Nhiều trẻ nguy kịch, suy đa tạng vì ong đốt
Liên tiếp các ca bệnh bị ong đốt nguy kịch
Ngày 18/9, bé trai B.L (10 tuổi, Hải Dương) bị ong vò vẽ đốt trên đường đi học, với hơn 100 nốt đốt rải rác khắp cơ thể. Ngay sau đó, bé được gia đình đưa đến cơ sở y tế và xử trí truyền dịch, dùng các thuốc giảm đau, thuốc chống dị ứng. Lúc này, B.L tỉnh táo nhưng mệt và khó thở nhiều. Ngay lập tức, trẻ được chuyển tới Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục điều trị.
Giờ thứ 5 sau khi bị đốt, trẻ vào Khoa Điều trị tích cực Nội khoa trong tình trạng suy hô hấp, phù phổi cấp, suy tuần hoàn, suy gan, suy thận và rối loạn đông máu tiến triển nhanh chóng.
Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận liên tiếp những ca ong đốt nặng |
Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ đã tiến hành hỗ trợ chức năng cơ quan cho bệnh nhi với các biện pháp như: Thở máy, lọc máu liên tục và lọc máu hấp phụ độc chất. Tuy nhiên, tình trạng suy đa tạng tiếp tục diễn biến xấu, suy tuần hoàn nặng hơn, cần duy trì thêm nhiều thuốc trợ tim, vận mạch.
Các bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn và quyết định thực hiện kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo) để hỗ trợ các chức năng các cơ quan, nhằm duy trì sự sống cho bệnh nhi. Mặc dù đã được điều trị tích cực nhưng sau 2 ngày, tình trạng bệnh nhi không cải thiện, trẻ tử vong trong bệnh cảnh suy đa cơ quan, rối loạn đông máu nặng không đáp ứng với các biện pháp điều trị.
Trước đó, ngày 6/9, bệnh viện cũng tiếp nhận 2 trường hợp trẻ bị ong đốt nguy kịch khác. Theo gia đình, 15h chiều 5/9, hai cháu N.T (12 tuổi, Hoà Bình) và M.A (9 tuổi, Hòa Bình) bị ong đốt khi đi hái ổi cùng nhau.
Bé N.T đang được lọc máu liên tục 24/24 giờ và chăm sóc đặc biệt |
Bé N.T (12 tuổi) sau khi bị đốt khoảng 50 nốt ở vùng đầu mặt cổ đã mệt và đau nhiều. Gia đình ngay lập tức đưa trẻ tới cơ sở y tế và được xử trí phản vệ sau đó nhanh chóng chuyển tới bệnh viện tỉnh. Tại đây, bệnh nhi mệt hơn, sốt cao, khó thở và tiểu sẫm màu do tiêu cơ vân cấp. Sau 1 ngày, tình trạng bệnh không cải thiện, trẻ được chuyển tới Bệnh viện Nhi Trung ương.
Bệnh nhi vào Khoa Điều trị tích cực Nội khoa trong tình trạng nguy kịch, suy đa tạng, bao gồm suy hô hấp do tổn thương phổi nặng, trụy mạch, tổn thương cơ tim, suy gan, suy thận và tiêu cơ vân cấp.
Để cứu sống bệnh nhi, các bác sĩ đã tiến hành cho trẻ thở máy, chống sốc và chỉ định lọc máu liên tục kết hợp với lọc máu hấp phụ độc tố; Đồng thời điều trị kháng sinh, giảm đau và hỗ trợ cơ quan tích cực.
ThS.BS Bùi Thị Tho, Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Chúng tôi thường gặp trẻ bị ong đốt nặng trong hai bệnh cảnh: Sốc phản vệ giai đoạn sớm và tình trạng suy gan, suy thận do tiêu cơ vân vài ngày sau khi bị đốt.
Trường hợp cháu N.T là ca bệnh đặc biệt nguy kịch với diễn biến suy đa cơ quan nhanh chóng. Rất may mắn, sau 5 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi cải thiện hơn, không cần sự hỗ trợ của máy thở cũng như các thuốc trợ tim, vận mạch. Đồng thời, tình trạng tiêu cơ vân và men gan cải thiện rõ; Bệnh nhi đã tự tiểu được, chúng tôi chuyển cháu lên Khoa Thận và Lọc máu để tiếp tục điều trị và theo dõi”.
Cùng đi chơi với N.T, bé M.A (9 tuổi) nhập viện với gần 30 nốt đốt, trong đó có 26 nốt trên đầu, một số ở cổ và gáy, cùng với các dấu hiệu mệt mỏi, tiểu sẫm màu. Sau khi thăm khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm thăm dò chức năng, M.A được chẩn đoán: Suy gan, suy thận cấp.
Các bác sĩ cho biết sau nhiều biện pháp điều trị tích cực, trẻ đã tỉnh táo, men gan có xu hướng giảm, chức năng thận đang cải thiện, có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Sơ cứu trẻ bị ong đốt
Ong đốt là tai nạn không hiếm gặp ở trẻ em, nhất là ở các vùng nông thôn. Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng biết cách sơ cứu, xử trí kịp thời, dẫn đến nhiều tình trạng nguy hiểm như: Sốc phản vệ, tiêu cơ vân, suy chức năng đa cơ quan.
Trẻ được thăm khám và điều trị suy thận cấp tại Khoa Thận và Lọc máu |
Theo PGS.TS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương: "Ong đốt là tai nạn thường gặp ở trẻ, đặc biệt là các cháu sinh sống tại các vùng nông thôn. Tùy theo loài ong mà nọc sẽ độc ít hay nhiều, có loại gần như không độc (ong mật) nhưng cũng có loại gây tử vong chỉ với 10 vết chích như ong vò vẽ, ong đất (ong bắp cày), ong bầu".
Để tránh hậu quả nghiêm trọng, khi trẻ bị ong đốt, các bậc phụ huynh cần bình tĩnh xử trí, nhanh chóng di chuyển trẻ tới khu vực an toàn tránh bị đốt nhiều hơn.
Phụ huynh có thể các bước sơ cứu như sau: Nếu vòi chích có phần nổi lên bề mặt da, có thể thử lấy nhíp gắp ra, không cố gắng lấy vòi chích bằng cách nặn vết thương; Rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước lạnh, nếu có thể hãy sát khuẩn bằng dung dịch cồn y tế hoặc dung dịch sát khuẩn; Chườm lạnh trên vùng bị đốt bằng nước lạnh hoặc một túi nước đá khoảng 10 phút.
Trường hợp trẻ có một trong các dấu hiệu sau: Nhiều vết đốt; Bị đốt vào các vùng đầu mặt, cổ, kèm theo phù nề lan nhanh hoặc có sốt, mệt mỏi, khó thở, số lượng nước tiểu ít dần, nước tiểu màu đỏ như máu, có dấu hiệu dị ứng hoặc trước đây từng bị dị ứng với ong đốt, mẩn ngứa, đỏ da toàn thân hoặc cảm giác choáng váng, chóng mặt... cha mẹ cần ngay lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời; Không nên trì hoãn để thực hiện các bước sơ cứu tại nhà.