Nhiều sáng kiến hay giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên tổ chức giới thiệu việc làm tại huyện Định Hóa
Bài liên quan
Hà Nội: Tín dụng chính sách xã hội giúp trên 193.000 hộ thoát nghèo
TP HCM: Phê duyệt 500 tỷ đồng cho vay hỗ trợ tạo việc làm
VietinBank ký kết hợp tác với Tập đoàn Pacific
Doanh nghiệp cố gắng duy trì việc làm
Tháo gỡ rào cản giúp người khuyết tật tiếp cận việc làm
Thị trường lao động thế giới khó hồi phục đến hết năm 2021 do đại dịch Covid-19
Điển hình như tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều chính sách quan tâm đến công tác giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS như: Tổ chức các phiên giao dịch việc làm thu hút đông đảo các doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề và người lao động tham gia; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, trong giai đoạn 2011-2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho 120.000 lao động, trong đó ưu tiên đào tạo lao động nông thôn, người DTTS, hộ nghèo, cận nghèo. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo ở các huyện miền núi năm 2019 lên 48,6%, dự kiến năm 2020 đạt 53%. Công tác giải quyết việc làm được quan tâm, trong giai đoạn 2011-2020, các huyện miền núi đã giải quyết việc làm mới cho 153.802 lao động. Cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông – lâm - ngư nghiệp, tăng ngành nghề dịch vụ, thương mại, công nghiệp, xây dựng. Qua đó, góp phần quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi.
Một số huyện đã tổ chức phối hợp giữa các đơn vị dạy nghề với các doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động, tuyển dụng trực tiếp tại các xã, thị trấn. Cách làm này đã giải quyết được số lượng việc làm lớn cho đồng bào DTTS.
Tương tự, tỉnh Thái Nguyên cũng có nhiều giải pháp thiết thực tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo tại 124 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, như đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phân bón, giống ngô, lãi suất vay nuôi bò sinh sản theo Quyết định số 2037 của UBND tỉnh.
Đặc biệt, tỉnh tổ chức các phiên giao dịch, giới thiệu việc làm tại khu vực vùng sâu, vùng xa; đề nghị Công ty TNHH Samsung Thái Nguyên ưu tiên tuyển dụng người lao động thuộc các hộ nghèo, cận nghèo là người DTTS vào làm việc. Giai đoạn 2015 - 2019, trung bình mỗi năm, toàn tỉnh có hơn 20 nghìn người được tạo việc làm, trong đó có khoảng 30% là người DTTS, qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại 124 xã vùng DTTS và miền núi xuống còn 6,17%.
Thời gian qua, rất nhiều thanh niên DTTS ở Lào Cai được hưởng những chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và tìm việc làm. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã thực hiện chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học nghề cho 3.895 học sinh, sinh viên với tổng số hơn 20 tỷ đồng. Một số chính sách giảm nghèo bền vững với hợp phần dự án đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, hỗ trợ hệ thống dịch vụ việc làm, vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm được triển khai đồng bộ ở các cấp.
Từ đó, nhiều thanh niên dân tộc thiểu số đã phát huy tinh thần xung kích, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn khởi nghiệp và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Điển hình như Tẩn Thị Su (dân tộc Mông), Giám đốc Công ty SaPa O’Chau; Nông Văn Lương (dân tộc Giáy), chủ chuỗi nhà hàng, trang trại cá nước lạnh ở Sa Pa; Hà Thị Vân (dân tộc Tày) khởi nghiệp bằng mô hình kinh doanh nhà nghỉ cộng đồng tại xã Tà Chải, huyện Bắc Hà...
Nhận thấy, những giải pháp hỗ trợ việc làm cho đồng bào DTTS thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực. Để tiếp tục phát huy hiệu quả đồng bộ tại các tỉnh, thành, chúng ta cần nhân rộng các mô hình hay, đồng bộ cơ chế, chính sách, chú trọng công tác tuyên truyền, tư vấn, vận động người DTTS học nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm, hướng dẫn vay vốn sau đào tạo và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp tại địa phương. Như lời Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, hiện chúng ta có 116 chính sách khác nhau, trong đó có 7 chính sách hỗ trợ thanh niên dân tộc miền núi học nghề và nâng cao trình độ đào tạo từ bồi dưỡng, đến sơ cấp, trung cấp. Việc liên kết đào tạo với doanh nghiệp để thực hiện đào tạo nghề theo đơn đặt hàng nếu làm tốt, sẽ là hướng đi đúng đắn để giải quyết việc làm cho thanh niên đồng bào dân tộc.