Nguồn cung nguyên liệu được nối lại giúp ngành dệt may bứt phá
Trước tình hình dịch Covid-19 trong nước được kiểm soát, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang nỗ lực vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất. Với quyết tâm biến thách thức thành cơ hội, ngành dệt may kỳ vọng sự bứt phá trở lại khi dịch bệnh Covid-19 đi qua.
Ngành dệt may Việt Nam gặp khó khăn ngay từ đầu năm vì nguồn cung nguyên liệu thiếu do đại dịch Covid-19 |
Ngay từ những tháng đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 càn quét, cũng là lúc ngành dệt may đối mặt với cú sốc đầu tiên vào tháng Giêng. Khi dịch mới bùng phát, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam bị đứt nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc.
Nhờ nguồn cung được nối lại, thị trường dệt may Việt Nam sôi động hơn |
Nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc đang dần được nối lại khi tốc độ thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc được đẩy nhanh hơn nhiều so với cuối tháng 2/2020, giúp doanh nghiệp bớt mối lo.
Lượng xe hàng hóa nhập khẩu trong những ngày này được thông quan lên tới 600-800 xe/ngày. Điều này giúp doanh nghiệp sản xuất trong nước sớm nối lại nguồn cung nguyên liệu để kịp các đơn hàng xuất khẩu.
Doanh nghiệp Việt Nam nhận nhiều đơn hàng khẩu trang từ thế giới |
Cơ quan hải quan cũng hết sức tạo điều kiện cho hàng hóa được thông quan nhanh. Hải quan ở các cửa khẩu đã chủ động phối hợp với lực lượng chức năng phân luồng, điều tiết các phương tiện chở hàng xuất nhập khẩu, sắp xếp bến bãi; Ưu tiên giải quyết thủ tục nhanh những lô hàng có nguy cơ bị hỏng nếu chờ lâu.
Hầu hết cán bộ, công chức hải quan làm việc ngoài giờ với phương châm “làm hết việc chứ không hết giờ”, nhằm tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp nhập khẩu nguyên phụ liệu.
Tính đến giữa tháng 4/2020, tổng lượng khẩu trang xuất khẩu của Việt Nam là gần 416 triệu chiếc, trị giá hơn 63 triệu USD |
Từ giữa tháng 3, khi các nhà máy Trung Quốc tái khởi động, doanh nghiệp dệt may Việt Nam bắt đầu được cung cấp nguyên liệu trở lại.
Mặt khác, trong tháng 3, liên tục những buổi giao thương trực tuyến tìm nguồn hàng nguyên liệu cũng được Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) tổ chức, kết nối cho 20 doanh nghiệp dệt may trong nước và các doanh nghiệp đến từ vùng lõi sản xuất vải, nguyên phụ liệu dệt may như Hàng Châu, Chiết Giang (Trung Quốc). Một số doanh nghiệp trong nước bước đầu đã chốt được những đơn hàng nhập khẩu vải nguyên liệu.
Những cuộc giao thương trực tuyến đã góp phần giúp ngành Dệt may Việt Nam thoát khỏi khó khăn thời Covid-19 |
Vì vậy, mặc dù có sự sụt giảm đáng kể, song theo đánh giá mức độ suy giảm của dệt may Việt Nam so với các quốc gia cạnh tranh như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh chỉ bằng gần 50%.
Điều này cho thấy, việc Chính phủ Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh và nỗ lực trong điều hành hoạt động sản xuất linh hoạt của doanh nghiệp cũng đã hạn chế được ảnh hưởng tiêu cực chung của thị trường và tạo đà cho những bứt phá của ngành dệt may trong những tháng cuối năm.