Nhiều kết quả nổi bật trong chương trình OCOP của tuổi trẻ Thủ đô
Thành đoàn Hà Nội đã bám sát Bộ tiêu chí chấm điểm thi đua công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2020 của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh làm cở sở triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2020 đến các cơ sở trực thuộc.
Bên cạnh đó, Thành đoàn Hà Nội cũng phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Điều phối chương trình Nông thôn mới thành phố trong các hoạt động tuyên truyền, phổ biến tới đoàn viên, thanh niên về chủ trương, chính sách về chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Tổ chức lồng ghép tập huấn trong các chuyên đề từ cấp thành phố đến cơ sở.
Bộ 6/6 sản phẩm giò chả của thanh niên xã Sài Sơn, Quốc Oai đã được chứng nhận OCOP |
Theo đó, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2020 đã được Thành đoàn Hà Nội triển khai rộng rãi tới tất cả các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố thu được nhiều kết quả. Tuổi trẻ Thủ đô đã thể hiện vai trò xung kích, sáng tạo trong lập nghiệp, khởi nghiệp mà thành quả đó là nhiều sản phẩm của thanh niên được công nhận là sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.
Trong đó, Đoàn Thanh niên xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai đã hỗ trợ mô hình sản phẩm giò chả. Chủ hộ sản xuất là anh Nguyễn Doãn Hợi sinh năm 1984 (tại xóm 6 thôn Thụy Khuê, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội). Cơ sở sản xuất có 6 sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận OCOP theo Quyết định số 813/QĐ-UBND ngày 19/02/2020 của UBND TP Hà Nội gồm: Chả sụn, giò lụa, giò tai, xúc xích, chả hạt lựu, giò xào tai lưỡi.
Sản phẩm giò chả khá đa dạng, được cơ sở chế biến theo quy trình đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm từ các nguyên liệu tạo nên chất lượng sản phẩm tốt nhất. Toàn bộ 6 sản phẩm đã được chứng nhận OCOP, trong đó có 5 sản phẩm 3 sao và 1 sản phẩm 4 sao. Nhà xưởng rộng 250m2, khối lượng thành phẩm khoảng 15-20 tấn/năm, doanh thu khoảng 4 tỷ đồng/năm, lợi nhuận 240 triệu/năm.
Mô hình sản xuất giò chả cũng tạo việc làm cho nhiều lao động |
Vai trò của tổ chức Đoàn, Hội luôn được thể hiện rõ trong những công tác hỗ trợ tập huấn kiến thức về OCOP cho chủ mô hình. Tổ chức Đoàn hỗ trợ về liên kết đầu vào và đầu ra cho sản phẩm; Phát triển kinh tế bằng nguồn vốn vay từ Ngân hành chính sách xã hội thành phố cũng như các thủ tục hành chính kèm theo.
Đặc biệt, Đoàn Thanh niên xã thường xuyên thăm quan, hỗ trợ chủ mô hình giải quyết các vướng mắc xảy ra giúp cơ sở sản xuất ngày càng phát triển; Quảng bá sản phẩm rộng rãi hướng tới các thị trường trong nước và mục tiêu phát triển ra thị trường quốc tế.
Đoàn Thanh niên xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai lại hỗ trợ tốt cho mô hình sản phẩm miến dong của anh Dương Đình Khôi sinh năm 1971 (tại thôn 4, xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội).
Sản phẩm miến dong đạt giấy chứng nhận OCOP của thanh niên xã Tân Hòa |
Sản phẩm miến dong của công ty được chế biến đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm từ các nguyên liệu, quy trình khép kín với khâu kiểm tra, đánh giá chất lượng nghiêm ngặt tạo nên chất lượng sản phẩm tốt, mẫu mã đa dạng đã được UBND TP Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Sản phẩm được công nhận OCOP theo Quyết định số 813/QĐ-UBND ngày 19/02/2020 của UBND TP Hà Nội.
Quy mô sản xuất với nhà xưởng rộng 800m2, khối lượng thành phẩm khoảng 400 tấn/năm, doanh thu khoảng 18 tỷ đồng/năm, lợi nhuận trên 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho trên 40 lao động.
Vai trò của tổ chức Đoàn, Hội đã được thể hiện rõ qua những hoạt động đào tạo, hướng dẫn, tập huấn chuyên sâu các kiến thức về các chương trình gắn với OCOP. Ngoài ra còn có các chương trình hỗ trợ vay vốn, kêu gọi hợp tác; Trợ giúp doanh nghiệp trong công tác quảng bá sản phẩm thông qua nhiều hình thức như: Fanpage Quận, Huyện, Thị đoàn; Facebook đoàn viên, thanh niên...
Công nhân đóng góp sản phẩm miến dong |
Bên cạnh đó, các buổi tọa đàm, giao lưu với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất khác do các Quận, Huyện, Thị đoàn cũng tổ chức nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp có thể trao đổi kinh nghiệm, giải pháp trong kinh doanh, sản xuất, từ đó nâng cao được chất lượng sản phẩm cũng như kinh doanh.
Đoàn Thanh niên xã Khánh Hà, huyện Thường Tín (Hà Nội) đã thực hiện tốt việc hỗ trợ mô hình sản phẩm bột rau củ sấy lạnh GIHO của chị Nguyễn Thị Thu (sinh năm 1988).
Mô hình bột rau củ sấy lạnh tại xã Khánh Hà, Thường Tín, Hà Nội |
Sản phẩm bột rau củ sấy lạnh được chế biến đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm từ các nguyên liệu, quy trình khép kín với khâu kiểm tra, đánh giá nghiêm ngặt tạo nên chất lượng sản phẩm tốt với mẫu mã đa dạng. Rau củ sau khi được thu hoach từ trang trại sẽ được đưa vào hệ thống sấy lạnh trong 50 tiếng nhằm giữ nguyên giá trị dinh dưỡng.
Sản phẩm đã được UBND TP Hà Nội công nhận đạt OCOP 4 sao. Mô hình có doanh thu khoảng 150 triệu đồng/tháng, đồng thời cũng tạo thêm công việc cho người dân tại địa phương giúp nâng cao đời sống.
Sản phẩm được đánh giá cao về chất lượng |
Vai trò của tổ chức Đoàn, Hội được thể hiện qua các hoạt động kết nối với các chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm trong cũng như ngoài địa phương; Đào tạo, hướng dẫn, tập huấn chuyên sâu các kiến thức về các chương trình gắn với OCOP; Hỗ trợ vay vốn, kêu gọi hợp tác.
Vai trò của tổ chức Đoàn, Hội còn được thể hiện qua những tham mưu, đề xuất với các cấp chính quyền trong công tác hỗ trợ đối với doanh nghiệp cả về sản xuất kinh doanh cũng như cơ chế. Từ đó, doanh nghiệp được tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của sản phẩm OCOP.
Tổ chức Đoàn, Hội cũng thể hiện được vai trò xung kích, sáng tạo trong việc kết nối với các đơn của các tỉnh, thành khác trên cả nước để doanh nghiệp được trao đổi, học hỏi từ kinh nghiệm sản xuất cho đến quản lý. Từ đó, doanh nghiệp phát triển bền vững và mạnh mẽ hơn.