Người trẻ Việt dọn rác bắt đầu từ ý thức
Sinh viên tình nguyện dọn vệ sinh môi trường
Bài liên quan
Nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ của người trẻ Việt tham dự Tech in Asia 2017
Người trẻ Việt Nam chia sẻ tầm nhìn cùng APEC
Du học - Cơ hội “vàng” cho người trẻ Việt
Du học Đức cơ hội mới cho người trẻ Việt
Chỉ sạch nhà mình…
Nhật Bản vốn dĩ vẫn được biết đến là một trong những quốc gia có môi trường trong sạch nhất trên thế giới, người dân được giáo dục ý thức từ nhỏ về việc giữ gìn vệ sinh môi trường sống xung quanh.
Các trường học ở Nhật Bản không có người dọn vệ sinh, việc này sẽ do chính các học sinh đảm nhiệm đã xây dựng ý thức tự giác, không ỷ lại vào người khác từ đó hình thành nên thói quen của mỗi người dân Nhật Bản trong cuộc sống hàng ngày.
Ở Việt Nam sau mỗi mỗi sự kiện, lễ hội thì đi đến đâu cũng thấy ngập rác, điều này cho thấy ý thức chưa tốt của một bộ phận người trẻ Việt |
“Trông người mà ngẫm đến ta”, ở Việt Nam sau mỗi một sự kiện, một lễ hội hay đơn cử chỉ là những ngày cuối tuần trên phố đi bộ thì đi đến đâu cũng thấy ngập rác. Nhiều người từng đến Nhật chắc chắn sẽ có đều có một thắc mắc, tại sao ở Nhật Bản lại sạch như thế trong khi có rất ít thùng rác và lao công đường phố còn ngược lại ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng thì có rất nhiều thùng rác công cộng, những nhân viên vệ sinh môi trường hoạt động 24/24 nhưng rác vẫn đầy đường. Tất cả đều bắt đầu từ ý thức
Dạo quanh phố đi bộ hồ Gươm cuối tuần, có lẽ vẫn thích nhất là vào mỗi buổi sáng khi đường phố vẫn còn vắng vẻ, đường vẫn sạch bong nhưng chỉ từ 12h trưa trở đi thì đoạn đường nào cũng ngổn ngang rác thải. Thậm chí, cả khi đã có thùng rác nhưng người ta vẫn cố tình vứt ra ngoài hoặc vứt bên cạnh thùng rác. Điều này bắt nguồn từ thói ích kỉ cá nhân miễn nhà mình sạch sẽ, ngoài đường bẩn thỉu như thế nào cũng mặc kệ; hay bởi tâm lý đám đông thấy người khác làm được thì mình cũng làm theo có sao đâu…
Bạn Nguyễn Minh Hải (sinh viện Đại học Bách khoa) chia sẻ: “Hôm vừa rồi em tham gia một sự kiện trên phố đi bộ. Khi thấy mấy bạn không bỏ rác vào thùng mà vứt ngay dưới lòng đường, em nhắc nhở thì các bạn bào “mọi người vẫn vứt ở đó mà”. Quả thật, nếu ý thức ai cũng như vậy thì làm sao đường phố có thể sạch sẽ được”.
Đừng để cuộc chiến chống rác thải chỉ là “sống ảo”
Chị Đinh Thị Mai Hoa, công nhân vệ sinh môi trường cho hay: “Nhiều bạn trẻ ý thức rất kém, tiện đâu là xả rác tại đó, trong khi các tuyến phố đều có thùng rác công cộng. Chưa kể nhiều ông bố bà mẹ dẫn con đi cùng mua đồ ăn cho con xong vứt toẹt luôn vỏ bánh, vỏ kẹo dưới lòng đường chẳng khác nào đang làm “gương xấu” cho con cái học theo”.
Bên cạnh một bộ phận giới trẻ ý thức chưa tốt trong việc bảo vệ môi trường thì giới trẻ Việt những năm gần đây ngày càng tích cực trong các phong trào hướng đến môi trường như: “giảm thiểu rác thải nhựa”, “ống hút tre”, “Chủ nhật xanh”. Điều này không chỉ nhắc nhở về tác hại của rác thải nhựa lên nhiều khía cạnh đời sống, mà còn nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc ý thức bảo vệ môi trường tại Việt Nam.
Mới đây nhất là chiến dịch dọn dẹp bãi rác – challenge for change, nở rộ khắp mạng xã hội được nhiều bạn trẻ hưởng ứng. Nhiều bức ảnh chụp lại thành quả đáng kinh ngạc những bãi rác được làm sạch, những con đường sạch bóng rác được chia sẻ khiến các bạn trẻ càng thêm tự hào và hăng hái tham gia tích cực với những hành động thiết thực tương tự.
Chia sẻ về vấn đề này TS Nguyễn Thị Kim Nhung, Khoa Xã hội học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn, ĐH Quốc Gia Hà Nội nói: “Cuộc chiến chống rác thải mới chỉ đang được bắt đầu. Nhiệm vụ của chúng ta là đừng để nó dừng lại ở cuộc sống “ảo”. Đằng sau những chia sẻ, những bình luận kêu gọi hưởng ứng phong trào thì bộ phận lớn các bạn trẻ Việt Nam cần biến nhận thức thành hành động”.
"Tất cả những hình ảnh về các địa điểm du lịch ngập tràn rác đều đi ngược lại những gì chúng ta đang cố gắng gây dựng. Những hình ảnh đó cho thấy, đôi khi trào lưu chia sẻ chưa thực sự chạm được đến mục đích cuối cùng đó là một ý thức lâu dài, sự chủ động về lối sống xanh, bảo vệ môi trường sống cho chúng ta ở hiện tại và cả trong tương lai", TS Nguyễn Thị Kim Nhung nói thêm.
"Ở Việt Nam từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường mỗi người đã được giáo dục về ý thức giữ gìn vệ sinhchung; không xả rác, khạc nhổ bừa bãi nhưng vẫn không ít người nhận thức kém vẫn tùy tiện vứt rác bừa bãi nơi công cộng, trên đường phố. Chính vì vậy, muốn dọn sạch rác đô thị trước tiên phải dọn cả “rác” trong ý thức mỗi người", ThS Đinh Phương Linh, chuyên gia xã hội học, bày tỏ.
Trend (trào lưu) thường chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian rất ngắn rồi biến mất. Tuy nhiên, những trào lưu tốt đẹp cần phải được duy trì và nhân rộng trong toàn xã hội. Những trào lưu ấy tiếp tục đi cùng với giới trẻ Việt và biến thành ý thức chung của một thế hệ mới thì chắc chắn những hình ảnh nhếch nhác của môi trường sẽ dần biến mất.
* Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2019