Nhiều chuyển biến tích cực trong quản lý đất đai, khoáng sản
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc. Cùng dự có Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì buổi làm việc |
Chuyển biến rõ nét trong quản lý khai thác khoáng sản
Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết, trên địa bàn huyện có 3 con sông chảy qua là sông Hồng, sông Đáy và sông Tích.
Trước khi có Chỉ thị số 13 - CT/TU, trong khoảng 12 km sông Hồng chạy dọc ranh giới giữa huyện với huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) có nhiều đối tượng bất chấp thủ đoạn để khai thác trộm cát ở lòng sông, lực lượng chức năng gặp khó khăn trong việc phát hiện và xử phạt do các đối tượng hoạt động tinh vi và chống đối khi bị phát hiện.
Sau khi có Chỉ thị, Ban Thường vụ Huyện ủy luôn đoàn kết, chủ động, đổi mới phong các làm việc và lãnh đạo chỉ đạo thực hiện có hiệu quả toàn diện các nhiệm vụ chính trong đó có công tác quản lý đất đai, quản lý, khai thác khoáng sản, trọng tâm khai thác cát trên địa bàn huyện.
Kết quả từ năm 2022 đến nay, từ cấp huyện đến cơ sở đã tổ chức 44 cuộc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với đại diện Nhân dân. Tại các cuộc đối thoại, cấp ủy, chính quyền luôn lắng nghe nguyện vọng, giải quyết kiến nghị đề xuất chính đáng của Nhân dân trong công tác quản lý đất đai, khai thác khoáng sản, nhất là khai thác cát đối với 5 xã có dòng sông Hồng chảy qua.
Trên địa bàn huyện có 3 đơn vị được cấp phép khai thác cát tại xã Vân Nam, Vân Hà. Đến nay, 3 mỏ cát trên đã hết hạn và không hoạt động, UBND huyện đã chỉ đạo quản lý, bảo vệ diện tích các khu đất, mỏ cát để không xảy ra vi phạm. Tuy nhiên do tác động của dòng chảy sông Hồng, phần lớn diện tích các khu đất đã sạt lở.
Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Nguyễn Doãn Hoàn báo cáo tại buổi làm việc |
Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Nguyễn Doãn Hoàn cho biết thêm, ngay sau khi có Chỉ thị số 13-CT/TU, Ban Thường vụ Huyện ủy đã triển khai rà soát, xử lý vi phạm đất đai.
Chỉ trong 3 tháng sau khi có Chỉ thị, huyện đã giải phóng 400 trường hợp vi phạm đất đai với hàng nghìn mét nhà xưởng; rà soát đánh giá rõ hơn về hơn về công tác quản lý đất đai, vi phạm khai thác cát, đề xuất giải pháp để báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường. Qua đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có 2 đoàn làm việc với huyện tháo gỡ vướng mắc cho huyện, từ đó 2 năm gần đâu, huyện không có trường hợp vi phạm về sử dụng đất đai mới, vi phạm trật tự xây dựng không có phát sinh.
Đặc biệt, huyện tổ chức rà soát đánh giá lại hoạt động khai thác cát trên địa bàn; quán triệt các đảng bộ có mỏ cát trên địa bàn, giao Công an lập tổ chặn xe bán tải vào khu có cát, được người dân đồng tình ủng hộ; xử lý được 5 vụ vi phạm theo quy định.
Thượng tá Nguyễn Quốc Hùng, Trưởng Công an huyện Phúc Thọ cho biết thêm, từ khi có Chỉ thị số 13-CT/TU, tình hình quản lý khai thác khoáng sản đã ổn hơn. Dù vậy, hiện vẫn còn khó khăn, do lực lượng cán bộ mỏng, phương tiện tiếp cận khó khăn; các đối tượnng lợi dụng địa bàn giáp ranh khai thác, gây khó khăn cho quản lý.
Đảm bảo an ninh trong quản lý đất đai, khoáng sản
Để làm tốt công tác quản lý đất đai, khoáng sản, huyện Phúc Thọ kiến nghị Ban Thường vụ Thành uỷ quan tâm chỉ đạo UBND TP tiếp tục phối hợp với UBND các tỉnh giáp danh tiến hành xác định mốc giới, thả phao báo hiệu mốc giới trên sông; định địa giới hành chính giữa các tỉnh với TP Hà Nội;
TP chỉ đạo các Sở, ngành chức năng tăng cường phối hợp với lực lượng Công an trong công tác phòng, chống tội phạm về môi trường nói chung và khai thác tài nguyên khoáng sản nói riêng; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo bố trí kinh phí mở lớp tập huấn cấp chứng chỉ lái phương tiện thủy cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia xử lý vi phạm tại cơ sở.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tại buổi làm việc |
Đối với 3 mỏ cát diện tích còn lại ít nằm dọc theo sông Hồng tiếp giáp với đất nông nghiệp của các hộ gia đình xã Vân Hà, Vân Nam nên không còn phù hợp sử dụng vào việc khai thác cát, huyện đề nghị TP đưa ra khỏi quy hoạch mỏ và giao lại cho UBND huyện quy hoạch đưa vào sản xuất nông nghiệp.
Huyện cũng đề nghị TP quan tâm sớm chấp thuận chủ trương và hướng dẫn hoàn thiện thủ tục lập dự án 5 bài tập kết và trung chuyển vật liệu xây dựng của các đơn vị đã đề xuất đủ điều kiện. Tiếp tục quy hoạch phát triển hai bên bờ sông Hồng đoạn còn lại từ huyện Đan Phượng qua huyện Phúc Thọ đến huyện Ba Vì làm cơ sở để quản lý và triển khai các dự án.
Biểu dương Ban Thường vụ Huyện uỷ, cấp uỷ, chính quyền huyện Phúc Thọ đã nghiêm túc triển khai Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành uỷ, thể hiện trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, kết quả cho thấy có chuyển biến rõ nét sau khi Chỉ thị được ban hành. Nhấn mạnh lĩnh vực tài nguyên môi trường, đặc biệt là quản lý tài nguyên khoáng sản, đất đai, trong khi những vi phạm trong lĩnh vực này ngày càng tinh vi và phức tạp, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu cấp uỷ, chính quyền huyện Phúc Thọ nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm vi phạm, kịp thời khen thưởng, động viên những tập thể, cá nhân thực hiện tốt.
Lưu ý công tác phối hợp giữa huyện với các sở, ngành của TP, với địa bàn lân cận, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu, huyện cần quyết liệt xây dựng huyện xanh - sạch - đẹp, đảm bảo an ninh trong quản lý đất đai, khoáng sản trên địa bàn.
Tiếp thu ý kiến thành viên đoàn và Trưởng đoàn giám sát, Bí thư Huyện uỷ Nguyễn Doãn Hoàn khẳng định, tập thể cán bộ, lãnh đạo huyện tiếp thu nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành uỷ, tiếp tục quán triệt sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân để thực hiện hiệu quả Chỉ thị 13 trên địa bàn huyện.