩnh thì việc đến những nơi trong lành, ngồi xuống để kết nối với chính mình có lẽ sẽ là một liều thuốc hữu hiệu mà mình sẽ luôn tìm đến”, Phương Anh chia sẻ.
Giống như Phương Anh, áp lực trong công việc, gánh nặng về kinh tế đã khến Hải Bình (26 tuổi, sống tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đôi khi rơi vào trạng thái tù túng, chán nản. Hải Bình nghĩ rằng nếu đang bất ổn và thiếu năng lượng tích cực nhưng vẫn ở trong môi trường sống nhanh, sống gấp, ồn ào thì khó có thể tự chữa lành.
Vì vậy, chàng trai trẻ quyết định tìm về thiên nhiên, chọn một thử thách, đó là leo núi để có cảm giác mạnh và giải toả tâm trí. Trong vòng 1 tháng khi tạm nghỉ công việc, Hải Bình đã leo đỉnh Pha Luông (được ví là nóc nhà Mộc Châu); check-in 4 cực Bắc - Nam - Đông - Tây của đất nước; khám phá cộng đồng các dân tộc tại Mù Cang Chải...
Không gian rộng lớn và không khí trong lành giúp Hải Bình như giải tỏa được mọi cảm xúc dồn nén |
“Đứng trên đỉnh cao nhìn xuống, xung quanh thênh thang và rộng lớn, mọi cảm xúc dồn nén trong lòng đều bung toả, tan vào không gian. Lòng mình như được thanh lọc, an yên hơn”, Hải Bình nói.
Hơn nữa, leo núi còn cho Bình cảm giác hạnh phúc khi vượt qua được giới hạn của chính mình. Mỗi chuyến đi, chàng trai trẻ thường ngồi thiền vào buổi sáng đón bình minh hoặc tập yoga nhẹ nhàng để khởi động và hoà mình vào thiên nhiên.
Theo Bình, du lịch “chữa lành” khác với những chuyến du lịch thông thường. Đó là tạm rời xa nơi đô thị ồn ào, náo nhiệt để tìm về vùng thiên nhiên, núi rừng, tận hưởng không khí trong lành và lắng nghe nhịp sống của tự nhiên. “Mình có thời gian lắng lại, thả lỏng với bản thân nên sẽ dễ dàng cân bằng về tinh thần”, Hải Bình chia sẻ.
Tự chữa lành
Ngoài những áp lực về công việc, Diễm Ly (sống tại quận Đống Đa, Hà Nội) đang bị một áp lực nặng nề khác là phải nhanh chóng kết hôn khi đã ở độ tuổi 30. Cộng với những mệt mỏi sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Ly quyết định chọn đi du lịch đến Hà Giang.
Đôi mắt được tiếp xúc với núi rừng, được đặt chân đi qua những cung đường đèo, bàn tay cảm nhận được cái mát lạnh của suối nước, đôi tai được rót đầy âm thanh trong trẻo của tự nhiên giúp Diễm Ly cảm thấy những tổn thương suốt nhiều năm qua về cảm xúc đã được chữa lành.
Diễm Ly tự chữa lành bằng việc đi du lịch tại những nơi gần gũi với thiên nhiên |
“Lắng nghe âm thanh của lá cây cùng gió, mình cởi bỏ hoàn toàn những căng thẳng tích tụ từ lối sống bận rộn thường ngày. Mình thấy thư giãn và như có một dòng chảy năng lượng xuyên suốt trong cơ thể, khiến tâm trí chuyển động tự do, phóng khoáng hơn”, Diễm Ly chia sẻ.
Còn với Phạm Đức Anh (22 tuổi, sống tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), vì vẫn còn đang đi học nên việc “tự chữa lành” thường được chàng trai trẻ dành thời gian vào mỗi cuối tuần để đạp xe đạp xung quanh những con đường tại Phố Cổ của Hà Nội. Cảm giác được đạp xe băng qua những con đường khiến chàng trai trẻ cảm thấy như đang “cầm lái” chính cuộc sống của mình, giúp Đức Anh dễ dàng đối mặt với những áp lực trong công việc thường ngày hơn.
“Sau một tuần làm việc dài, mình thường cảm thấy kiệt sức vì công việc. Những chuyến đạp xe rồi tham gia các giải chạy bộ giúp mình cảm thấy vui vẻ và tràn đầy năng lượng”, Đức Anh nói.
Với chàng trai 22 tuổi, việc hoạt động thể dục thể thao là một cách thực sự hiệu quả để giải toả căng thẳng trong cuộc sống, công việc. “Những mệt mỏi về tinh thần thực sự được giải tỏa khi chúng ta vận động cơ thể hết sức. Đó là cách giúp mình nạp lại năng lượng, ngủ được sớm hơn và cũng có một sức khỏe tốt hơn để chiến đấy với những áp lực trong cuộc sống”, Đức Anh chia sẻ.
Nhìn nhận về xu hướng tự “chữa lành” của người trẻ, chuyên gia tâm lý Phạm Thảo Nguyên cho rằng đây là quá trình tự trở nên lành lặn sau những tổn thương, khác với trị liệu chỉ có thể được thực hiện bởi các nhà chuyên môn y tế hoặc tâm lý.
Tham gia chạy bộ, đi xe đạp và rèn luyện thể thao giúp Đức Anh cảm thấy được nạp lại năng lượng cho bản thân |
“Cho dù một người có bị tổn thương cần được trị liệu hay không, tất cả chúng ta và đặc biệt là người trẻ đều mưu cầu đạt đến sự cân bằng, ổn định của cơ thể và tâm trí. Quá trình này có thể bao gồm nhiều phương pháp, từ truyền thống đến hiện đại, như lối sống, ăn uống, tập thể dục, yoga, massage, thiền định, chăm sóc sức khỏe tinh thần, trị liệu tâm lý hay dược lý và nhiều hơn nữa.
Khi chọn cách tìm về thiên nhiên, để được nghỉ ngơi và thực sự hồi sinh tinh thần khỏi căng thẳng, mệt mỏi, người trẻ cần ngắt kết nối với các hoạt động công việc, internet, mạng xã hội… Bên cạnh đó, khi đã hiểu giá trị của thiên nhiên đem lại, ngay cả khi sống trong đô thị, người trẻ vẫn có thể tự tạo quãng nghỉ cho mình bằng việc sắp xếp không sinh sống, làm việc mà không dựa dẫm hay trông đợi vào những ngày nghỉ ngắn hạn trong năm”, chuyên gia tâm lý Phạm Thảo Nguyên chia sẻ.